Hãng tin AFP cho biết trong bối cảnh dân số Trung Quốc già hóa nhanh chóng khiến nhiều trường mầm non buộc phải đóng cửa, vẫn có một số đơn vị biết thay đổi để tồn tại.
Số liệu thống kê chính thức chỉ ra hàng trăm triệu người dân Trung Quốc sẽ bước vào tuổi già trong vài thập niên tới mà không có lực lượng thay thế do tỷ lệ sinh thấp kinh niên. Khủng hoảng dân số ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực giáo dục, hàng nghìn trường mầm non ngừng hoạt động khi tuyển không đủ trẻ.
Tuy nhiên vẫn có đơn vị nhanh chóng thích ứng, một trong số đó là trường mầm non trên địa bàn thành phố Thái Nguyên (tỉnh Sơn Tây) chuyển sang chăm sóc người lớn tuổi.
Hiệu trưởng Li Xiuling nói với AFP: “Số lượng trẻ liên tục giảm khiến vấn đề trở nên rõ ràng hơn. Sau khi trường gần như chẳng còn ai nữa, tôi suy nghĩ phương án tận dụng cơ sở một cách tốt nhất”.
Trường của bà Li được thành lập năm 2005, số lượng trẻ tiếp nhận từng lên đến 280 em nhưng đành đóng cửa vào năm 2023. Đến tháng 12 cùng năm nơi đây mở cửa trở lại, trở thành trung tâm giải trí phục vụ người từ độ tuổi nghỉ hưu trở lên.
Hiện tại trường có khoảng 100 người tìm đến học âm nhạc, khiêu vũ, làm người mẫu cùng nhiều môn khác. Theo bà Li: “Họ đến thực hiện ước mơ lúc trẻ”.
Vào một buổi sáng mưa tháng 7, giáo viên lớp người mẫu hướng dẫn nhiều phụ nữ lớn tuổi mặc sườn xám cầm dù hồng di chuyển quanh phòng học. Ở lớp khác thì có không ít học viên đang đánh trống châu Phi.
Nhờ tham gia trung tâm mà He Ying (63 tuổi) vượt qua tâm lý tự ti sau nghỉ hưu và kết giao bạn mới. Cụ chia sẻ: “Tôi từng cảm thấy đời sống văn hóa của mình quá nghèo nàn, tiếp tục sống chẳng ý nghĩa gì nữa. Nhưng mọi người ở đây không phải chỉ chờ già đi”.
Theo số liệu chính thức, năm ngoái Trung Quốc ghi nhận đến gần 15.000 trường mầm non đóng cửa khi số lượng tuyển sinh giảm 5,3 triệu so với năm 2022. Tại tỉnh công nghiệp Sơn Tây, số người qua đời năm 2023 nhiều hơn số trẻ sinh ra cùng giai đoạn đến 78.000.
Trung tâm phục vụ người lớn tuổi chuyển đổi từ trường mầm non của bà Li vẫn còn dấu vết quá khứ như giường tầng, bàn học, tường được trang trí đầy màu sắc. Giáo viên mầm non Yan Xi đang tập làm quen dần với công việc mới.
“Trẻ em tin bất cứ điều gì bạn nói, nhưng người lớn tuổi độc lập hơn. Tôi phải suy nghĩ kỹ hơn lúc giao tiếp với họ”, Yan nói với AFP.
Bà Sun Linzhi (56 tuổi) nhận xét trung tâm đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận giáo dục của người lớn tuổi. Bà cho biết từ khi tìm đến trung tâm, bản thân cảm thấy trẻ lại.
Nền kinh tế bạc
Trung Quốc năm 2023 chứng kiến nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên tăng thêm gần 17 triệu người, chiếm hơn 20% tổng dân số. Ước tính tỷ lệ này đến năm 2035 sẽ lên đến gần 1/3.
Trước tình trạng dân số già hóa, Trung Quốc đặt mục tiêu vào xây dựng nên hệ thống chăm sóc người lớn tuổi tương đối tốt vào năm 2025. Tuy nhiên hiện tại viện dưỡng lão vẫn còn quá ít và phạm vi bao phủ ở từng khu vực không đồng đều.
Tuần tới giới lãnh đạo sẽ có cuộc họp kinh tế quan trọng tại thủ đô Bắc Kinh, họ dự kiến bàn về “nền kinh tế bạc” (sản phẩm lẫn dịch vụ phục vụ người lớn tuổi). Giá trị của nền kinh tế này có thể lên đến 30 nghìn tỉ nhân dân tệ vào năm 2035.