Ông Giang Chấn Tây, TS kinh tế, Giám đốc Công Ty TNHH MTV Bội Ngọc cho rằng, 2 thành phần doanh nghiệp (DN) cùng chung hệ thống nhưng DN đầu mối lãi hàng nghìn tỉ đồng, trong khi DN bán lẻ lại "lỗ kinh khủng", kiệt quệ.

TS Giang Chấn Tây: Doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lãi khủng nhưng bán lẻ 'kiệt quệ'

Hoài Lam | 14/02/2023, 13:28

Ông Giang Chấn Tây, TS kinh tế, Giám đốc Công Ty TNHH MTV Bội Ngọc cho rằng, 2 thành phần doanh nghiệp (DN) cùng chung hệ thống nhưng DN đầu mối lãi hàng nghìn tỉ đồng, trong khi DN bán lẻ lại "lỗ kinh khủng", kiệt quệ.

Phương án về chiết khấu của Bộ Công Thương

Ngày 14.2, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu”.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, những biến động của thị trường xăng dầu những năm qua mang tính chất dị biệt, đặc biệt là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, biến động giá xăng dầu ở biên độ cao và chưa từng xảy ra trước đó…

Do đó, ông Đông cho rằng “phải tư duy về các công cụ quản lý nhà nước nên can thiệp đến đâu? Tư duy về quan hệ cung cầu, về quy luật cạnh tranh? Đó là dịp để ta nhìn lại để làm sao có được thị trường xăng dầu đạt được mục tiêu cao nhất là đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, kiểm soát CPI, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển”.

Về nội dung quy định mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương cho hay, Nhà nước chỉ quản lý và điều hành giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu (để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và điều hành kinh tế vĩ mô), không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu.

“Khi giá bán lẻ xăng dầu chưa được phản ánh đủ các chi phí phát sinh của DN từ đầu nguồn, các DN đầu mối cũng không thể cắt chiết khấu thỏa đáng cho các khách hàng mua buôn được. Nếu có quy định về mức chiết khấu cụ thể cho các đại lý sẽ cần bổ sung thêm một yếu tố chi phí trong phần chi phí kinh doanh được tính trong giá cơ sở, có thể làm tăng giá cơ sở mặt hàng xăng dầu”, Bộ Công Thương nêu.

xang-dau-1.jpg
Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu”

Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án. Phương án 1 là không quy định cụ thể mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu để các DN chủ động đàm phán với nhau cho phù hợp và linh hoạt với biến động cung cầu của thị trường trong từng giai đoạn.

Phương án này có ưu điểm là bảo đảm sự chủ động trong mối quan hệ kinh tế giữa các DN kinh doanh xăng dầu trên thị trường; không làm tăng giá cơ sở mặt hàng xăng dầu ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, nhược điểm là khi kinh doanh gặp khó khăn, các đại lý sẽ tiếp tục kiến nghị về quyền lợi của họ (bất chấp việc các đơn vị cấp hàng đang bị lỗ).

Phương án 2 là quy định mức chiết khấu cố định hoặc tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu. Ưu điểm là bảo đảm lợi ích và được sự ủng hộ của các đại lý bán lẻ xăng dầu, là căn cứ để các đại lý bán lẻ xăng dầu yêu cầu các đơn vị cấp hàng duy trì chiết khấu cho khâu bán lẻ.

Nhưng nhược điểm là để hài hòa lợi ích của các DN kinh doanh xăng dầu, phải đưa mức chiết khấu cho từng khâu của hệ thống phân phối xăng dầu sẽ tạo ra sự cứng nhắc trong quan hệ mua bán xăng dầu giữa các DN.

Ngoài ra, để bảo đảm giá cơ sở mặt hàng xăng dầu phản ánh đủ các chi phí phát sinh cần đưa mức chiết khấu cố định hoặc tối thiểu này vào chi phí kinh doanh trong cơ cấu giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, việc này làm tăng giá xăng dầu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng xăng dầu.

“Khi hoạt động kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn, không có sự chia sẻ giữa các khâu trong hệ thống phân phối xăng dầu, các khó khăn sẽ được dồn hết đến DN đầu mối kinh doanh xăng dầu và do đó ảnh hưởng đến tổng thể nguồn cung xăng dầu trong nước”, Bộ Công Thương nêu.

DN muốn có chiết khấu tối thiểu

TS Giang Chấn Tây cho hay: “Hầu như vừa qua, DN bán lẻ luôn bị bỏ rơi tất cả dẫn đến thua lỗ kéo dài nặng nề. Nhưng nỗi bức xúc lại tăng thêm khi mà 2 thành phần DN cùng chung hệ thống nhưng DN đầu mối lãi hàng nghìn tỉ đồng trong khi DN bán lẻ lỗ "kinh khủng" và đang ở trong tình trạng kiệt quệ không lối thoát, tâm lý luôn bị ức chế”.

Theo ông Giang Chấn Tây, cần thiết phải quy định chiết khấu tối thiểu, xem đây là công cụ để DN bán lẻ hoạt động trong mọi tình huống biến động của giá dầu trên thị trường thế giới.

“Quy định mức chiết khấu tối thiểu căn cơ ở chỗ là vẫn giữ vững quan điểm của Đảng và Nhà nước là vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”, ông Tây nói.

tay.jpg
Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công Ty TNHH MTV Bội Ngọc

Theo ông Tây, phần chiết khấu (thù lao) tối thiểu là phần cứng và là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu. Phần này được đề xuất trong công thức giá cơ sở nhằm đảm bảo cho mọi hoạt động của cả hệ thống kinh doanh xăng dầu được ổn định, công bằng.

Phần chiết khấu còn lại là phần mềm, là sự cơ động, linh hoạt của các nhà cung cấp để cạnh tranh dành thị phần. Đây chính là phần thị trường và là phần tăng thêm được hưởng của DN bán lẻ. Nếu không cho lấy nhiều nguồn thì DN bán lẻ sẽ không có phần mềm này, và thị trường trở nên co cứng.    

“Cho dù là Nhà nước quy định giá bán lẻ hay là thả nổi giá để tự DN quyết định thì ai dám chắc rằng các đầu mối sẽ cho chiết khấu cao hơn điểm hòa vốn?”, ông Tây nêu.

Ông Tây cũng cho rằng, cần nhất quán quan điểm quy định cho DN bán lẻ lấy hàng ở ít nhất là 3 nơi.

“Việc cho DN bán lẻ lấy hàng từ nhiều nguồn sẽ tăng tính cạnh tranh về chiết khấu, đảm bảo được cho DN bán lẻ chủ động được nguồn hàng và hạn chế đến mức thấp nhất khả năng bị đứt gãy nguồn hàng. Mặt khác, điều này cải thiện giao dịch mà trước đây không có và được hưởng phần chiết khấu tăng thêm so với chiết khấu tối thiểu do cạnh tranh mang lại”, ông Tây nêu.

Theo ông Tây, chi phí lưu thông trong công thức tính giá cơ sở cần phải được chia rõ phần phí phí và lợi ích ở cả 3 khâu: DN đầu mối, thương nhân phân phối và DN bán lẻ. Chỉ cần phân chia trong công thức giá cơ sở đã xây dựng ra thành 3 phần ở các khâu theo tỷ lệ (%) phù hợp với sự đóng góp trong cả hệ thống là vấn đề sẽ được giải quyết.

“Chỉ vì trong Nghị định do không ghi rõ tỷ lệ nên DN đầu mối hưởng hết, khi họ lỗ và lãi thì DN đầu mối lại dùng để bù vào lỗ của chu kỳ trước. Do đó, đề nghị phân chia rõ tỷ lệ ở các khâu về chi phí lưu thông định mức và riêng khâu bán lẻ là cộng thêm 5%/giá bán thời điểm tương đương với 1.180đ/lít theo giá hiện nay”, ông Tây nêu.

Bài liên quan
Giá xăng dầu đồng loạt giảm
Giá xăng dầu trong nước chiều nay (25.4) đồng loạt giảm. Mỗi lít xăng RON95 giảm 320 đồng, xuống dưới mức 25.000 đồng/lít.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Giang Chấn Tây: Doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lãi khủng nhưng bán lẻ 'kiệt quệ'