Khi hỏi hơn 10.000 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam về kế hoạch mở rộng quy mô kinh doanh thời gian tới, chỉ khoảng 27% nói có. Đây là con số thấp nhất kể từ khi VCCI tiến hành điều tra về PCI từ năm 2005 trở lại đây.
Lo ngại sức khỏe doanh nghiệp trong nước
Theo các khảo sát gần đây, doanh nghiệp Việt đang gặp nhiều khó khăn.
Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) về tình hình doanh nghiệp TP.HCM quý 2/2024 cho thấy số doanh nghiệp giảm doanh thu tăng vọt lên mức 30,4%, lượng hàng tồn kho tăng lên mức 34%, số dư nợ tăng mức 42%...
Các doanh nghiệp vừa và lớn đang gặp khó khăn với mức nợ cao và rủi ro vốn. Các quy định thế chấp nghiêm ngặt và khối lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào cuối năm 2024 làm tình hình thêm phức tạp. Hơn nữa, các chính sách chặt chẽ về giao dịch liên kết theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP cản trở việc phân bổ vốn trong các tập đoàn kinh tế và làm phức tạp thêm các tương tác tài chính với các tổ chức tín dụng.
Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đối mặt với tình trạng thiếu thanh khoản nghiêm trọng và khó thu hồi nợ. Mặc dù lãi suất vay đã giảm, nhưng vẫn còn cao so với lợi nhuận từ các khoản vay trước năm 2023.
Việc giảm lãi suất cho vay cá nhân không đáng kể cũng làm hạn chế chi tiêu tiêu dùng. Các rào cản khác bao gồm những bất cập trong thể chế kinh tế, thiếu sót trong cải cách hành chính, và những vấn đề pháp lý không rõ ràng. Hàng hóa tiêu dùng giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào cũng gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Điều tra của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy bức tranh doanh nghiệp tư nhân hiện rất khó khăn. Khi hỏi hơn 10.000 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tại 63 tỉnh thành phố về kế hoạch mở rộng quy mô kinh doanh thời gian tới, chỉ có khoảng 27% khẳng định là có.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI cho rằng: “Đây là con số thấp nhất kể từ khi VCCI tiến hành điều tra về PCI từ năm 2005 trở lại đây".
"Con số này thấp hơn con số 34-35% của năm 2012 – 2013 khi nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với tác động kép của khủng hoảng tài chính toàn cầu cùng với những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước. Kể cả giai đoạn COVID-19, tỷ lệ này cũng lên đến 35-37%”, ông Tuấn nêu.
Tuy nhiên, đối lập với doanh nghiệp trong nước, năm 2023 tỷ lệ doanh nghiệp FDI có kế hoạch mở rộng quy mô kinh doanh lại cao. 6 tháng đầu năm vốn FDI đăng ký là 15 tỉ USD, vốn thực hiện là 10 tỉ USD.
Theo ông Tuấn, nếu nhìn con số tổng thể, kinh tế Việt Nam cũng khá sáng, tăng trưởng GDP tốt, xuất khẩu cũng tốt. Song điều đáng ngại là năng lực thực sự của khu vực kinh tế tư nhân trong nước.
Ông Tuấn băn khoăn rằng hiện nay doanh nghiệp FDI có thể đóng gói cả 1 nhà máy và dịch chuyển sang một quốc gia khác nếu biên lợi nhuận của họ ở nước sở tại thấp và chi phi tăng cao. FDI có thể đến nhanh nhưng rời đi cũng nhanh.
“Điều quan trọng là năng lực nội tại của khu vực tư nhân trong nước là chỉ số vô cùng quan trọng. Nhưng đáng tiếc, con số thống kê công bố hay các phân tích về “sức khỏe” tư nhân trong nước hơi ít, không sâu sắc… đây là điều bất cập”, ông Tuấn nêu.
Cải thiện môi trường kinh doanh được quan tâm
Theo ông Đậu Anh Tuấn, năm 2024, Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh được Chính phủ ban hành trở lại.
Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được Chính phủ ban hành hàng năm. Nhưng sang năm 2023, Chính phủ gộp nhiệm vụ cải cách môi trường kinh doanh vào thành một nội dung của Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm nhằm khẳng định môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trong điều hành và phát triển kinh tế xã hội.
Tuy vậy, do chỉ là một trong các nhiệm vụ của Nghị quyết 01/NQ-CP nên mức độ chú ý, để tâm đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương ít hơn. Trong khi đó, năm 2023, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh…
Do đó, Chính phủ đã khôi phục lại chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh bằng việc ban hành Nghị quyết số 02 nhằm tạo áp lực, đồng thời khơi dậy động lực, tinh thần cải cách của các bộ ngành, địa phương.
Ông Tuấn cho rằng Nghị quyết 02 là tư duy mới của Chính phủ, với mục tiêu luôn luôn cải cách, mức độ cải cách phải so sánh được với các nước khu vực Asean. Tư duy cạnh tranh với các nước đứng đầu trong khu vực về cải cách thủ tục hành chính là tư duy rất tích cực.
Một điểm sáng nữa là cách đây ít ngày Thủ tướng thành lập một Tổ công tác về rà soát những khó khăn, vướng mắc và đích thân Thủ tướng làm Tổ trưởng, thành phần tổ là các bộ trưởng. Có thể thấy, đây là sự quyết tâm rất lớn của Thủ tướng trong việc chú trọng vào tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Ngoài ra, các đạo luật như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi… cũng được nỗ lực để có hiệu lực sớm (dự kiến 1.8). “Trong 3-4 tháng vừa qua, Chính phủ đã làm việc với 200% sức lực để thảo luận, ban hành các Nghị định hướng dẫn các luật này”.
“Với sự ách tắc của thị trường bất động sản, của nhiều dự án quan trọng quốc gia, dự án liên quan tới sử dụng đất…, việc các luật có hiệu lực sớm được kỳ vọng tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản”, ông Tuấn nêu.
TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để doanh nghiệp trong và ngoài nước có một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, từ việc sửa đổi, hoàn thiện chính sách cho việc sẽ đưa các chính sách đó vào cuộc sống thế nào.