Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng kể khổ, đã 8 năm qua Trung tâm văn hóa thành phố này vẫn chưa có chỗ làm việc, đang lâm cảnh "lang thang cơ nhỡ".

Trung tâm văn hóa Đà Nẵng ‘lang thang’ suốt 8 năm

Lê Đình Dũng | 12/11/2016, 05:34

Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng kể khổ, đã 8 năm qua Trung tâm văn hóa thành phố này vẫn chưa có chỗ làm việc, đang lâm cảnh "lang thang cơ nhỡ".

Khôngnơi nào có TTVH kiểu vậy

Thông tin này được ông Hùng đưa ra tại cuộc họp với ông Võ Công Trí, Phó bí thư Thành ủy Đà Nẵng với Sở VH-TT ngày 10.11.

Trước câu hỏi của ông Trí về những vấn đề ngành văn hóa kiến nghị mà vẫn chưa được giải quyết, ông Hùng đã thẳng thắn đề cập đến việc thiết chế văn hóa tại TP chưa hoàn thiện.

Đặc biệt, Trung tâm văn hóa (TTVH) đã 8 năm qua vẫn chưa có trụ sở làm việc và tổ chức các hoạt động. Cụ thể, trước đây trụ sở của TTVH đặt tại số 84 Hùng Vương nhưng đến năm 2008, trung tâm phải chuyển về số 68 Trần Phú để dành đất cho một dự án. Đến năm 2011, thành phố lại chuyển về 1A Phan Đăng Lưu. Chưa kịp hoàn thiện thì TP.Đà Nẵng lại xây dựng dự án khác ở vị trí này buộc trung tâm phải chuyển về số 32 Bạch Đằng để hoạt động cho đến nay.

“Chúng tôi trong ngành nói vui với nhau rằng TTVH TP đang lâm cảnh "lang thang cơ nhỡ". Trên cả nước, không có tỉnh nào có TTVH kiểu như vậy. TTVH thường ở trung tâm khu dân cư, ở địa điểm rất đẹp. Thế nhưng, 8 năm qua, một thiết chế văn hóa cực kỳ quan trọng của TP cứ bị di chuyển liên tục”, ông Hùng nói.

Theo ông này, hiện Trung tâm đào tạo - huấn luyện vận động viên cũng đang ở tại một khu chung cư Hòa Xuân; Trung tâm thể dục thể thao người cao tuổi thì chuyển lên ở chung với 4 cơ quan khác trên đường Yên Bái; Trung tâm quản lý di sản cùng Trung tâm quản lý lễ hội cùng ở chung gây ra sự chật chội và hoạt động kém hiệu quả.

Ông Huỳnh Văn Hùng nêu những bức xúc về đầu tư thiết chế văn hóa của TP.Đà Nẵng

Đồng tình với ông Hùng về những hạn chế của ngành văn hóa, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí cho rằng, khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa Đà Nẵng với các đô thị lớn trong cả nước; giữa đô thị Đà Nẵng với các vùng ven, nông thôn vẫn còn rất xa. Việc bảo tồn các giá trị văn hóa, các di tích chưa được quan tâm đúng mức; các thiết chế văn hóa cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu của người dân; hệ thống thư viện tuyến xã, phường chưa đáp ứng yêu cầu…

Trên lĩnh vực đầu tư thể dục thể thao thì cơ sở vật chất, sân bãi… phục vụ thi đấu của nhân dân nói chung còn hạn chế, chủ yếu thuê của tư nhân; nhất là các trường học còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân trên địa bàn thành phố.

Khẩn trương đầu tư

Trước bức xúc của ngành văn hóa thể thao, ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã đề nghị Sở VH-TT khẩn trương thuê tư vấn làm sớm, Sở Xây dựng cũng sớm phê duyệt quy hoạch chi tiết để năm 2017 phải xong khâu chuẩn bị đầu tư để năm 2018 thực hiện khởi công TTVH.

Ông Võ Công Trí cũng chỉ đạo rốt ráo việc này và cho rằng: “Muốn xây dựng thành phố phát triển bền vững thì phải bảo đảm 3 yếu tố song hành: phát triển kinh tế, văn hóa và môi trường. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, làm văn hóa để tạo ra nền tảng phát triển kinh tế”.

Theo ông Trí, những năm qua thành phố đã làm tốt phong trào "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", thu hút được sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, góp phần vào xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. “Tuy nhiên, tình trạng suy thoái đạo đức, tư tưởng, lối sống trên địa bàn thành phố ở mức báo động, tội phạm gia tăng, đời sống văn hóa tinh thần ở các vùng ven biển, nông thôn còn nghèo nàn, lạc hậu”.

Ông Võ Công Trí đề nghị tiếp tục đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa cơ sở, đảm bảo quản lý hoạt động hiệu quả; chú trọng công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động karaoke, quán bar, hoạt động quảng cáo, cơ sở kinh doanh thể dục thể thao…

Vị này yêu cầu UBND thành phố tăng cường chỉ đạo các sở, ngành triển khai thực hiện tốt giải tỏa 54 hộ dân khu vực phía tây di tích cấp Quốc gia Thành Điện Hải; làm việc với Bộ VH-TT-DL, Liên đoàn Xiếc nếu không triển khai Trung tâm biểu diễn Xiếc thì thu hồi đất; sớm triển khai và hoàn thành cải tạo, nâng cấp các công trình văn hóa trọng điểm như: Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Khu di tích lịch sử K20, Sân vận động Hòa Xuân, Bảo tàng Mỹ thuật…

Theo báo cáo của ông Huỳnh Văn Hùng, thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2016”, Sở đã hoàn thành tốt vai trò tham mưu, triển khai nhiệm vụ. Tình trạng đổ nước, xả rác thải ra đường đã hạn chế; tình trạng rải gạo muối và đốt vàng mã ra đường giảm, việc rải vàng mã trên đường đưa tang giảm hơn 90%. Các hành vi quảng cáo rao vặt sai quy định; lang thang xin ăn, buôn bán hàng rong trên các tuyến đường phố chính; đeo bám, chèo kéo du khách có sự chuyển biến rõ rệt…

Cũng theo ông Hùng, thành phố hiện có 18 di tích cấp quốc gia, 3 di sản nằm trong danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia, 49 di tích cấp thành phố và 40 di tích trong danh mục kiểm kê. Thư viện Khoa học Tổng hợp sau đầu tư cải tạo đã thu hút được hơn 14.000 thẻ bạn đọc được phát hành…

Về thể thao thành tích cao, trong 10 tháng đoàn thể thao Đà Nẵng tham gia thi đấu 99 giải, đạt 160 HCV, 189 HCB, 247 HCĐ; thành phố có 1 HLV Trần Anh Hiệp và 3 vận động viên tham dự Olympic Rio tại Brazil. Hiện nay Trung tâm Huấn luyện và Đào tạo Vận động viên đang đào tạo 700 VĐV với trên 20 môn thể thao.

Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung tâm văn hóa Đà Nẵng ‘lang thang’ suốt 8 năm