Theo TS Lê Xuân Nghĩa, lãi suất của Việt Nam dù đã giảm nhưng vẫn còn rất cao. Lãi suất thực (trừ đi lạm phát) còn tới 10% thì “không nước nào trên thế giới có lãi suất cao khủng khiếp như vậy”.

TS Lê Xuân Nghĩa: 'Không nước nào trên thế giới có lãi suất cao khủng khiếp như vậy'

Hoài Lam | 09/08/2023, 15:21

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, lãi suất của Việt Nam dù đã giảm nhưng vẫn còn rất cao. Lãi suất thực (trừ đi lạm phát) còn tới 10% thì “không nước nào trên thế giới có lãi suất cao khủng khiếp như vậy”.

Lãi suất vẫn cao “khủng khiếp”

Chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023, chuyên gia kinh tế - TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, lạm phát toàn cầu, chỉ số USD đang có xu hướng đi xuống, còn trong tăng trưởng kinh tế thì các định chế tài chính lớn có nhiều quan điểm khác nhau.

Theo ông Nghĩa, lãi suất tiền gửi của Việt Nam đã giảm khá nhanh nhưng lãi suất cho vay vẫn còn khá cao.

“Một người bạn của tôi vay của một ngân hàng khá tên tuổi để đầu tư vào điện mặt trời với lãi suất 17%/năm và tới đây ngân hàng có hứa sẽ giảm xuống 15%. Đầu tư dài hạn mà lãi suất như vậy thì… chỉ có đi buôn thuốc phiện mới có lãi”, ông Nghĩa nói và cho biết lãi suất thực (trừ đi lạm phát) còn tới 10% là rất cao, “không nước nào trên thế giới có lãi suất cao khủng khiếp như vậy”.

Vị chuyên gia cho rằng ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều nỗ lực giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng lãi suất vẫn ở mức “rất cao chứ không phải là cao”.

Tại sao lại như vậy? Ông Nghĩa hỏi và trả lời rằng vì NHNN lo ngại sự biến động khó lường của tỷ giá. Tuy vậy, theo chuyên gia này, áp lực tỷ giá thời gian tới không quá lớn dựa vào 3 yếu tố.

ls-3.jpg
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa

Thứ nhất, đồng USD sẽ không tăng, thậm chí còn giảm. Thứ hai, giá hàng hóa của thế giới nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tăng, đặc biệt là nhiên liệu, nhưng áp lực này cũng không quá lớn và Bộ Tài chính vẫn còn dư địa để can thiệp (thuế, phí xăng dầu). Thứ ba, cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn dương (+). 6 tháng qua, thặng dư thương mại lớn, NHNN có thể mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối quốc gia.

Ông Nghĩa cho rằng đây là các yếu tố cho thấy áp lực tỷ giá thời gian tới không còn nguy hiểm và tỷ giá năm 2023 - 2024 sẽ duy trì ổn định.

“Với một quốc gia mở cửa thuộc loại nhiều nhất thế giới như Việt Nam, tỷ giá ổn định là điều kiện để thị trường tài sản, thị trường chứng khoán có thể đứng vững, phục hồi nhẹ”, TS Nghĩa nhận xét.

Nên nhìn vào khả năng trả nợ thay vì tài sản thế chấp

Về diễn biến lãi suất, theo TS Lê Xuân Nghĩa, nhiều khả năng cuối năm nay FED dừng tăng lãi suất và có thể điều chỉnh giảm lãi suất từ cuối năm sau. Châu Âu cũng có thể dừng việc tăng lãi suất từ cuối năm nay do lạm phát giảm nhanh hơn dự đoán. Do đó, đây là cơ hội để NHNN giảm thêm lãi suất mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Nghĩa cho hay, về điều kiện tín dụng thì có tài sản thế chấp và khả năng trả nợ. Trong bối cảnh khủng hoảng, tất cả các nước “lùi” yếu tố tài sản thế chấp và tập trung vào khả năng trả nợ, hiệu quả dự án.

“Nhưng ở Việt Nam chúng ta thì không, làm gì thì làm cũng phải có tài sản thế chấp. Có doanh nghiệp xuất khẩu thức ăn chay sang châu Âu, năm ngoái doanh thu 10 tỉ đồng, năm nay đơn đặt hàng lên 15 tỉ đồng, nhưng khi doanh nghiệp ra trình đơn đặt hàng cho ngân hàng thì ngân hàng không cho vay thêm vì tài sản thế chấp vẫn chỉ có vậy”, ông Nghĩa chia sẻ.

ls-1.jpg
Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023

Theo ông Nghĩa, trong giai đoạn phục hồi, ngân hàng cần thẩm định tính hiệu quả dự án, khả năng trả nợ trong tương lai chứ không chỉ nhìn vào tài sản thế chấp.

Ông Nghĩa cũng liên hệ tư duy này với vấn đề trái phiếu doanh nghiệp.

“Trái phiếu doanh nghiệp mà đòi có tài sản thế chấp? Chúng ta chỉ nên căn cứ vào xếp hạng, khả năng trả nợ, chứ ai quản lý nổi tài sản thế chấp đó, rất phức tạp”, ông Nghĩa nói.

Vị chuyên gia này cũng đề nghị các ngân hàng thương mại nên nhìn vào khả năng trả nợ để bơm tín dụng cho doanh nghiệp, qua đó lấy lại niềm tin cho thị trường. “Tôi nghĩ chúng ta cần thuyết phục để NHNN tiếp tục điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm và hỗ trợ mạnh cho doanh nghiệp, cho phục hồi kinh tế, bởi lãi suất thực cao quá”, ông Nghĩa nói.

Ba kịch bản cho kinh tế 2023

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), kinh tế thế giới còn rất nhiều khó khăn nhưng đã có một số chuyển biến. Các tổ chức quốc tế đã có sự điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay, trong đó IMF đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 và 2024 là khoảng 3%.

Ông Dương phân tích, xu hướng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát vẫn hiện hữu, song không còn là chủ đạo. Mặc dù FED vẫn giữ thông điệp về khả năng tăng lãi suất nhưng đã có sự đảo chiều ở một số nước, thậm chí tại Việt Nam, trong nửa đầu năm NHNN đã 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành.

Theo đó, mặc dù mặt bằng lãi suất hạ song tín dụng vẫn tăng trưởng chậm. Xét tương quan giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP cho thấy sự đồng điệu, khi tăng trưởng tín dụng có xu hướng giảm thì tăng trưởng GDP cũng giảm.

Trên cơ sở đó, ông Dương đưa ra 3 kịch bản kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2023.

ls-2.jpg
Ông Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM

Cụ thể, kịch bản 1 được tính toán trên giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế, và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như nửa cuối các năm 2021 - 2022.

Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong kịch bản 1 liên quan đến yếu tố kinh tế thế giới, song có một số điều chỉnh về nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở Việt Nam.

Kịch bản 3 có thể xảy ra với giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn (tăng trưởng phục hồi, gián đoạn chuỗi cung ứng đã giảm đáng kể, lạm phát ở Mỹ giảm, thời tiết thuận lợi hơn…), sự quyết liệt trong cải cách và điều hành ở Việt Nam. Qua đó giúp đạt kết quả tối đa về giải ngân/hấp thụ đầu tư công và tín dụng, cải thiện môi trường kinh doanh và năng suất lao động giúp thúc đẩy và thực hiện hoạt động đầu tư (cả tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài) theo hướng hiệu quả hơn.

TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, qua phân tích chỉ số sản xuất PMI (ở Việt Nam loanh quanh 46 – 48) cho thấy kinh tế Việt Nam đang đi theo hình chữ U từ tháng 11.2022 và bắt đầu phục hồi nhẹ.

“Hy vọng đây là giai đoạn cuối của vùng đáy và từ quý 4 trở đi, chỉ số PMI của Việt Nam khá hơn, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhẹ”, ông Nghĩa nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về chống lãng phí
5 giờ trước Sự kiện
Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu nội dung bài viết: “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm:
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Lê Xuân Nghĩa: 'Không nước nào trên thế giới có lãi suất cao khủng khiếp như vậy'