TP.HCM cứ nói rằng có kế hoạch xây dựng nhà hát đã 20 năm rồi. Cách giải trình này chỉ làm bức xúc thêm, vì căn cứ quyết định phải là hiệu quả đầu tư. Đây là điều mà dân chúng đòi hỏi phải cân nhắc rất kỹ khi đầu tư", TS. Nguyễn Đình Cung nói.

TS.Nguyễn Đình Cung: Cách giải trình về nhà hát Thủ Thiêm chỉ làm bức xúc thêm

18/10/2018, 16:44

TP.HCM cứ nói rằng có kế hoạch xây dựng nhà hát đã 20 năm rồi. Cách giải trình này chỉ làm bức xúc thêm, vì căn cứ quyết định phải là hiệu quả đầu tư. Đây là điều mà dân chúng đòi hỏi phải cân nhắc rất kỹ khi đầu tư", TS. Nguyễn Đình Cung nói.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - Ảnh: CafeF

Tăng trưởng đạt 7/10 điểm

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng đầu năm 2018, GDP ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm 2017, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 trở về đây.

Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,65%, đóng góp 8,8% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,89%, đóng góp 48,7%; khu vực dịch vụ tăng 6,89%, đóng góp 42,5%.

Bình luận về điều này, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CEM) cho biết, ông không hề bất ngờ về kết quả tăng trưởng trong 9 tháng qua.

“Điều này không ngạc nhiên vì chúng ta đã ổn định được kinh tế vĩ mô, cải thiện được môi trường kinh doanh khá rõ nét và đã có kết quả trên thực tế, được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực. Đây là 2 yếu tố có tính chất nền tảng, thúc đẩy để đạt được tăng trưởng cao. Nếu tăng trưởng bằng cách này thì sẽ ổn định, bền vững hơn”, ông Cung nhận định.

Bên cạnh đó, ông Cung cho rằng một trong những lý do của tăng trưởng là do quá trình tái cơ cấu kinh tế đã đạt được những kết quả rõ nét, có sự thay đổi về chất, nhất là trong nông nghiệp. Tái cơ cấu DNNN có sự thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu đầu tư, cách quản lý, cổ phần hóa… Cùng với đó là việc thúc đẩy được sự tăng trưởng của mảng công nghiệp, dù yếu tố nước ngoài vẫn chiếm ưu thế.

“Cách thức tăng trưởng đã có thay đổi, không dựa vào khai thác khoáng sản, cung ứng tiền tệ mà dựa nhiều hơn vào tăng năng suất, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực”, ông cho hay.

Nếu tính trên thang điểm 10, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng chất lượng tăng trưởng từ đầu năm đến nay đạt khoảng 7 điểm.

Cần tận dụng cơ hội trong cuộc chiến thương mại

Tuy nhiên, ông Cung cũng cho rằng trong thời gian tới diễn biến của nền kinh tế sẽ bị tác động bởi các yếu tố như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn biến khó lường, phụ thuộc vào khả năng đàm phán thương mại của 2 nước.

Bên cạnh đó, thị trường tài chính thế giới và các thị trường mới nổi ngày càng trở nên dễ bị tổn thương hơn, trước xu hướng gia tăng bảo hộ và biến động của dòng vốn đầu tư. Hiện các nền kinh tế chủ chốt chưa công khai can thiệp trực tiếp vào chính sách tỷ giá, trong khi phải có sự tiến triển trong quá trình đàm phán/phê chuẩn một số hiệp định thương mại tự do mới có thể củng cố niềm tin cho nhà đầu tư ngoại và doanh nghiệp Việt.

“Ai cũng nói cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới và Việt Nam, các dự báo đều tính theo xu hướng đó. Tuy nhiên đó là tổng thế, còn ở Việt Nam chưa có sự thay đổi đáng kể”, ông cho hay.

Ngoài ra, “Sự thay đổi về chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc ra bên ngoài, trong đó có Việt Nam, có thể cũng có nhưng mới chỉ dừng ở mức tính toán của các công ty hơn là diễn ra trong thực tế. Chúng ta muốn đón được nguồn vốn này cần phải chủ động đi tìm họ chứ không thể ngồi chờ. Làm vậy, chúng ta sẽ chọn được những nhà đầu tư đúng mới mong muốn của mình”.

“Tận dụng được cơ hội hay bị ảnh hưởng bởi thách thức đều phụ thuộc vào hành động của chúng ta. Nếu chúng ta ngồi chờ đợi thì sẽ hứng chịu thách thức, còn chủ động hành động thì sẽ tận dụng được cơ hội”, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.

Về việc xếp hạng cạnh tranh của Việt Nam theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới vừa giảm 3 bậc, ông Cung cho hay từ năm ngoái, họ đã có phương pháp đánh giá khác về năng lực cạnh tranh. Với phương pháp mới, họ nhấn mạnh đến yếu tố đổi mới sáng tạo, trong khi yếu tố này ở Việt Nam được đánh giá rất thấp.

“Đây là tín hiệu lo ngại nhưng cũng là chỉ báo rõ ràng cho chúng ta là phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Khi có sự cạnh tranh công bằng thì doanh nghiệp buộc phải đổi mới vậy mới tồn tại được. Còn nếu không sáng tạo, chỉ dựa vào mối quan hệ, xin - cho thì rất khó phát triển”, ông Cung nói.

Cách giải trình về dự án Nhà hát Thủ Thiêm càng khiến dân bức xúc

Chia sẻ về vấn đề quản lý thu - chi ngân sách, đầu tư công, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng chi tiêu ngân sách đang là một trong những điểm yếu lớn của nền kinh tế Việt Nam. Dù ngân sách đã giảm số bội chi nhưng vẫn chưa giảm được số khoản chi và chưa phát huy hiệu quả của những khoản chi.

“Giảm số chi và tăng hiệu quả chi là yêu cầu rất cấp thiết. Thời gian qua, việc tăng thu được thực hiện rất ráo riết nhưng tăng chi lại thiếu minh bạch. Ví dụ tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu nhưng khoản tăng thu này, sau đó chi cho những hoạt động gì, mục tiêu gì, nguồn thu 5 tỉ USD từ việc bán cổ phần Sabeco chi cho những cái gì... Đó mới là những câu hỏi cần thiết mà người dân rất quan tâm”, ông Cung nói.

Cùng với đó, cơ chế phân bố ngân sách thiếu hợp lý đang làm sai lệch động lực tăng trưởng; làm suy yếu nỗ lực, giảm sự vươn lên của các nơi nào dám cải cách và dám đi vào thị trường và các địa phương đang nỗ lực, cố gắng.

Còn về đầu tư công, dù giảm về số lượng đầu tư nhưng vẫn xảy ra tình trạng phân tán, lỗ, chưa có dấu ấn công trình mang yếu tố nhiệm kỳ để lại ảnh hưởng lớn. Ví dụ như dự án nhà hát Thủ Thiêm 1.500 tỉ đồng, những người quyết định đầu tư chưa có giải trình, báo cáo về việc đầu tư.

"TP.HCM cứ nói rằng có kế hoạch 20 năm về vấn đề xây dựng nhà hát rồi. Cách giải trình này chỉ làm bức xúc thêm, trong khi đó căn cứ quyết định phải là hiệu quả đầu tư - vốn là điều mà dân chúng đòi hỏi, cũng như trước khi quyết định đầu tư cần phải cân nhắc rất kỹ", ông Cung nói.

Theo ông, việc đó cũng giống như việc chi hàng chục ngàn tỉ đồng làm đường cao tốc nhưng khai thác một thời gian ngắn đã hỏng, sau khi có chỉ đạo chỉ rút kinh nghiệm. Cứ rút kinh nghiệm liên tục như vậy, căn bệnh của đầu tư công không thể rút được.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS.Nguyễn Đình Cung: Cách giải trình về nhà hát Thủ Thiêm chỉ làm bức xúc thêm