Formosa đã nhận trách nhiệm và cam kết bồi thường cho người dân bị thiệt hại (500 triệu USD), nhưng phía sau đó lại là câu chuyện có tầm quan trọng lớn hơn rất nhiều: đâu là nguyên nhân sâu xa của thảm họa môi trường được xem là tồi tệ nhất từ trước đến nay?

Từ câu chuyện Formosa: phải xem lại chính sách thu hút FDI!

Nhàn Đàm | 03/07/2016, 11:22

Formosa đã nhận trách nhiệm và cam kết bồi thường cho người dân bị thiệt hại (500 triệu USD), nhưng phía sau đó lại là câu chuyện có tầm quan trọng lớn hơn rất nhiều: đâu là nguyên nhân sâu xa của thảm họa môi trường được xem là tồi tệ nhất từ trước đến nay?

Có phải ngẫu nhiên khi hầu hết các vụ ô nhiễm môi trường có quy mô lớn nhất Việt Nam đều liên quan đến các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)? Và có nên chấp nhận loại bỏ ngay từ đầu các dự án FDI có nguy cơ cao về môi trường như Formosa không?

Một điều đáng lưu ý nhất phía sau câu chuyện Formosa Hà Tĩnh thừa nhận sai phạm và chịu trách nhiệm về hiện tượng cá chết hàng loạt và ô nhiễm vùng biển 4 tỉnh miền Trung Việt Nam, đồng thời chấp nhận mức bồi thường 500 triệu USD (tương đương 11.500 tỷ đồng), đó là: không có một quy định cụ thể nào buộc Formosa phải xử lý toàn bộ ô nhiễm mà tập đoàn này đã gây ra tại vùng biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, cũng như không có bất cứ một chế tài nào được nêu ra khi kiểm tra công đoạn xử lý ô nhiễm môi trường biển này.

Số tiền 500 triệu USD bồi thường của Formosa, về danh nghĩa là dùng để bồi thường kinh tế trực tiếp cho người dân ở những vùng bị ảnh hưởng. Theo phát biểu chính thức của bộ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà, thì con số 500 triệu USD được tính toán dựa trên cơ sở bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân chịu tác động từ ô nhiễm mà thôi. Nói cách khác, con số 500 triệu USD này chưa bao gồm chi phí xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường biển do sự xả thải của Formosa gây ra.

Điều này có nghĩa là yếu tố xử lý hậu quả ô nhiễm môi trường dường như đang được đặt xuống vị trí thứ yếu trong việc buộc các doanh nghiệp gây ô nhiễm bồi thường thiệt hại. Và điều đáng buồn là tình trạng này dường như đang xảy ra với hầu hết các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Không phải là ngẫu nhiên khi hầu hết các doanh nghiệp bị điểm mặt, chỉ tên thuộc diện đã gây ra hoặc đang có nguy cơ gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường trên quy mô lớn nhất tại Việt Nam đều là các doanh nghiệp FDI.

Ngoài Formosa đã được chỉ đích danh là thủ phạm gây ô nhiễm biển miền Trung, thì một tên tuổi khác cũng đang ngấp nghé theo chân Formosa là Lee&Man với cụm nhà máy giấy đang được cảnh báo gây ô nhiễm nghiêm trọng cho sông Hậu ở phía Nam. Liệu đây có phải là hai trường hợp cá biệt trong số các dự án FDI đầu tư vào Việt Nam, hay đây chỉ là hai ví dụ điển hình cho hàng loạt các sai phạm cố ý về mặt môi trường của các dự án FDI tại nước ta?

Câu trả lời, e rằng lại thuộc về đáp án số hai. Sai phạm về môi trường của Formosa mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, dù phần nổi này cũng đã rất khủng khiếp.

Theo thống kê chính thức, trong số các dự án FDI đầu tư vào Việt Nam từ trước tới nay, chỉ có khoảng 5% số dự án là thuộc diện công nghệ cao và đi kèm với nó là hệ thống xử lý chất thải đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường, 95% số dự án còn lại có công nghệ thuộc diện trung bình và công nghệ thấp, đồng nghĩa với việc có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức rất cao. Với năng lực hữu hạn trong vấn đề quản lý môi trường của Việt Nam, tỷ lệ cao các dự án FDI có tác động xấu đến môi trường như vậy đồng nghĩa với việc môi trường của Việt Nam luôn bị đặt trong hoàn cảnh bị đe dọa.

Điều đáng nói nhất ở đây là, Việt Nam không chỉ có năng lực hữu hạn trong vấn đề quản lý môi trường trong khi lại tìm cách thu hút đầu tư FDI ồ ạt bằng mọi giá, mà dường như chúng ta còn chủ động thả lỏng kiểm soát vấn đề môi trường như một cách tạo lợi thế trong thu hút đầu tư.

Theo bà Trần Thanh Thủy, thuộc Trung tâm Con người và Thiên nhiên, số liệu đánh giá về tình hình tuân thủ chính sách pháp luật bảo vệ môi trường do trường đại học Kinh tế quốc dân thực hiện trong năm 2015, cho thấy có 60% tổng số các doanh nghiệp FDI xả thải vượt quy chuẩn (trong đó có 23% số doanh nghiệp FDI vượt xả quy chuẩn cho phép từ 5-12 lần), và có tới gần 70% các doanh nghiệp FDI cho biết đầu tư vào Việt Nam sẽ tiết kiệm chi phí về môi trường từ 10-50% chi phí so với đầu tư ở nước họ.

Nói cách khác, dù không thừa nhận, nhưng với những số liệu thống kê này thì tất cả chúng ta đều hiểu rằng: Việt Nam đang phát triển một phần lớn là dựa vào sự đánh đổi về mặt môi trường. Đó là một sự thật cay đắng, và được chính những doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam đầu tư thừa nhận.

Câu chuyện xả thải gây ô nhiễm môi trường của Formosa, nếu đặt trong bối cảnh chung trong đó phần lớn các doanh nghiệp FDI có xu hướng xả thải trái phép gấp nhiều lần ra môi trường, rõ ràng không phải là một trường hợp cá biệt. Đó là hệ quả tất yếu của chính sách sai lầm trong đó chúng ta tìm cách thu hút FDI bằng mọi giá trong khi năng lực quản lý môi trường lại rất hữu hạn. Và chắc chắn rằng cái giá phải trả cho sai lầm này sẽ không dừng lại ở đây, khi câu chuyện nhà máy giấy Lee&Man bị coi là có thể bức tử sông Hậu có khả năng là một Formosa thứ hai trong thời gian tới.

Không có gì khó khăn để dự đoán được điều này khi mà trong vòng 10 năm qua là thời gian mà Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Chỉ cần nhìn qua số liệu thống kê xuất nhập khẩu trong vòng 10 năm trở lại đây là đủ để thấy quy mô của khu vực FDI trong nền kinh tế Việt Nam đã bành trướng nhanh như thế nào, khi mà vào năm 2005 khu vực FDI mới chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, thì đến năm 2015 nó đã tăng lên hơn 70% - một tốc độ gần gấp đôi khoảng thời gian trước năm 2005.

Đó là chưa kể việc hàng loạt các doanh nghiệp FDI thuộc các lĩnh vực gây nguy hiểm đến môi trường đang dồn dập vào Việt Nam để đón đầu các hiệp định thương mại như TPP. Hơn 70% xuất khẩu của đất nước thuộc về khu vực FDI, nhưng những gì mà Việt Nam nhận được chỉ là tình trạng thâm dụng lao động gia công đơn giản, và những hệ quả khôn lường về mặt môi trường.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, hiện mỗi năm Việt Nam chịu ảnh hưởng từ ô nhiễm môi trường tương đương 2,5% GDP, còn theo số liệu thống kê của Ngân hàng thế giới (WB) thì tổng thiệt hại mà Việt Nam phải chịu về môi trường mỗi năm đã lên tới 5% GDP, nghĩa là chỉ riêng năm 2015 đã lên tới 10 tỷ USD, lớn hơn con số dải ngân của bất cứ dự án FDI nào ở Việt Nam từ trước tới nay.

Sau sự việc Formosa lần này, đã đến lúc các nhà làm chính sách cần xem xét lại chính sách phát triển kinh tế và chính sách thu hút FDI của mình. Chỉ một mình dự án của Formosa ở Hà Tĩnh đã đủ sức gây ô nhiễm biển của 4 tỉnh miền Trung (trước khi bị phát hiện và chặn lại), thì chẳng ai dám chắc điều gì có thể xảy ra nếu chúng ta tiếp tục lỏng tay với các dự án FDI khác như đã làm với Formosa.

Nhàn Đàm (theo The Saigon Times, CafeF)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ câu chuyện Formosa: phải xem lại chính sách thu hút FDI!