Có một nơi mà vừa mới gặp mặt, ngồi chung một bàn, nước gọi ra chưa kịp uống, mới xã giao chừng vài ba câu là bao nhiêu gan ruột người ta đã phơi ra với nhau hết. Gia đình đã từng có gì, còn lại được gì, từng thương đau ra làm sao, trước vậy vậy, giờ ra vầy vầy là vì vân vân và vân vân…

Truyện ngắn của Nguyễn Trí: Không còn nước mắt (P.1)

Một Thế Giới | 30/11/2013, 09:41

Có một nơi mà vừa mới gặp mặt, ngồi chung một bàn, nước gọi ra chưa kịp uống, mới xã giao chừng vài ba câu là bao nhiêu gan ruột người ta đã phơi ra với nhau hết. Gia đình đã từng có gì, còn lại được gì, từng thương đau ra làm sao, trước vậy vậy, giờ ra vầy vầy là vì vân vân và vân vân…

Chốn đó là đâu? Là những quán bán cà phê, nước giải khát cùng hằm bà lằng trăm thứ linh tinh, tọa lạc đằng trước các trung tâm cai nghiện và dạy nghề.

Đúng là chỉ vừa yên vị trên ghế người ta đã vội vã hỏi thăm nhau “Anh/chị, bà/ông ở đâu, đi thăm ai, chồng/vợ hay con/cháu…?’’. Sau đó là thở vắn than dài về cả quá trình sa đọa dài dằng dặc của người thân đang ở phía bên trong cổng trại.

Cái nơi này luôn đông mà không vui, luôn ồn nhưng là cái ồn nẫu ruột nẫu gan. Nó giống như tiếng ò í e của đờn cò trong những ngày tang gia bối rối.

Cả ba ông già tội nghiệp là Trần Văn Xá, Nguyễn Hữu Bình và Dương Minh Đức, đã quen và sau đó trở thành thân thiết nhau chính từ nơi này. Khi người ta cùng bị chung một bệnh, cùng nằm chung một phòng thì rất dễ thân nhau.

Lần đầu họ gặp nhau cách đây đã gần bảy năm, vào cái thuở mà Chủ nhật nào các gia đình cũng đều được quyền vào thăm người thân. Về sau thì số lượng trại viên đông lên, nên trại phải quy định mỗi chủ nhật chỉ một hoặc hai huyện được quyền thăm nuôi. Bốn tuần trong tháng được luân phiên chia đều.

Ba ông già này thuộc dạng thăm nuôi quá thâm niên, cán bộ trại đã quen mặt như thể người nhà, nên họ được châm chước tí chút, vẫn được bảo vệ cho phép vào gặp người thân cho dù chưa tới tuần quy định. Ba ông luôn hẹn nhau cùng đi một ngày để hàn huyên nhiều chuyện. Bởi tuy cùng tỉnh nhưng họ ở ba huyện khác nhau, và hằng ngày họ còn phải lo chạy ăn, chạy đủ thứ, đâu có rảnh rỗi mà thăm thú linh tinh.

Thảng hoặc lắm, họ mới chạy xe hàng trăm cây số để đến với nhau vào những dịp cực kì đặc biệt. Như hôm nay chẳng hạn. Nhà ông Đức có đám. Đám tang. Con ông vừa chết vì tự tử bằng ma túy.

Con của bạn chết thì phải đến là quá đúng rồi, bởi trước đó, ông  Đức đã từng đến nhà các ông Xá và Bình cũng để đưa ma. Con ông Xá chết thảm hơn con ông Đức nhiều. Nó đi ăn trộm nên bị người dân phục kích đánh chết. Còn con ông Bình thì đang cơn phê thuốc, phóng xe hết tốc lực đâm ngay vào con lươn giữa lộ, vỡ sọ, chết ngay tức khắc. 

***

Trong ba ông già, chẳng biết ai bi kịch hơn ai. Chuyện nhà ông Xá nghe qua ai cũng mũi lòng, có thể tuôn ra cả biển nước mắt chứ không ít hơn. Ông ở huyện X., đang là chủ tịch xã, vậy mà đành phải về hưu non.

Vợ ông là hiệu phó của một trường tiểu học, cũng đã phải thôi việc vì lý do thâm lạm công quỹ. May là vào lúc mà ông đang còn là quan chức, bằng không vợ ông đã phải vô nhà đá bóc lịch là cái chắc.

Chuyện bắt đầu từ thằng Chi, con trai lớn của ông. Nó thi không đậu đại học. Mới lớp mười hai mà đã bày đặt bồ bịch, và nghiệt ngã thay người yêu của Chi lại thi đỗ. Chẳng biết buồn tình điều gì mà Chi xung phong đi nghĩa vụ quân sự.

Với chức chủ tịch xã, nhà lại chỉ có hai con, một gái một trai, ai dám đưa con ông Xá vô diện khám tuyển? Vậy mà Chi lại tình nguyện. Nghe lính lác các phòng ban báo cáo, ông Xá triệu con trai về, vặn vẹo đủ đường. Nhưng đúng là không ai có thể cản được khi con trai ông đã muốn. Mà vào bộ đội cũng quá tốt chứ sao. Nếu thực sự muốn đi thì cứ việc. Con trai cán bộ mà làm vậy thì đúng là một tấm gương sáng vằng vặc cho con cái các gia đình khác noi theo.

Tưởng ngon vậy mà ông con chỉ chịu làm bộ đội không tới ba tháng sau huấn luyện. Nhân dịp về thăm nhà, nó chuồn thẳng cánh. Việc này khiến ông Xá đúng là muối mặt. Trên thì khiển trách, dưới thì cười cợt, châm chọc, không còn coi ông ra gì. Ông muốn lôi thằng con về, tẩn cho nó một trận tởn tới già nhưng đúng là tìm nó như thể tìm chim. Hỏi mẹ nó thì cũng bằng thừa. Muôn đời những bà mẹ thương con cứ luôn giấu chồng mọi sự thật.

Cả năm sáu tháng ròng rã, hễ thoáng thấy ông là nó lẫn như chạch, với sự bao che của bà mẹ.

Đùng một phát, chuyện lớn xảy ra với bà Xá.

Hiệu trưởng trường cấp Một đến tận nhà để báo miệng với ông về việc thâm lạm ngân quỹ của hiệu phó kiêm thủ quỹ là bà Xá. Số tiền khá lớn. Nếu là tiền thuộc phạm vi quản lý của trường thì còn có thể dễ khắc phục, nhưng đây là tiền mà Phòng Giáo dục huyện rót xuống để chi cho phong trào xóa mù chữ. 

Dân ở những vùng sâu vùng xa đa số thất học, và vì luôn thiếu giáo viên nên phải nhờ những người có học vấn trong dân đứng lớp. Lương cho những giáo viên bất đắc dĩ này đã không được chi trả. Sau khi đến trường để hỏi về thù lao của mình, họ đều được người chịu trách nhiệm là bà Xá hẹn lần hẹn lữa. Thế là họ đưa đơn lên Phòng Giáo dục. Chuyện đổ bể ra mới hay cả mấy chục giáo viên suốt sáu tháng làm việc không hề nhận được một đồng lương nào.

Ông Xá thiếu điều ngất xỉu vì sự việc. Cha mẹ ơi, tuy ông là quan nhưng lại thanh liêm hết mực. Vậy mà số tiền lớn như vậy vợ ông đã đem đi đâu mà ông không hề hay biết? Bà đã cho ai? Ai mới được? 

- Bà làm cái gì vậy? Nói đi, tiền đó đâu rồi?

Không còn giấu diếm được, bà vợ tội nghiệp liền thưa thật với chồng rằng, thằng quý tử của ông, thằng Chi, đã nghiện ma túy. Bao nhiêu tiền thất thoát là chính vì cái màu trắng của thứ thuốc chết tiệt nầy, phần do nó ăn cắp những khi bà hơ hỏng, phần do bà xén ra để giải quyết những lúc lên cơn khủng khiếp của nó nên mới ra cớ sự.

Nét mặt bà vợ hằn lên nỗi thống khổ ê chề tới mức khiến ông không sao nổi trận lôi đình cho được. Những gì khủng khiếp nhất của hỏa ngục đã đổ ập xuống nhà ông. Thế nhưng, ông Xá là một cán bộ lãnh đạo, với một cái đầu không hề tầm thường, ông đã từng giải quyết biết bao việc hóc búa, trên dưới đâu ra đó rõ ràng, chuyện nhà mà không ổn thì còn gì tôn chỉ của tu thân tề gia trị quốc.

Việc đầu tiên là ông chụp cổ thằng Chi về nhà cho kỳ được, bỏ ra mấy triệu bạc để tống ông con vào trại cại nghiện có định kì. Sau khi ông con yên vị, ông Xá thân chinh đi về hai bên gia đình nội ngoại vay mượn tiền để đắp bằng cái khoản mà vợ ông làm thất thoát.

Việc tuy đã giải quyết nhưng bà hiệu phó vẫn phải thôi chức. Một người làm giáo dục mà đã vậy thì còn tư cách chi để lên lớp dạy dỗ bầy trẻ?

Còn ông Xá thì sau vài lần gợi ý của cấp trên cũng đã phải xin nghỉ với lý do sức khỏe kém. Đúng là cha làm thầy con đốt sách. Nhưng dù sao thì mọi chuyện cũng đã được giải quyết êm thắm.

Sau sáu tháng cai nghiện, Chi đã hoàn lại hồn vía. Ông Xá cho con đi học nghề sửa xe để nó giúp nó tu chí làm ăn. Vậy mà mới được nửa tháng, Chi lại bị công an bài trừ tệ nạn bắt quả tang khi đang phê ma túy. Nó lại bị đưa đi cai nghiện cưỡng bức ở trại P. thời hạn hai mươi bốn tháng.

Ông Xá không tin con mình có thể tái nghiện nhanh đến vậy. Ông vội vàng chạy ngay lên trại để thăm và tìm kiếm thông tin. Chính ở đó, ông đã gặp hai ông Bình và Đức.

***

Chuyện ông Bình bi hơn chuyện ông Xá nhiều. Ông là mục sư  của một hội thánh thờ kính Chúa, có một vợ và hai con trai. Cả hai đứa con ông đều bị nghiện từ rất sớm. Thằng lớn bị chết vì sốc thuốc ngay trong toa-lét ở nhà.

Nhà riêng của ông cũng chính là nơi tập trung tín hữu, còn được gọi là hội thánh. Ngày Chủ nhật, sau khi giảng phúc âm về đức bác ái của Chúa, ông Bình vào toa-lét thì thấy con trai đã chết, bắp tay vẫn còn dính kim tiêm và trên kệ là ống nước cất.

Ông và bà vợ điếng cả người, chưa kịp đặt câu hỏi vì sao Chúa lại phán tai họa tày trời này vào gia đình ông thì lại được tin thằng con thứ hai cũng bị bắt vì sử dụng ma túy.

Lạy chúa, thằng lớn con ông mới mười lăm, còn thằng nhỏ mới mười bốn. Vì vợ ông sinh năm một.

Bố vợ ông Bình cũng là mục sư của hội thánh lớn trên thị trấn. Ông mục sư này có một vợ và ba con. Thúy, vợ ông Bình bị tật ở chân từ nhỏ. Cô đi đứng khó nhọc vì hai chân cấu tạo rất bất thường. Chả hiểu sao hai bàn chân của cô lại úp vào nhau, nên cô phải bước đi trên cạnh bàn chân. Ông mục sư cha buồn rầu phán rằng đó là ý Chúa.

Đã tật nguyền, nhan sắc Thúy lại dưới trung bình. Mấy thằng trời ơi đất hỡi, đểu giả sở khanh chỉ coi tiền là trọng, biết ông mục sư giàu có, cứ muốn nhảy vào làm rể nhà ông cho no cơm ấm cật.

Thế nhưng gia đình mục sư làm sao ráp đời mình vào bọn sa tăng được. Nên Thúy buộc phải ôm cái hồng nhan cô đơn đến tận năm ba mươi tuổi mới gặp Bình.

Một ông hội phó đang theo khóa thần học để mưu cầu chức mục sư, đã đưa Bình đến để tìm hiểu về ân điển của Chúa với loài người.

Bình là dân sống vô gia cư, chết vô địa táng, đi đó đi đây cũng đã nhiều. Chả hiểu sao Bình lại tự dưng đắm say giáo lý của tôn giáo này một cách kỳ lạ. Anh mau chóng thuộc lòng cả Cựu và Tân ước.

Và cũng chẳng hiểu sao Bình lại đem lòng yêu cô con gái bị tật ở chân của ông mục sư.

Đó là do ý Chúa, ông mục sư cha bảo vậy. Giới bình dân thì bảo định mệnh an bài, còn bè lũ vô công rỗi nghề thì nâng chén lên nốc một hơi, khà một cái và bảo, “Bà mẹ nó, thằng Bình chuyến nầy đúng là ấm như cái nốp”. Bình nghe hết, nhưng mà biết làm sao cho phải với cuộc đời.

Cũng chẳng hơi sức đâu mà đi thanh minh, đính chính, phân trần… Mặc kệ tha nhân.

Bình được cha vợ đưa đi học Đại học thần học ở xứ sở Kim Chi. Anh được phong mục sư ngay trên xứ ấy. Ông mục sư bố vợ tặng hồi môn cho con gái út tật nguyền với muôn vàn ưu ái: một căn nhà bề thế ngay trên lộ cái, cao, dài và rộng. Nó có đủ tất cả các phòng và còn thêm một gian có sức chứa cả trăm tín hữu làm nơi thờ phượng Chúa.

Những tín hữu nào nhà gần hội thánh của Bình thì tham gia sinh hoạt luôn ở đây. Vậy là Bình trở thành chủ nhân của một hội thánh, trực thuộc hội của cha vợ.

Và quỷ dữ lọt vào nhà ông mục sư qua một ống kim tiêm.

Quả thật là đau khổ.

Sau khi đưa đứa con lớn về với Chúa, cả hai vợ chồng ra sức cầu nguyện cho đứa còn lại thoát án tử. Sau cầu nguyện là đi thăm nuôi, mỗi tháng một lần.

Chủ nhật nào phải lên đường thăm nuôi con, ông Bình giao phần rao giảng lời Chúa dạy cho một mục sư khác do bố vợ ông mời tới. Ngày cũng như đêm, bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu, vợ chồng ông đều khẩn thiết van xin cùng Chúa lòng rất lành, cho con trai thoát cơn cám dỗ của ma quỷ.

Suốt hai bốn tháng, hai mươi ba lần thăm nuôi và một lần rước con về, vợ chồng ông Bình hao tốn lắm. May mà thu nhập của họ không đến nỗi. Hội thánh của ông thường xuyên được nhận tài trợ vật chất để phát triển guồng đạo từ hội của cha vợ, và hội của cha vợ lại được nhận tài trợ từ những hội thánh mẹ ngự trị đâu đó bên ngoài đất nước nầy…

Thêm nữa, gia đình bên vợ quý cháu lắm, nghe nói thằng cu con sa chước cám dỗ họ liền hỗ trợ tối đa. Ngày cu con trở về, cả nhà vui như tết. Nó chỉ mới mười bảy tuổi, to con trắng trẻo và đẹp như tượng. Tưởng rồi nó sẽ biết nghe lời cha ông mà tu chí, đổi đời, ngờ đâu chỉ sau một tháng, thằng nhóc đã bị bắt lại.

Thật quá xứng đáng để mà buồn.

- Chúa đang thử thách tôi hai ông ạ.- Ông Bình nói với hai bạn già trong một lần gặp.

- Thử thách cái con khỉ khô - ông Đức nói - Chúa, Phật hay ông Thượng Đế nào mà thử thách con người cái kiểu khốn kiếp này? Sao ông không hỏi chính mình tại sao vậy. Và ông đã làm gì để cứu con ông một cách thiết thực, nói tôi nghe thử. Hay ông chỉ cầu nguyện? Tôi đã trực tiếp thực hiện cả trăm phương nghìn kế mà vẫn phải bó tay, vậy mà ông chỉ cầu nguyện thì nhằm nhò gì với thứ chúa quỷ này…

- Lạy Chúa, mục sư kêu lên, ông đừng nói thế mà phạm thánh. Ông nên biết rằng tất cả mọi sự trên thế gian nầy đều được xếp đặt bởi bàn tay thiêng liêng của Chúa…

- Khà khà khà… Ông khỏi nói tôi cũng biết. Nói thật nghe, ông biết về Chúa chỉ mười lăm năm nay thôi, còn tôi? Tôi đã biết và trở thành tín hữu từ năm bảy ba kìa. Tôi đã từng tham gia trại Bồi Linh(1), từng được làm phép Báp Têm(2). Đã từng đứng trên bục để rao giảng lời Chúa… Nhưng thôi, gác vấn đề tôn giáo lại. Có dịp tôi sẽ nói nhiều với ông về việc này, còn trước mắt, tôi chỉ muốn nói rằng, thương  con bị ma túy và để cứu nó thoát chước cám dỗ, tôi đã ra tay giúp con một nghìn lần nhiều hơn cả hai ông. Tôi từng cầu xin sự hỗ trợ từ Chúa cho đến Phật và triệu đấng thiêng liêng khác mà rồi vẫn bó tay. Cái nhà của tôi giờ chỉ còn bốn bức tường, cửa nẻo là mấy tấm bạt kết bằng bao bố, đâu có đấng tối cao nào giúp nổi…

***

Ông Đức chỉ có một con trai duy nhất, vợ ông đã mất vì bị tai biến mạch máu não. Những lần thăm nuôi đợt đầu tiên, bà Đức vẫn tay dắt thằng cháu nội, miệng luôn cười tươi và chào hỏi mọi người, nhưng sang đợt thăm nuôi thứ hai thì bà mất.

Thằng Độ, cha của thằng cu một tuổi hư hỏng vì chơi bời. Nó cặp kè với một con cũng chơi bời hoang phế như nó. Đẻ con ra, con nhỏ quăng luôn con cho ông bà nội rồi dông tuốt, có lẽ vì vậy mà Độ ta rơi luôn xuống đáy. Khi ông Đức phát giác ra thì ông con đã lặm nặng.

Thoạt tiên ông còn chửi bới mắng mỏ, nhưng con ma túy ác hiểm khôn lường. Thằng Độ cứ trơ trơ như đá, bất chấp mọi điều, nó tìm đủ mọi cách để có tiền thỏa mãn cơn nghiện. Từ ti-vi cho đến cái bếp điện, nồi niêu soong chảo… nó bán tuốt. Ông  bà phải ỉ ôi dọa nạt, sau đó ngọt nhạt van nài để Đức đồng ý đi cai nghiện. Và họ phải móc hầu bao nộp tiền xin cai tự nguyện trong 6 tháng.
(Còn tiếp)

Trò chuyện với tác giả
Tôi viết để trang trải
Truyen ngan cua Nguyen Tri: Khong con nuoc mat (P.1)
Chân dung tác giả Nguyễn Trí  (Ảnh do tác giả cung cấp)
Đọc truyện của Nguyễn Trí, người ta luôn thấy ngồn ngộn những chi tiết đời sống, thực đến mức phũ phàng, những tình huống, tâm trạng mà ai cũng cảm nhận là khó lòng diễn đạt sâu sắc đến vậy nếu chưa từng trải. Và người đọc không thể không đặt câu hỏi, hẳn rằng tác giả phải từng sống lăn lóc giữa bụi đời một cách ghê gớm nên mới nhiều kinh nghiệm máu xương như vậy. 

Trong truyện ngắn liên quan đến những con nghiện này cũng vậy, rất nhiều điều khiến người ta phải kinh ngạc và muốn đươc tác giả giải đáp.

* Truyện của anh luôn tràn ngập những chi tiết đời thường, và thật đến xót xa. Đó là do anh “đồng cảm” với người khác hay anh “nghiệm sinh” bằng đời thật của chính mình?

 - Một nhà văn tên tuổi từng nói, truyện của tôi không phải truyện mà chỉ là chuyện. Tôi đồng ý điều này. Tôi chỉ là người kể lại những chuyện đã trải nghiệm. Cuộc đời tôi từng ở đỉnh và sau đó rơi tự do xuống vực. Ở cái khoảng không bị rơi ấy tôi nhận ra rất nhiều điều và tôi đã kể lại cho anh em, bè bạn nghe, nhất là bạn tù… Ở tù, chị ạ, vui lắm… Tôi có khiếu kể chuyện, thoạt tiên tôi kể kiếm hiệp của Kim Dung, Ngọa Long Sinh cho anh em nghe rồi tới Tam Quốc, Thủy Hử vân vân… Sau đó tôi kể cho họ nghe những chuyện tôi đã trải qua… Bây giờ tôi viết ra, và đó là những cái mà chị đang đọc.

* Trong cuộc đời nhiều chìm nổi như đời anh, “triết lý sống” nào đã giúp anh vượt lên và giữ được chính mình?

- Chả có triết lý gì ở đây chị ạ. Tôi làm vàng, làm đá quý, khai thác trầm hương... Đi qua cái chết, và chôn xác đồng đội trên non cao. Tôi hư đốn lắm. Đọc Hơn nửa đời hư của Vương Hồng Sển, tôi cười mà đùa rằng: “Ông ấy mà hư hao gì so với tôi”.

Tôi nghiện rượu, nghiện thuốc lá, la cà dưới đáy xã hội và luôn la đà trong men cay… Cho đến khi con gái bị giết, con trai vào trại cai nghiện. Một con trai khác (của tình cũ) chết vì tai nạn. Tôi mong được say quá mà không thể say vì cứ rượu vào đầy bụng là nó bắt ói, ói xong lại uống tiếp.

Buồn tình tôi bỏ rượu, bỏ thuốc lá… và ngạo nghễ nói với bè bạn rằng, tao đã làm được cái mà bọn bây không làm được. Kể cũng thú…

Ngô Thị Kim Cúc

Nguồn ảnh đại diện: Internet
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Truyện ngắn của Nguyễn Trí: Không còn nước mắt (P.1)