Bài Di tích Huế bán sách giá cắt cổ (Thái Lộc. Tuổi Trẻ, 10.8.2016) cho biết giá sách trong khu di tích Đại Nội bán rất mắc so với bên ngoài. Nếu xem giá vài cuốn sách như cuốn Viet Nam a long history hay cuốn Stories of the Nguyễn dynasty’s kings, chúng ta sẽ thấy giá bán trong Đại Nội cao hơn giá bán bên ngoài khoảng 200%-300%!

Từ chuyện di tích Huế bán sách giá cắt cổ

16/08/2016, 07:41

Bài Di tích Huế bán sách giá cắt cổ (Thái Lộc. Tuổi Trẻ, 10.8.2016) cho biết giá sách trong khu di tích Đại Nội bán rất mắc so với bên ngoài. Nếu xem giá vài cuốn sách như cuốn Viet Nam a long history hay cuốn Stories of the Nguyễn dynasty’s kings, chúng ta sẽ thấy giá bán trong Đại Nội cao hơn giá bán bên ngoài khoảng 200%-300%!

Ngành du lịch Huế, khi định giá bán sách, đã phạm vào lỗi chết người (fatal error). Tôi dùng chữ “chết người” có nghĩa là lỗi này tai hại tới mức có thể gây hậu quả lớn và rất khó sửa chữa.

Về nguyên tắc, khi định giá, trên một vùng địa lý thì giá không được chênh lệch nếu không có giá trị gia tăng. Khách hàng ai cũng hiểu người bán phải có lời, nhưng việc kiếm lời đó phải tuân theo ít nhất 2 lý lẽ:
a) Phần lời tương ứng hợp lý với giá trị gia tăng của món hàng. Hợp lý nghĩa là ở trong mức bình thường khi so sánh với hàng hóa cùng loại được bán bởi đối thủ cạnh tranh.
b) Phải tạo cho khách hàng cảm nhận là được tôn trọng và được phục vụ chu đáo.
Một quyển sách mang từ ngoài phố vào Đại Nội mà giá bán tăng gấp 2 hay gấp 3 lần thì chắc chắn không thể đáp ứng được 2 lý lẽ trên.

Hơn nữa, đây là một hàng hóa văn hóa, được bày bán trong một môi trường văn hóa. Du khách (khách hàng) sau khi mua hàng, sẽ không khó có cơ hội so sánh giá cả giữa trong và ngoài Đại Nội. Nhất là lại có những quyền sách mà giá in bìa là 50.000 VNĐ được dán chồng lên một mẫu giấy nhỏ ghi giá 150.000 VNĐ! Một người biết thì trăm người biết. Họ sẽ cảm thấy bị lừa gạt. Chú ý rằng tôi không nói cơ quan quản lý Khu di tích lừa gạt, chỉ nói du khách cảm nhận bị lừa gạt. Cảm giác bị lừa gạt thật không dễ chịu, nhưng người ta dễ bỏ qua nếu bị lừa gạt ngoài chợ phiên náo nhiệt. Còn bị lừa gạt khi mua một món hàng văn hóa, trong một môi trường văn hóa, với tâm trạng đang muốn học hỏi về nền văn hóa địa phương; bị lừa gạt bởi chính những viên chức của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, các anh chị tưởng tượng sự thất vọng và chán chường thấm sâu vào lòng du khách như thế nào!

Tóm lại, có thể nói cách kinh doanh của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế có lỗi lớn, cả về mặt chuyên môn bán hàng, mặt tiếp thị lẫn mặt trung thực, đạo đức.

“Cũng trong chiều 9-8, khi hỏi về sự việc trên, ông Phan Thanh Hải - giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - cho biết “sẽ cho kiểm tra ngay và trả lời (sau)!”(Trích)

Có thể rút ra bài học gì ở đây?

1) Thói quen của quan chức, viên chức nhà nước không coi trọng nhà báo, không coi trọng công chúng, đã ngấm quá sâu vào tâm thức của họ, và quá rộng, vì đi đâu cũng dễ gặp cách trả lời “sẽ cho kiểm tra ngay và trả lời”. Đó là cách trả lời cho qua, trả lời để không trả lời. Các anh chị có nghĩ rằng ông giám đốc không biết việc này không?

2) Như đã phân tích ở trên, lỗi này là lỗi “chết người”, vì nó thuộc về mặt chuyên môn bán hàng, mặt tiếp thị lẫn mặt trung thực, đạo đức.
Một lỗi như vậy, lồ lộ và công nhiên xảy ra trước mọi khách hàng, lỗi đó chỉ có thể xảy ra khi Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế không được lãnh đạo và quản lý thích hợp về mặt này.

Nếu có lãnh đạo tốt, lãnh đạo phải xác định rõ ràng các sứ mạng và các giá trị cốt lõi của cơ quan và làm cho nhân viên thấm nhuần. Nếu sứ mạng của một cơ quan như Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế là trình bày cho du khách biết và hiểu về thủ phủ của nước Việt Nam độc lập, thống nhất trướckhi Pháp thiết lập nền đô hộ, giới thiệu cho họ văn hóa, tập tục, đời sống kinh tế và tinh thần của đất Thần kinh và Hoàng thành, thu hút lòng kính trọng và yêu mến của du khách... thì chắc không có việc bán sách giá “cắt cổ”. Nếu trong các giá trị cốt lõi có lòng trung thực, tôn trọng du khách, cách ứng xử văn minh lịch sự… thì chắc không có những sự việc gây phản cảm cho du khách và khiến họ mất cảm tình lâu dài với chúng ta…

Qua việc phân tích này, tôi muốn mời bạn đọc phóng tầm mắt xa hơn. Đó là hình như trên nhiều sự việc, nhiều khía cạnh, đất nước ta có nhiều nhà chính trị màthiếu nhà kỹ trị. Ngay cả trong nhiều lãnh vực cần được quản lý chuyên môn để vận hành guồng máy xã hội trơn tru, thì tính kỹ trị cũng chưa đủ!

Tôi nghĩ, nếu đất nước có sự cân bằng hơn trong việc lãnh đạo chính trị với lãnh đạo nghiệp vụ chuyên môn, hẳn chúng ta đã không có những sự việc như Formosa Hà Tĩnh, các đại án tham nhũng, việc bổ nhiệm người bất xứng vào vị trí then chốt… quá phung phí nguồn lực đất nước.

Vậy nên làm gì? Thời đại hiện nay kiến thức và kinh nghiệm không thiếu. Vấn đề là cần một quyết tâm chính trị (volonté politique) đưa đất nước vào một nền kỹ trị hiệu quả. Có quyết tâm đó rồi thì mọi việc khác chỉ còn là phương tiện. Dân ta sẽ khắc biết cách làm cho nước ta giàu mạnh!

Lê Học Lãnh Vân/DUYÊN DÁNG VIỆT NAM (số 31)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tri ân những người làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ
5 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ chuyện di tích Huế bán sách giá cắt cổ