Việc gọi đích danh Formosa là thủ phạm xả thải gây cá chết hàng loạt ở vùng biển 4 tỉnh miền Trung, việc lãnh đạo Formosa cúi đầu nhận trách nhiệm và chịu bồi thường 500 triệu USD cùng những cam kết làm sạch biển hay chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân chỉ mới là bước đầu, bước 1. Còn cần những bước tiếp sau để có thể khắc phục vụ đầu độc môi trường biển khủng khiếp này.
Việc làm cho Formosa phải lộ mặt và cúi đầu nhận tội không hề dễ dàng, nhưng đã làm được. Và làm được điều đó không chỉ nhờ các nhà khoa học trong và ngoài nước, mà còn nhờ sự minh bạch của chính phủ. Nói “chính phủ” ở đây cụ thể là Thủ tướng và các Phó thủ tướng chính phủ.
Còn các bộ, ngành hay địa phương thì còn phải phân biệt. Vì chẳng phải, ngay từ đầu đã có một thứ trưởng Bộ TN-MT khi họp báo đã công bố cá chết có thể do…thủy triều đỏ và không liên quan đến Formosa đó sao? Còn lãnh đạo Hà Tĩnh, không phải ngay từ đầu họ đã chăm chú vào “đối tượng tình nghi”, mà họ còn nói rất chung chung. Kể cả hành động ra tắm biển hay ăn cá biển cũng chỉ là những “liệu pháp tinh thần” nhằm trấn an người dân, chứ không hề là giải pháp. Người dân đã không tin, và không tin là đúng.
Tôi được biết, cho đến hiện nay, đời sống người nghèo ở Quảng Trị vẫn vô cùng khốn khổ, vì tới…nước mắm cũng không dám ăn, còn cá thì chỉ dám ăn cá đồng. Nhưng hạn hán thế này, cá đồng đâu có đủ mà ăn. Nhìn bữa cơm của họ, có một nhà thơ nổi tiếng đã than với tôi: “Không thể chỉ ăn rau chấm… xì dầu, vì như thế nuốt không nổi. Mà ăn vậy, lấy sức đâu lao động?”. Ngay ở Huế, thì nhiều gia đình đã phải mua…muối cũ dự trữ, vì sợ muối mới nhiễm độc. Ăn cá cũng chỉ dám ăn cá đồng, hay cùng lắm là cá nước lợ đoạn cuối sông.
Phải nhìn thảm họa môi trường này trên diện rộng, mới thấy tác động quá kinh hoàng mà nó gây ra cho nhân dân. Formosa cố chối tội là phải, vì tội này quá nặng. Trong hoàn cảnh ấy, sự minh bạch của chính phủ là điều đầu tiên mà người dân yêu cầu, trước khi yêu cầu những giải pháp khắc phục.
Sau ba tháng điều tra chặt chẽ, “bắt tận tay day tận trán” Formosa, chính phủ đã chính thức công bố nguyên nhân thảm họa cá chết ở 4 tỉnh miển Trung. Tôi cho đây là một thắng lợi lớn, nó như một trận đánh mở màn của chiến dịch làm sạch môi trường, vì sự sống của nhân dân. Người dân tin vào chính phủ từ sự minh bạch này. Nhưng người dân cũng đòi hỏi sự không khoan nhượng trong bảo vệ môi trường, đi kèm với những thiết chế hợp lý và hữu hiệu.
Phải truy tìm cho ra nguyên nhân từ đâu Formosa dám làm liều như vậy? Cá nhân hay cơ quan nào đã buông lỏng quản lý, đã “tư túi” những gì khi cho Formosa thay vì xả thải ra sông Quyền, lại xả thải thẳng ra biển. Và với đường ống ngầm “bí mật” dưới đáy biển?
Cũng đừng nói chuyện “đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại” khi nói về khả năng truy cứu trách nhiệm hình sự của Formosa. Việc bồi thường tiền là chuyện đương nhiên, còn việc bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật là chuyện đương nhiên nữa. Sự minh bạch của chính phủ ở đây thể hiện qua tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: không đánh đổi phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Và: sai phạm tới đâu xử lý nghiêm tới đó, không bao che cho bất cứ ai.
Người dân đang trông chờ chính phủ thể hiện sự minh bạch này trong những bước tiếp sau. Vì xử vụ đầu độc biển này không thể kết thúc trong thời gian ngắn, và nếu không theo quyết liệt tới cùng, thủ phạm Formosa sẽ tìm nhiều cách để làm giảm thiểu tội lỗi của mình, và những cam kết của họ sẽ được thực hiện nửa vời. Cái này thì không phải “bức cung” Formosa hay chủ đầu tư nào, mà là thực trạng đã và đang xảy ra tại Việt Nam.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã nhắc nhở về sự chậm trễ khi vào cuộc điều tra vụ cá chết, cũng nhắc nhở cần minh bạch và làm rõ tới cùng quyết tâm bảo vệ môi trường của chính phủ và các bộ, ngành, địa phương liên quan. Điều đó thể hiện sự minh bạch của chính phủ, yêu cầu cấp dưới phải tuyệt đối tuân thủ. Người dân chỉ tin khi nhìn vào kết quả những công việc, những nỗ lực khắc phục thảm họa này. Tất cả là vì cuộc sống của mọi người dân Việt Nam, không trừ bất cứ ai.
Thanh Thảo