Ba Nghinh. Nghe cái tên thôi đã thấy buồn cười. Mà cũng đừng nói buồn cười hay buồn không cười nổi về vụ tên người ở cái xứ này. Tên thường gọi nghe chói tai không chịu được. Trong khai sanh người ta cũng Mộng Hường, Diễm Thúy, Mạnh Bảo, Hoàng Huy hẳn hoi. Vậy mà, nghe tên con của Ba Nghinh nè, hai đứa con gái đầu là Hai Lụm, Ba Mót. Hai thằng trai kề là Bốn Nghĩnh, Năm Ngãng. Ở đó mà nghĩnh ngãng, nó khôn trời thần đất lỡ luôn… Hai đứa út, áp út gọi Sáu Thôi và Út Nhen.

Truyện ngắn của Nguyễn Trí: Đời quá phù du

Một Thế Giới | 23/02/2014, 14:25

Ba Nghinh. Nghe cái tên thôi đã thấy buồn cười. Mà cũng đừng nói buồn cười hay buồn không cười nổi về vụ tên người ở cái xứ này. Tên thường gọi nghe chói tai không chịu được. Trong khai sanh người ta cũng Mộng Hường, Diễm Thúy, Mạnh Bảo, Hoàng Huy hẳn hoi. Vậy mà, nghe tên con của Ba Nghinh nè, hai đứa con gái đầu là Hai Lụm, Ba Mót. Hai thằng trai kề là Bốn Nghĩnh, Năm Ngãng. Ở đó mà nghĩnh ngãng, nó khôn trời thần đất lỡ luôn… Hai đứa út, áp út gọi Sáu Thôi và Út Nhen.

Cái vụ thôi, nhen nầy là tự hiểu à. Nghèo, đẻ cho cố rồi túng thiếu là phải quá. Xì tốp vậy là quá trễ. Không thấy thiên hạ sao? Một hoặc hai là đã mướt mồ hôi. Người ta giàu gần nứt đố đổ vách còn hạn chế tối đa vụ sanh đẻ, Ba Nghinh thì đúng là nghèo mà ham vui.

Cũng thông cảm dùm. Thuở Ba Nghinh trẻ là cái thuở xứ ta còn lạc hậu lắm. Ba cái kế hoạch sinh đẻ tuyên truyền chiếu lệ cho có phong trào. Dân chưa kịp hiểu cán bộ đã thông qua, còn thêm chuyện đồn miệng là thằng đó mát mát là do thắt cái ống chi chi đó, còn vợ thằng kia phải đi viện vì đặt vòng gây phản ứng phụ… Vậy là thôi, mặc kệ em. Con em đẻ em nuôi chẳng cầu ai nuôi giúp.

Phải toát cả máu chớ hổng phải toát mồ hôi, vợ chồng mới dìu bầy trẻ qua nổi cái ải cơm áo gạo tiền. Học hành hả? Có nghe câu giặc đói giặc dốt và giặc xâm lăng không? Vậy thì qua cái đói là hết thời đi học. Bầy trẻ phải đêm đêm đi lớp xóa mù. May quá, cũng biết đọc biết viết, cộng trừ nhân chia, đi làm thuê không đến nổi bị người ta ăn gian.

Nhà ba Nghinh nghèo như tám phần mười dân ấp Một, vậy nên dễ gần gũi nhau. Lúc tối lửa tắt đèn không gì bằng dân nghèo. Hôm nay bữa cơm  có món gì hàng xóm còn biết huống chi tài sản. Ba Nghinh có hai sào ruộng, đất cất nhà ba trăm vuông chẵn.

Sáu đứa con hai vợ chồng túm tụm trong một căn bảy mươi mét vuông mái lá dừa, cột, đòn tay, kèo xiên gì gì cũng bạch đàn tất. Vì vườn toàn loại cây nầy. Từ ngày rừng đi vân du không hẹn ngày trở lại, chỉ còn bạch đàn là cực kỳ hữu dụng cho tám phần mười dân ấp Một.

Đất đai vậy rồi con cái lớn lên tính sao cho công bình đây? Thời nào cũng vậy, trai gái gì cũng phải đồng đều. Để anh chị em trong nhà mích lòng không nhìn nhau là nhục lắm chớ chẳng chơi. May quá. Hai Lụm lấy chồng tuy rớt mồng tơi thiệt nhưng dù sao cũng có đất để mồng tơi có chổ mà rớt. Ba Mót cũng y khuôn. Bốn Nghĩnh lấy vợ trước. Cha nói với con:

- Hai vợ chồng mày ra riêng cho tự do. Tao cho làm rẻ một sào ruộng, tới mùa đong lúa để tao nuôi em mày. Chừng nào tao chết rồi tính tiếp.

Tới phiên Năm Ngãng lấy vợ cũng bổn cũ soạn lại. Thiên hạ hiểu Ba Nghinh ngầm chia ruộng cho hai thằng trai, đất làm nhà mỗi thằng trăm mét. Cha nói với hai đứa áp và út:

- Vậy đi. Tới vụ nó đong lúa cho cha con mình, khỏi gặt đập chi cho mệt.  

Không còn ruộng để làm, tới mùa được ba hột lúa, tuy chật vật một chút, nhưng nghèo quen rồi, kiểu nào cũng chịu được. Hai đứa gái út cấy hái thuê cũng giúp cha mẹ qua thì túng bấn. Dân mình cứ dựa vô câu cái dòng con gái ngoại tông mà xử kể cũng tội quá. Nhưng biết sao, nghèo thì nước đến đâu vuốt mặt đến đó, đúng hông?

Sáu Thôi nên gia thất chẳng có gì đáng nói. Nhưng Út Nhen lấy chồng làm Ba nghinh tức ói máu. Bà nội cha nó. Trong bốn đứa gái, Út Nhen đẹp nhứt. Cằm chẻ, môi trái tim, mũi dọc dừa, cười má lúm đồng tiền lại thêm răng khểnh duyên ơi là duyên. Bao nhiêu thằng chạy theo xin xách dép.

Nó mà ừ thằng Đại là cứ ở nhà đếm tiền. Con chưa lấy vợ mà cha của thẳng đã cho một dãy mười cái phòng trọ trong khu công nghiệp. Thằng Tư Hơn chủ lò bành mì bỏ mối cho cả nửa cõi xã nhà, mê Út Nhen đến độ xem nhà Ba Nghinh như nhà mình, tới là không muốn về.

Còn nhiều nhiều nữa các anh chàng con nhà giàu có, vậy mà con nhỏ chê ỏng chê eo. Đùng một cái, thiên hạ đồn rằng, nó đi chơi với thằng Sạch Nhách, cháu nội bà Bốn Hoa.

Ai cũng được, nhưng làm ơn dang xa cái thằng Sạch Nhách. Nghe tên cũng thấy trên răng dưới một rổ củ từ rồi. Cả cái ấp Một và ấp Hai chẳng ai không rành gia cảnh bà cháu Bốn Hoa. Chớ cha mẹ đâu mà Sạch Nhách ở với bà nội? Nghe hoàn cảnh mà goảnh càng luôn.

Bệnh viện huyện đưa má nó lên Từ Dũ cấp cứu vì bị băng huyết. Sanh thằng nhỏ ra là thảy luôn vô tủ kính thở ô-xy. Mẹ chết trẻ, được xác định là do quá thờ ơ trong khi thai nghén.

Cha nó kể hồi ăn ở với nhau, kỳ nào vợ cũng hành kinh cả nửa tháng. Thấy cũng chẳng sao, lại thêm túng bấn nên cứ cho qua. Tới khi sanh thì đã quá trễ.

Nhà có sào ruộng cha nó bán đi, không đủ cho tiền thuê xe và mua một đơn vị máu, nên má nó đành ra nghĩa địa. Sạch Nhách sống sót, được bà nội nuôi, cho bú bình.

Cha nó quá buồn, lấy rượu giải khuây. Bạn bè cũng xúm vô nâng ly an ủi. Số phận mà, biết sao giờ? Say… Say lướt khướt trở về, đi qua cầu Hưu. Thuở đó cây cầu nầy còn gát bằng mấy cây tre, có tay vịn như cầu khỉ. Tay vịn gãy, cha nó rớt xuống sông. Tuy cha nó bơi giỏi nhưng dưới sông lại có cái cọc tre đâm xuyên kẻ xấu số.

Sáng hôm sau cả thiên hạ chống xuồng ra, lôi lên. Bà nội nó khóc hết nước mắt. May còn có thằng cháu hủ hỉ. Thiên hạ thương quá, cho đủ thứ. Sạch Nhách được uống cả sữa SMA, sữa Meiji, còn sữa bò lúc nào cũng đầy cả giỏ cần xé. Bá tánh và tình thương đã cho Sạch cái dáng vạm vỡ, cao ráo, đẹp trai khi lớn. Học đến lớp chín, Sạch bỏ học đi kiếm tiền.

Mười tám tuổi, khi bà nội đã năm lăm, Sạch đâu thể cứ ăn học tiếp khi bà đã rên rẩm nhức tay mỏi chân. Nó đi phụ hồ. Thông minh và siêng sắn nên chủ thầu dìu lần cho lên thợ. Hai mươi tuổi, nó cầm bay gõ vào máng hò hơi khi Út Nhen đi ngang: Hỡi cô đi đường cái quan. Dừng chân đứng lại anh than đôi lời… Vậy mà Út Nhen lại thích mới lạ chớ.

Yêu cái khỉ mẹ gì, Ba Nghinh la lớn. Ai cũng được, nhưng thằng đó thì không? Mày không thấy dòng nó chết yểu sao? Cha nó mới hai mấy, má nó cũng vậy luôn, ông nội nó thì không quá ba mươi. Mày lấy nó rồi cạp đất mà ăn hả? Không. Ba Nghinh hét lớn.

Tiếng hét dịu lại khi thấy mồ hôi mướt trên trán bà xã. Ba Nghinh gặng vợ. Vợ thưa rằng nó lớn bụng rồi. Thấy ông bà ông vải chưa? Ở đó mà ngăn với cấm. May sao Sạch Nhách đồng ý cưới.

Bà mẹ nó. Ba Nghinh tổ chức đúng là từ A đến Z. May là anh em bà con cô bác được mời đều đủ mặt, nếu lỗ thì có mà vác bị đi ăn mày.

Vậy nên trong bốn thằng rể, ba Nghinh ghét nhất thằng rể út.

Út cũng chẳng ưa chi ông già vợ. Mấy thằng mồ côi mồ cút thiệt tình mà nói, đều khôn trời sợ. Ai nói chi nói, nó cứ tẩm ngẩm mà đấm chết voi. Nghèo thì nghèo nhưng nó thương vợ thiếu điều đội vợ lên đầu. Con vợ lớn bụng thèm ăn chi nó đều phục vụ tới bến.

Nó cũng thương bà nội không thua. Vợ với bà nội mà không thương thì thương ai nữa trong cái nhà chỉ có ba nhân mạng? Nhưng không phải vì vậy mà nó sinh nợ nần, lại nợ ngay ông già vợ. Nguyên do là bà nội Sạch Nhách bỗng dưng giật tay giật chân ngã cái rầm vào một đêm khuya khoắt kia.

Tuổi già cao huyết áp là chuyện không tránh được. Nhưng quê mùa ai biết chuyện máu cao máu thấp mà phòng bị. Ba nội té, đầu đập vô vách gỗ cao su, máu me đầm đìa, Sạch sợ quá, lấy chiếc xe 78 càng lên ga càng chạy chậm chở bà nội lên bệnh viện huyện.

Bao nhiêu tiền dành dụm tích cóp tính để lo cho vợ đổ ra cái một. Chẳng còn phương, chồng năn nỉ vợ về má xin viện trợ sau này sẽ hoàn lại. Mất đứt của Ba Nghinh hai chỉ bốn số chín bà nội Sạch mới hồi hương.

Hẹn trong hai tháng sẽ trả, nhưng lấy đâu ra mà trả. Bà nội sau tai biến đi đứng khó khăn, vợ trong kỳ thai nghén, ngửi mùi cơm sôi là ói cả mật xanh mật vàng. Làm thợ hồ tháng mưa bữa đực bữa cái. Đành nằm nhà lai rai ba sợi chớ biết làm chi.

Đúng hạn không trả nợ, ông già vợ lúc đầu còn càm ràm với người nhà, hai thằng anh nhắc nhở:

- Hai đứa bây lo trả cho ổng. Ngày nào cũng nghe ổng càm ràm bọn tao nhức đầu quá. Mà mày cũng bớt nhậu lại. Mấy đứa thấy mầy nhậu nó về méc với ổng…

- Ai mà đa sự vậy anh Tư?

- Thì mấy thằng trước theo con Nhen không được chớ ai vô nữa.

Chờ không được, Ba Nghinh đích thân gặp thằng rể. Cha vợ mà nói oan con rể còn phải chịu, huống hồ nói trúng. Nào bê tha, vợ sắp sanh mà lúc nào cũng rượu chè, nào nhà dột, nợ lút đầu mà không biết lo, rồi kết luận:

- Vậy mày tính chừng nào mới trả cho tao?

- Dạ tại mưa quá không đi làm được, ba thông cảm. Hết mưa con đi làm, trả liền.

- Sau mưa là tới bão. Mày đợi bão tan luôn hả mậy?

Thiệt tình. Thằng Sạch tiếng học tới lớp chín nhưng mồ côi cha mẹ,  bà nội quý nó như cục vàng. Thế gian có câu có thể có nguời cha không thương con, nhưng không thể có  người ông không thương cháu, huống chi đây là bà.

Nó chẳng biết trời cao đất thấp. Trên đời nầy nó chỉ sợ làm bà buồn. Còn vợ ư? Cũng thương dữ lắm nhưng đừng có giỡn. Thêm cái nghề đội nắng đội gió, hễ mở miệng ra là văng đủ thứ.

Hôm đó đang có rượu, nó cãi lại cha già chút chút. Ba Nghinh sẵn thành kiến từ lâu, chửi nó đồ này đồ nọ. Ba Nghinh cũng trùm rượu, bữa cơm nào không có một hai xị đưa cay. Rượu vô, đố thằng nào không văng tục, kể chi già hay trẻ.

Thấy con rể cự lại, già Nghinh  nóng lên, văng tục. Bạn bè can, biểu thôi về đi Sạch Nhách, ở lại là có chuyện à. Sạch nghe lời bạn đi ra đường, sau khi “mè” một tiếng. Vậy mà Ba Nghinh bắt bẻ nầy nọ, sao mày dám đù tao. Rồi dài giọng chửi đồ thứ con không cha, đồ thứ mồ côi vô học. Con gái tao nó nhắm đui con mắt mới lấy mầy… Đồ khốn nạn, không kiếm hai chỉ vàng trả tao là không yên với tao. Có chết tao cũng về đòi. Mày ăn không ngon ngủ không yên với tao đâu…

Sạch Nhách tức tối ra về. Không dám nói to sợ bà nội nghe, thủ thỉ với vợ:

- Ba ổng khinh tui nghèo. Nói thiệt với em tui mà trả được hai chỉ vàng cho ổng, lần sau có chết tui cũng không mượn ổng. Mà ổng cũng đừng hòng nhờ được gì tui.

- Thôi mà anh, vợ nói, ba già rồi, lại có rượu nữa, anh cự ổng làm chi.

Bà nội thính tai lắm, hỏi ngay:

- Gì đó Sạch Nhách?

Cái thằng đúng là có hiếu, nó đánh trống lãng ngay. Nó cứ sợ bà buồn rồi bịnh:

- Dạ không có chi nội ơi. Vợ chồng con nói chuyện chơi thôi.

- Có gì nói với tao, không được giấu à.

- Dà…

Nửa đêm đang ngon giấc, cái di động đập đá của Sạch Nhách réo liên hồi. Ú ớ ù ờ một hồi, nó mới vực vợ dậy.

- Gì vậy anh? Vợ hỏi.

- Ba…

- Ba sao?

- Ổng mất rồi.

Cả hai vợ chồng bỗng tỉnh như sáo, nhất là chồng. Chuyện cự cãi với ông già vợ hồi chiều hiện rõ mồn một. Mắt Sạch thoáng âu lo, cả sờ sợ. Chuyện thiếu nợ ông già chưa trả, thêm cái lời nguyền còn mới rợi chưa tan.

Đầu óc Sạch nghĩ đến mấy thằng bạn. Mỗi thằng năm bảy trăm một triệu, sao cho ra hai chỉ vàng mà trả gấp. Từ đây đến lúc liệm phải có. Mẹ ơi, ổng đã nguyền thì gay rồi. Mà lũ bạn ở ấp Một này chẳng thằng nào có cái xe cho ra hồn, đâu ra tiền dư sẵn mà cho mượn?

- Giờ anh chở em về nhà, còn anh chạy mượn tiền mua vàng trả cho ba.

- Chạy ở đâu, anh?

- Không biết, nhưng phải chạy.

Vợ chồng lúi húi dắt xe ra. Bà nội hỏi đi đâu. Cháu dâu vừa khóc vừa nói ba con chết. Nghe vậy nhưng bà nội đâu có đi được. Thôi nội ở nhà, muốn đi mai con chở nội đi.

Xe chạy. Đến trước nhà đã nghe thiên hạ lao xao về vụ hai cha con cự cãi nhau lúc chiều. Bàn nào cũng nói quả báo nhỡn tiền luân hồi nghiệp chướng. Ai đó còn nói thằng Sạch Nhách lo mà trả lại cho ổng. Ổng dành dụm cả đời, thương Út Nhen lắm ổng mới đưa cho đó. Ổng hăm rồi mà không trả ổng về kéo cẳng là thấy bà luôn…

Sạch ta thả vợ xuống rồi phóng 78 đi tìm lũ bạn. Toàn bạn thân chớ đâu phải sơ. Nhưng đâu có ai dư tiền mà mượn. Mấy tay nhà gạch có tiền thì làm từ thiện để hy vọng một chỗ ở Nát Bàn, còn dân nhà lá thì có cái củ từ.

Đến sáng. Sạch về nhà. Nghe đích tôn cứ thở dài bà hỏi:

- Gì mà thở dài hả con?

Quá buồn, Sạch phải than với nội về vụ thiếu nợ. Bà hỏi:

 - Mày làm gì mà thiếu nợ ổng?

Sạch nói luôn:

- Hồi nội bị tai biến, con mượn của ổng để lo thuốc. Lâu quá chưa trả, nay ổng mất…

- Sao con không nói với nội.

Nói xong, bà già lê chân về chỗ đặt lu gạo, nhấc lu ra rồi moi đất lên, lòi ra một keo chao. Bà mở nắp keo, trút ra tay hai cái khâu óng ánh vàng.

- Con đem trả cho ba đi. Tại mày không nói nên nội đâu có biết. Nội để dành phòng khi có chuyện. Nay đúng là chuyện đó con.

Sạch há hốc miệng nhìn bà. Mô Phật. Bả dành dụm từ khi nào hay vậy ta?

Mừng quýnh, Sạch phóng xe lên nhà ông già vợ. May quá, vẫn chưa đến giờ liệm.

Sạch vào thắp nhang rồi lại chỗ người chết đang nằm. Trên bụng ông có để một lưỡi dao phay. Hai bàn tay được xếp úp trên ngực.

Sạch nắm tay người chết, định ngửa ra để bỏ vàng vào lòng tay, nhưng bàn tay đã giá lạnh, cứng quèo, không duỗi được nữa.

Ai đó đưa cho Sạch cái dĩa, biểu bỏ vàng vào rồi đặt bên dưới con dao. Sạch lầm thầm, ba ơi con trả hai chỉ vàng cho ba, con có gì không phải ba bỏ qua cho, tội nghiệp con…

Cả thiên hạ ấp Một nhìn con dao và cái dĩa đựng vàng. Họ bỗng nhận ra là giờ đây chủ nhân của nó không thể xài gì được nữa. Cầm còn không xong thì làm sao xài nổi...

Và bỗng chốc, ai cũng ngộ ra câu Đời phu du có nghĩa chi, những lợi danh sẽ tan thành tro…


Trò chuyện với tác giả

Hết vốn là tôi buông bút

Truyen ngan cua Nguyen Tri: Doi qua phu du
 Tác giả Nguyễn Trí

Tin Nguyễn Trí, người vừa ra tập truyện ngắn đầu tay (Bãi vàng, đá quý trầm hương) đã được trao giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam khiến nhiều người cả trong và ngoài văn giới quan tâm.

Bởi trước đây và ngay cả bây giờ, nhiều người vẫn nghĩ phải là một “nhà văn chuyên nghiệp”, viết văn tay phải lâu năm rồi thì mới có thể được giải của Hội Nhà văn. Té ra không phải vậy.

Có thể những người có trách nhiệm của Hội Nhà văn đã thay đổi quan niệm, mà cũng có thể chính cuộc sống đã buộc họ phải nhìn nhận văn chương theo cách khác

Hãy nghe người vừa được giải nói gì về điều này.

* Vậy là anh đã nhận được giải của Hội Nhà văn Việt Nam. Điều này có ý nghĩa gì với anh?

- Chị biết đó, với tôi, có truyện in báo dù chỉ một lần cũng là đủ, là hạnh phúc rồi. Nhưng lòng tham trong tôi rất lớn, được một tôi lại mong mười. Ra được sách, là quá tuyệt vời, chết cũng vừa rồi. Xem như đã làm được điều mình vẫn mơ ước từ thời còn trẻ. Còn giải thưởng là điều không tưởng, tôi chưa bao giờ nghĩ. Vậy mà giải lại đến với tôi, cứ như mơ. Nó có ý nghĩa rất lớn cho đời tôi. Bấy lâu nay tôi là kẻ chìm trong tuyệt vọng, giờ thì tôi cũng đã là Người như ai. NGƯỜI, chị hiểu chứ?

* Anh có ý định vào Hội hay không?

- Tôi nghe nói vào Hội Nhà văn khó lắm. Đủ các thứ nhiêu khê. Lại nghe còn phải cửa sau cửa trước, chạy chọt các kiểu.  Tôi đang chờ cuốn mới, Đồ Tể, xuất xưởng là sẽ làm đơn xin vào hội, xem thử có đúng như lời đồn hay không

* Có người nghĩ rằng phải cầm được thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì mới được xem là “nhà văn chuyên nghiệp”. Anh có thể nói gì về điều này?

- Khi có mấy báo viết bài nhà văn Nguyễn Trí đoạt giải nầy nọ, ngay lập tức một ông trong Hội Nhà văn Việt Nam ngụ tại Đồng Nai bĩu môi rằng thằng đó ăn may, chưa thể gọi nó là “nhà” được, chỉ nên gọi là “tác giả” thôi. Thú thật với chị tôi nào dám xưng hô chi đâu, ngại lắm. Tôi cũng tự biết mình là ai mà… Không có nghĩa là tôi khiêm tốn đâu. Được giải mà không tự hào, không vui thì không phải người phàm. Tuy nhiên tôi biết Bãi vàng, đá quý trầm hương lê thê dài dòng lắm, nó phải được “chém” khá nhiều thì mới chặt chẽ. Tôi sẽ cố để những cái đang viết bớt lê thê.

Còn chuyên nghiệp ư?  Đời tôi tinh thông gần mươi nghề mà bây giờ có ra cái ôn gì đâu. Viết văn chỉ để thỏa cái mê, hết vốn là buông bút. Tôi chỉ là cây viết muôn đời nghiệp dư. Hôi tôi đi học, thầy tôi, ông Nguyễn Mộng Giác tác giả Bóng Thuyền Say đoạt giải của Trung tâm Văn bút thời đó. Hồi đó đâu có Hội Nhà văn, nhưng ai cũng gọi ông Giác là nhà văn. Không gọi là nhà văn thì gọi tên gì giờ? Cuốc đất trồng khoai cũng được gọi là nhà nông đấy thôi.

* Anh sẽ tiếp tục việc viết lách thế nào?

- Tôi sẽ viết chậm lại, cố gắng làm độc giả khó tính của chính mình để khỏi làm phiền những bạn mình - người đọc đầu tiên, và người biên tập ở các báo. Quan trọng nhất là khâu chính tả. Chị biết đó, văn chương tôi dày đặc lỗi, chỉ vì… ít học.

* Những người thân của anh có quan tâm tới giải thưởng này không?

- Gia đình tôi vui như hội. Vì mọi người biết với tôi, văn chương muôn đời là cứu cánh.

 Ngô Thị Kim Cúc

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Truyện ngắn của Nguyễn Trí: Đời quá phù du