Nhìn vào con số 500 triệu USD mà Công ty Formosa Hà Tĩnh cam kết sẽ chuyển cho Việt Nam trong vòng 30 ngày nữa và sẽ chuyển đủ sau 60 ngày kể từ khi cam kết, nghe thì có vẻ lớn và nhanh. Song nó chẳng thấm gì so với những điều tệ hại họ đã gây ra cho chúng ta, đặc biệt là ở những tỉnh miền Trung hầu như đều rất nghèo khó ấy.

Từ cái giá phải trả cho thép Formosa, cảnh báo về giấy Lee & Man

06/07/2016, 05:34

Nhìn vào con số 500 triệu USD mà Công ty Formosa Hà Tĩnh cam kết sẽ chuyển cho Việt Nam trong vòng 30 ngày nữa và sẽ chuyển đủ sau 60 ngày kể từ khi cam kết, nghe thì có vẻ lớn và nhanh. Song nó chẳng thấm gì so với những điều tệ hại họ đã gây ra cho chúng ta, đặc biệt là ở những tỉnh miền Trung hầu như đều rất nghèo khó ấy.

Liệu việc truy vấn đến cùng về thảm họa cá chết tại 4 tỉnh miền Trung sẽ đi tới đâu? Hay rồi chỉ dừng lại ở mức hiện nay, khi Tập đoàn Formosa Plastics Group (Đài Loan) mà công ty con của họ ở Việt Nam là Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh với cả một tập thể ban lãnh đạo đã cúi đầu nhận lỗi trước việc làm tàn độc mà họ gây ra cho nhân dân Việt Nam hôm 30.6, dù thật khó có thể bù đắp bằng tiền như họ vừa làm? Chưa rõ. Song, nói như GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường rằng đây là một "bi kịch có hậu" thì tôi chỉ đồng tình 2 từ đầu. Nó chỉ nên gọi là bi kịch có cái kết tạm an lòng.

Hôm trước, có một nhà khoa học đã phát biểu trên VTV rằng chúng ta không nên vội tin vào những lời hứa của các nhà đầu tư về việc sẽ đảm bảo môi trường bền vững khi xây dựng dạng nhà máy có nguy cơ tác động không tốt đến xả thải công nghiệp mà phải nhìn vào thực tế họ làm. Tôi cho rằng như vậy mới là đúng bởi nhiều khi lợi nhuận quá cao khiến người ta có thể mờ mắt và bất chấp mà làm sai trái. Hoặc nói như Karl Marx trong "Tư bản luận" thì: "Nếu lợi nhuận 300% thì dù có bị treo cổ, họ cũng sẵn sàng làm”.

Nhìn vào con số 500 triệu USD mà Công ty Formosa Hà Tĩnh cam kết sẽ chuyển cho Việt Nam trong vòng 30 ngày nữa và sẽ chuyển đủ sau 60 ngày kể từ khi cam kết, nghe thì có vẻ lớn và nhanh. Song nó chẳng thấm gì so với những điều tệ hại họ đã gây ra cho chúng ta, đặc biệt là ở những tỉnh miền Trung hầu như đều rất nghèo khó ấy. Thiệt hại to lớn đối với chúng ta đâu chỉ có những ngư dân đang sống nhiều đời nhờ biển nay không còn nguồn sống. Đó còn là cả một vùng biển có tiềm năng du lịch rất tốt nhưng rồi đây, dù môi trường có dần hồi phục đi nữa thì về tâm lý du khách trong và ngoài nước liệu đã đủ độ yên tâm đến đây chưa? Người dân chúng ta ăn cá nhưng nếu biết có nguồn gốc xuất xứ từ 4 tỉnh này thì liệu đã an tâm 100% chưa? Tôi nghĩ thật không dễ đến vậy.

Hôm nay, một đồng nghiệp đã dẫn ra những đánh giá tác động môi trường biển của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Quốc gia sau khi tham gia cùng các chuyên gia nước ngoài điều tra nguyên nhân vụ cá chết vừa qua. Những đánh giá chỉ mới nghe mà thấy lo và hoang mang.

Theo đó, khi lặn xuống đáy biển 4 tỉnh miền Trung khảo sát để thu mẫu tìm nguyên nhân cá chết, các nhà khoa học đã chứng kiến những rạn san hô bị tàn phá và nhiều loài hải sản vắng bóng do độc tố phenol, xyanua. Cá vẩu (Caranx ignobilis) chết trôi. Ngoài vấn đề suy giảm đa dạng sinh học, phá hủy các sinh cảnh ngầm thì vấn đề khiến nhiều chuyên gia lo ngại là hiện tượng cá chết sẽ làm mất đi các bãi đẻ truyền thống của các loài cá có giá trị kinh tế cao, dẫn tới sự mất cân bằng sinh thái.

Ở bãi biển Thừa Thiên - Huế (1 trong 4 tỉnh bị ảnh hưởng và nằm xa tỉnh Hà Tĩnh nhất), các nhà khoa học đã khảo sát hòn Sơn Chà. Tại đây, nhiều san hô bị chết trắng, nhất là Montipora, Pachyseris, Galaxea, Pocillopora. Các loài cá kinh tế và điển hình cho sinh cảnh rạn san hô như mú, mối, bàng chài không có, chủ yếu là cá không có giá trị kinh tế. Trước đây, nơi này từng có mật độ cá mú tương đối cao, nhưng thời điểm quan trắc không thấy bất kỳ đàn cá mẹ nào.

Một nhà khoa học cho biết, một số chất thải theo thời gian sẽ bị pha loãng trong môi trường biển, nhưng để khôi phục rạn san hô có thể phải mất hàng chục năm đến hàng trăm năm, tùy theo mức độ ô nhiễm.

Rõ ràng, trong nhiều năm nữa, cứ cho là Formosa Hà Tĩnh sẽ cam kết nghiêm túc về xả thải đúng quy trình và rất an toàn đi nữa thì vùng biển nói trên rồi sẽ thế nào? Ngư dân sở tại rồi sẽ đánh bắt cá ở đâu, bao nhiêu người sẽ đi nghỉ dưỡng ở mấy tỉnh nói trên? Vẫn sẽ là những dấu hỏi lớn chưa thể giải đáp.

Trong cái rủi nhiều khi lại có cái may. Mới đây, từ sự cố Formosa xả thải bừa bãi, người ta giật mình nhìn lại một dự án sản xuất giấy của Trung Quốc thuộc vào "top 5" nhà máy sản xuất giấy lớn nhất thế giới với mức đầu tư 1,2 tỉ USD tại tỉnh Hậu Giang. Nó sắp được vận hành nhưng những dự báo sao thấy hãi hùng.

Được biết, nếu nhà máy này đi vào hoạt động, mỗi năm sẽ xả thải khoảng 28.500 tấn xút (NaOH) ra sông Hậu. Nhà máy giấy Lee &Man Việt Nam đặt tại Cụm Công nghiệp Phú Hữu A, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Điều này chắc chắn sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho nhiều tỉnh, nhưng trước đó, khi họ làm luận chứng kinh tế kỹ thuật cho dự án, không hiểu sao khâu đánh giá tác động môi trường được địa phương coi như "chuyện nhỏ"?!

Bằng chứng là khi mới thành lập, họ đã không cần phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Họ chỉ làm bản cam kết bảo vệ môi trường. Đến năm 2008, theo quy định của Nghị định số 21/CP của Chính phủ, họ buộc phải làm báo cáo ĐTM. Tuy nhiên, không hiểu sao, khi nhà máy chuẩn bị hoạt động đến nơi rồi mà tỉnh vẫn chưa chủ động lo việc giám sát tác động môi trường. Báo Vietnamnet có nêu "thiết bị quan trắc nước thải tự động sẽ do phía công ty lắp đặt, đấu nối kiểm tra tác động môi trường. Còn Sở TN-MT chỉ nhận kết quả từ... máy tính". Nhưng, đến nay hệ thống trên vẫn chưa được lắp đặt. Hiện hệ thống máy tính (dự kiến) của Sở TN-MT thì UBND tỉnh mới đang trong quá trình chuẩn bị… đầu tư.

Cái giá phải trả của dự án sản xuất thép Formosa tại Hà Tĩnh thật quá lớn mà chúng ta đang phải chịu hậu quả. Hy vọng đây sẽ là bài học xương máu cần được tìm ra nguyên nhân, quy trách nhiệm rõ ràng bên phía các cơ quan và các nhà chức trách Việt Nam, ai đã "góp công" cho nó đến nông nỗi này? Còn phía Formosa, chúng ta cần kiên quyết hơn nữa để ngăn chặn những hành vi cố tình huỷ hoại môi trường của họ trong thời gian tới, buộc thực hiện đúng những gì đã cam kết.

Cũng từ đó, những nhà máy khác có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường cao, hiện đang chuẩn bị vận hành như ở Hậu Giang, Thanh Hoá... được coi là những "ung nhọt tiềm ẩn" mang nhiều tai họa về môi trường thì cần được chấn chỉnh, kiểm soát kịp thời, hạn chế tổn thất đến môi trường sinh thái. Cần hiểu rằng, đó là thứ tài sản vô giá, dù có tiền cũng khó mua nổi nếu không sớm ngăn ngừa kịp thời hành vi phá hoại của các nhà đầu tư quá tham lợi nhuận...

Vậy thì cớ gì chúng ta lại đánh đổi nó?

Quốc Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ cái giá phải trả cho thép Formosa, cảnh báo về giấy Lee & Man