TP.HCM đang nghiên cứu dự án xây dựng khu vực đi bộ ở trung tâm thành phố với diện tích 221ha. Dự kiến, sau khi hình thành, khu phố đi bộ sẽ không cho xe cá nhân đi vào khu phố đi bộ, thay vào đó TP sẽ bố xe buýt điện, monorail để người dân đi lại.

Trung tâm TP.HCM sẽ thành khu phố đi bộ rộng 221ha

Phan Diệu | 25/03/2017, 05:31

TP.HCM đang nghiên cứu dự án xây dựng khu vực đi bộ ở trung tâm thành phố với diện tích 221ha. Dự kiến, sau khi hình thành, khu phố đi bộ sẽ không cho xe cá nhân đi vào khu phố đi bộ, thay vào đó TP sẽ bố xe buýt điện, monorail để người dân đi lại.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM (Sở GTVT TP) đã giao Khu quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư nghiên cứu dự án xây dựng khu vực đi bộ ở trung tâm thành phố với diện tích 221ha.

Theo đó, Sở GTVT TP giao cho Trung tâm nghiên cứu Giao thông vận tải Việt Đức và Trường Đại học Việt Đức lập đề án. Sở này sẽ xem xét đề cương dự án và dự kiến trình UBND TP.HCM trước ngày 30.4.

Theo Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam - đơn vị lập quy hoạch về phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020, khu phố đi bộ ở trung tâm TP.HCM được định hình trong phạm vi 7,35km.

Một số đoạn trên các tuyến đường như Lê Duẩn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, Hai Bà Trưng, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Du, Lý Tự Trọng, Lê Lợi và một số đường nhỏ khác ở quận sẽ được bố trí làm khu phố đi bộ.

Đặc biệt, không gian phố đi bộ được xác định nằm trong khu vực có nhiều công sở, công trình văn hóa như trụ sở UBND TP, Tòa án nhân dân TP, Dinh Thống Nhất, chợ Bến Thành, Công viên Tao Đàn, Nhạc viện TP, Nhà hát lớn TP, Thảo Cầm viên Sài Gòn, Đại học Y dược, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cùng các khách sạn.

Dự kiến, sau khi hình thành, khu phố đi bộ sẽ không cho xe cá nhân đi vào khu phố đi bộ. Do đó, một số bãi đậu xe sẽ được bố trí trên các đường xung quanh như đường Nguyễn Thị Nghĩa, Lê Lai, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Hữu Cảnh. Để người dân và hành khách ra vào khu vực đi bộ thuận tiện, TP sẽ bố trí xe công cộng như xe buýt điện, monorail.

Trước mắt, Sở GTVT TP sẽ định hướng ưu tiên chọn một số tuyến đi bộ có điều kiện như đường Nguyễn Huệ (đã đưa vào sử dụng) kết nối với đường Đồng Khởi về khu vực nhà thờ Đức Bà, đường Lê Duẩn, Lê Lợi...

Trong tương lai, khu vực này sẽ đưa vào hoạt động tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Thời gian đầu, khu phố sẽ chỉ đi bộ vào các buổi tối thứ 7, chủ nhật, các ngày lễ. Sau đó, TP sẽ tăng thêm thời gian và dần dần tiến tới đi bộ các ngày trong tuần.

Đáng chú ý, mới đây, trong buổi làm việc với UBND quận 1 diễn ra ngày 20.3, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cũng đề nghị quận 1 chuyển đường Bùi Viện (khu phố Tây) thành phố đi bộ trước lễ 30.4. Đây sẽ là phố đi bộ thứ 2 của TP.HCM.

Theo đề án thí điểm, đường Bùi Viện được tổ chức thành phố đi bộ vào tối thứ 7, chủ nhật hàng tuần, bắt đầu từ 19 giờ. Các cơ sở kinh doanh được bày bán trên toàn bộ vỉa hè, lòng đường dành cho du khách, người đi bộ lưu thông.

Vì vậy, tuyến đường Bùi Viện cấm xe ô tô, còn xe 2 bánh của người dân địa phương sẽ có phương án hướng dẫn lưu thông. Để đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, quận 1 sẽ lắp đặt camera quan sát, bố trí lực lượng đi tuần tra thường xuyên.

Đặc biệt, phố đi bộ Bùi Viện sẽ có thêm hoạt động lễ hội, chương trình biểu diễn nghệ thuật, ca nhạc… để tạo thêm sự phong phú, sức hấp dẫn.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
7 phút trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung tâm TP.HCM sẽ thành khu phố đi bộ rộng 221ha