Bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm có những gam màu sáng, nhưng tốc độ tăng trưởng chưa đồng đều và thiếu bền vững.
Thị trường và chính sách

Nhận diện những điểm nghẽn tăng trưởng từ rào cản về thể chế

Lam Thanh 15/07/2024 16:15

Bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm có những gam màu sáng, nhưng tốc độ tăng trưởng chưa đồng đều và thiếu bền vững.

Tăng trưởng vẫn thiếu bền vững

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mùa hè 2024 do VnEconomy tổ chức ngày 15.7, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đánh giá kinh tế Việt Nam nửa đầu năm có nhiều điểm sáng.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP quý 1 và 2/2024 có xu hướng tăng lên, từ 5,87% lên 6,93%, tính chung 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,42%; vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, đầu tư công, đầu tư tư nhân đều gia tăng, khu vực FDI tăng 10,3%; tiêu dùng trong nước ổn định với tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng khoảng 8,6%...

Tuy vậy, ông Hiển cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế còn chưa đồng đều và thiếu bền vững. Cụ thể, ngành nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế tăng chậm ở mức khoảng 3,34%. So với năm 2019 là thời điểm trước khi xảy ra đại dịch, 2/3 ngành kinh tế có mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm thấp hơn, nhất là khu vực động lực kinh tế công nghiệp chế biến chế tạo so với năm 2019.

hien.png
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Ngoài ra, theo ông Hiển, các đầu tàu tăng trưởng kinh tế của cả nước, một số các thành phố trung ương ở mức chưa cao; hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của doanh nghiệp gia nhập thị trường chậm, thấp hơn hẳn so với tốc độ bình quân của doanh nghiệp rút lui của thị trường, hiện nay khoảng 8,7% so với 18,5%. Tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường khoảng 110,3 nghìn doanh nghiệp, tăng khoảng 18,4% so với cuối năm 2023.

Thêm nữa, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt khoảng 4,45% so với cuối năm 2023, dù có tăng nhưng mức này vẫn nằm trong vùng đáy khoảng 10 năm gần đây. Việc hấp thụ vốn chính phản ánh sức sống, khả năng mở rộng sản xuất doanh nghiệp.

Vấn đề tiếp theo là cầu tiêu dùng nội địa tăng trưởng nhưng vẫn còn yếu và thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Xuất khẩu có cải thiện nhưng xuống chậm. “Chúng ta có các cam kết nâng cấp với một số đối tác chiến lược nhưng qua phân tích cơ cấu ở các khu vực thị trường này, cũng chưa tương xứng với việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược”, ông Hiển nêu.

Chậm thể chế hóa các định hướng lớn

Đại diện Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng việc thể chế hóa một số những định hướng lớn chung để tạo sự đột phá về phát triển kinh tế vẫn còn chậm hoặc chưa đạt như mong muốn.

Ví dụ, Ban Kinh tế Trung ương vừa ký văn bản lần thứ 3 đề xuất sớm thể chế hóa Nghị quyết 29 về công nghiệp hóa, vì nghị quyết này đặt nền tảng rất quan trọng, rất nhiều đề án chương trình cần phải làm, kể cả trong đó có những định hướng về phát triển liên quan công nghiệp bán dẫn phải làm ngay, nhưng hiện nay cũng chưa ban hành.

Về cải cách tổ chức hành chính, theo ông Hiển, tỷ lệ cập nhật công khai thủ tục hành chính của các bộ ngành hiện nay là 28,57%. Có những bộ ngành đáng lẽ phải tiên phong, tiên phong cắt giảm thủ tục hành chính, phân cấp như Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại là một trong ba bộ chậm nhất.

Tỷ lệ xử lý đúng hoặc trước thời hạn các thủ tục hành chính tại các bộ, ngành chỉ đạt 7,54%; tỷ lệ này tại địa phương lên tới 84,33%.

“Các cơ quan trung ương, các bộ ngành giải quyết thủ tục cho địa phương có tỷ lệ rất thấp là 7,54%. Như vậy, câu chuyện đặt ra một là phải chăng cơ chế quy trình thủ tục chưa rõ? Hai là địa phương cũng đẩy việc hỏi lên trung ương cho dù thẩm quyền của địa phương, hoặc các bộ cũng đẩy lên đẩy xuống. Vì vậy tỷ lệ có 7,54% hỏi mãi cũng chỉ giải quyết được 7,54%. Vậy gốc ở đâu?”, ông Hiển đặt vấn đề.

Đáng chú ý, ông Hiển cũng cho rằng chưa có biện pháp thực sự khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.

Cần tháo gỡ rào cản thể chế

Ông Nguyễn Đức Hiển cũng đề cập đến việc rà soát các vướng mắc, rào cản tạo đột phá kinh tế của địa phương về quy hoạch, xử lý các vấn đề chồng lấn quy hoạch tại địa phương. Về quy hoạch, cơ bản 63/63 tỉnh ban hành quy hoạch nhưng cần nhanh chóng có kế hoạch để thực hiện.

hien-2.png
Các chuyên gia thảo luận tại diễn đàn

"Số lượng các địa phương có kế hoạch triển khai chỉ khoảng 10 tỉnh, thành. Các địa phương thấy rằng đây cũng là khâu ách tắc, cản trở tăng trưởng. Phải tìm ra những rào cản, nút thắt, các cơ quan cần nhìn thẳng vào sự thật, khách quan để góp phần vào sự phát triển chung của đất nước", ông Hiển đề nghị.

Vấn đề chồng lấn quy hoạch, ông Hiển cho biết rất nhiều địa phương vướng mắc; ví dụ như Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận… Trong đó, tỉnh Đắk Nông khó thu hút đầu tư vì vướng quy hoạch bô xít do diện tích liên quan đến bô xít chiếm 39% diện tích tỉnh mà không tập trung; Bình Thuận thì cần gỡ nút thắt quy hoạch titan... Một loạt các địa phương chồng lấn quy hoạch, giải quyết đến đâu để tạo động lực phát triển?

Cũng theo ông Hiển, Nghị quyết 10 về kinh tế tư nhân định hướng rất rõ, có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, có nghị định liên quan, đi các địa phương và đi các doanh nghiệp, hầu như các luật và các chính sách này không đi vào cuộc sống. Vậy phải thay đổi gì về tư duy, về mặt hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ? Cách làm phải thay đổi thế nào?

Vấn đề thị trường bất động sản, triển khai nhà xã hội, ông Hiển cũng cho rằng đã giải quyết được một số vướng mắc nhưng vẫn còn. Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 34 và sắp tới, 1 tháng nữa sẽ triển khai những đốc thúc các chính sách. Chỉ thị cũng có nhiều định hướng luật chưa xử lý được, có những định hướng của Đảng nhưng phải làm sao thể chế hóa thành có thể đi vào cuộc sống được.

"Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước hiện nay đang tạo những rào cản rất lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng nhưng sửa hai luật này rất mất thời gian. Sắp tới sẽ phải ban hành những chủ trương gì, phải chăng cần có một nghị quyết để gỡ một vài vấn đề lớn", ông Hiển đặt vấn đề.

Ông Hiển nhấn mạnh rằng thời gian tới phải gỡ các rào cản vướng mắc về cơ chế chính sách, đồng thời tạo thuận lợi trong khai thác phát huy các nguồn lực, đặc biệt từ nguồn lực đất đai, cơ chế cho địa phương. Theo đó, các cơ quan nhà nước khi điều hành phải lắng nghe, nhìn vào những “nút thắt” để bàn cách tháo gỡ.

Bài liên quan
Thủ tướng: Vùng Đồng bằng sông Hồng phải tăng trưởng 2 con số
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, vùng Đồng bằng sông Hồng phải tăng trưởng 2 con số để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhận diện những điểm nghẽn tăng trưởng từ rào cản về thể chế