Suốt hai tháng vừa qua, báo chí đã tốn nhiều công sức để mổ xẻ sự bất thường về công tác cán bộ ở Bộ Công thương dưới triều của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, người cũng nắm cả cương vị Bí thư Ban Cán sự Đảng của bộ. Nếu đi sâu tìm hiểu, cũng chẳng cần điều tra đầy đủ hết các trường hợp mà ông đã chỉ đạo hoặc trực tiếp ký bổ nhiệm cán bộ ở bộ này thì cũng đã thấy rõ một điều, nó có "mùi tiêu cực" khá rõ.
Chắc không có gì là vô tình khi Bộ Công thương cho biết tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2016 rằng bộ vừa tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch lãnh đạo các đơn vị thuộc bộ giai đoạn 2016 - 2021; tập trung xử lý tốt công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất để công tác tại các đơn vị thuộc bộ cũng như đội ngũ cán bộ công tác tại các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
"Nguyên tắc dân chủ, công khai nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, có trình độ, có kỷ cương, lấy nhân dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ và coi trọng tương tác với doanh nghiệp và người dân”, báo cáo của Bộ Công thương nhấn mạnh như vậy. Nhưng cũng chẳng vô tình, khi đánh giá về công tác nhân sự của Bộ Công thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn chỉ ra rằng, công tác cán bộ tại bộ còn nhiều bất cập, tạo dư luận không tốt, gây ảnh hưởng tới uy tín của ngành.
Bộ máy cán bộ của Bộ Công thương cồng kềnh và cần phải tái cơ cấu. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu bộ tái cơ cấu ngay bộ máy lên tới hàng vạn người từ 30 cục, vụ, 10 trường đại học, 22 trường cao đẳng, 11 tập đoàn, tổng công ty...
Tôi sẽ không phân tích thêm vụ con trai cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng được một lãnh đạo bộ "ký thay Bộ trưởng" cử tham gia Hội đồng quản trị Sabeco (Tổng công ty Rượu, bia, nước giải khát Sài Gòn) để rồi được cất nhắc lên làm Phó tổng giám đốc khi anh ta mới 28 tuổi, sau một thời gian đi nơi nọ nơi kia theo lối "tráng men" cho "đúng quy trình". Tiếc rằng nó vẫn lộ ra "gót chân Asin" trong nội vụ này do chưa đúng quy định của luật Công chức đã quy định. Trong trường hợp này, người được bổ nhiệm, Vũ Quang Hải sẽ không phải "chạy" một ai trong bộ bởi vì anh ta chính là con trai ông bộ trưởng.
Tôi từng nghe nhiều người nói về công tác nhân sự của Bộ Công thương từ nhiều năm nay. Muốn lên chức hoặc luân chuyển thì phải biết đến một thứ luật không thành văn, đó là "phải biết đi qua 5 chữ H", đó chính là chữ cái trong tên của những người có thực quyền, cũng như" hậu phương" của những người có thực quyền ở Bộ Công thương về công tác nhân sự.
Nếu điểm lại 2 ví dụ điển hình nhất trong việc đề bạt và luân chuyển cán bộ gần đây mà báo chí đã đề cập, chúng ta sẽ thấy rất rõ điều này .
Thứ nhất, đương nhiên là trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Nhiều người nói với tôi rằng, do ông Thanh quá xem nhẹ con mắt người dân ở Hậu Giang, do ông chủ quan trong suy nghĩ nên đi xe tư nhân, loại xe đắt tiền, lại gắn biển số xanh (xe công), nên mới ra nông nỗi này. Tôi thì cho rằng, có vậy thì Đảng và Quốc hội cùng các cơ quan có trách nhiệm mới phát hiện ra trong bộ máy lãnh đạo đã để lọt lưới những ông quan cách mạng. Họ đã và đang góp phần làm xói mòn lòng tin của dân, của Đảng do là đại diện của một lớp cán bộ cơ hội, kém tu dưỡng, công ít, tội nhiều nhưng chức tước thì thăng vù vù đến chóng mặt. Có lẽ cũng rất hy hữu mới có một nhân vật chạy chức điển hình như thế.
Chỉ trong 3 năm, ông Trịnh Xuân Thanh từ chỗ buộc phải rời khỏi cương vị Chủ tịch HĐQT của Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) do gây ra thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng để ra đi trong sự thở phào của chính ông (bởi không bị quy trách nhiệm). Ai ngờ đâu trong tình thế đó, năm 2013, ông Thanh lại được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng dang tay cứu vớt. Ông được đưa về làm Phó chánh Văn phòng Bộ Công thương, Trưởng đại diện Bộ tại Đà Nẵng. Chưa kịp ấm chỗ, năm 2014 ông quay về Hà Nội và tạm thời phụ trách công việc chung của Văn phòng Bộ Công thương. Năm 2015, ông Thanh được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ký quyết định làm Vụ trưởng, Thường trực Ban Đổi mới doanh nghiệp Bộ Công thương.
Thật là khôi hài cho Bộ Công thương, chẳng trách có nhiều ý kiến không hài lòng về 2 nhiệm kỳ làm bộ trưởng của ông Vũ Huy Hoàng bởi đó là giai đoạn mà Bộ Công thương chậm thực hiện cổ phần hoá nhất. Với năng lực của người tham mưu cho Bộ trưởng Hoàng, đồng thời còn là Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp như ông Trịnh Xuân Thanh thì công việc trên tiến triển mới là lạ. Có lẽ vì thấy không ổn do đặt nhầm chỗ, ông Thanh lại được Bí thư Ban cán sự Đảng Vũ Huy Hoàng đưa sang làm công tác Đảng của bộ với cương vị Vụ trưởng, Chánh văn phòng Ban cán sự Đảng Bộ Công thương.
Tôi không tài nào hiểu được vì sao trong từng đó năm, ông Vũ Huy Hoàng điều chuyển, bổ nhiệm, thăng chức cho ông Thanh nhiều như thế vì với thời gian đó, chỉ làm quen với việc mới đã là không thể.
Điều kỳ lạ thứ hai ở trường hợp này chính là ông Vũ Huy Hoàng đã "chuyển giao" Vụ trưởng Trịnh Xuân Thanh đi Hậu Giang kiểu như luân chuyển cán bộ nhưng lại không chính tắc, thậm chí còn có nhận xét rồi "sẽ quay về làm thứ trưởng"(!). Nhưng ông Thanh lại hoàn toàn không nằm trong diện luân chuyển giống như nhiều cán bộ khác đi luân chuyển, phải qua một khoá học cho cán bộ nguồn. Tất cả đều lách rất khéo, rất hoàn hảo và cũng rất nhanh về mặt thủ tục, nhất là từ khi Ban Tổ chức Trung ương ra văn bản đồng ý với đề nghị của các bộ Công thương, Nội vụ và địa phương (Hậu Giang) tiếp nhận...
Một trường hợp thứ hai nữa có thể cũng khá đặc biệt, rất điển hình cho việc thăng chức bất kể năng lực họ ra sao, đó là ông Vũ Đình Duy, người may mắn được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ký điều động sang một chức vụ khác vào đêm trước khi Quốc hội công bố Bộ Công thương có bộ trưởng mới. Tôi không rõ ở các bộ, ngành khác có như vậy hay không. Song theo tôi, đây chắc cũng là chuyện hy hữu.
Hai năm sau khi rời khỏi chức vụ TGĐ Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex), để lại dự án đối mặt với thua lỗ nặng và khoảng 2.000 tỉ đồng vốn chủ sở hữu gần như mất, ông Duy xuống làm Phó tổng giám đốc. Thế rồi, ông được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng "hiệp thương" đưa xuống Hải Phòng, gọi là "luân chuyển", làm Phó giám đốc Sở Công thương. Chuyện đã để lại nhiều xì xầm bàn tán ở nơi tiếp nhận cũng như nơi ra đi, vì có cảm giác như ông ta được tháo chạy khỏi nơi có nhiều rủi ro vì bế tắc và thua lỗ.
Trong thời gian khoảng nửa năm làm việc tại Sở Công thương Hải Phòng, ông Duy chưa kịp bộc lộ khả năng như lúc ông vừa về và được mọi người ca tụng thì tháng 6.2015, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lại ký quyết định bổ nhiệm ông Vũ Đình Duy về giữ chức Phó cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật và Môi trường công nghiệp trong sự ấm ức của cả ban lãnh đạo cục này (vì đã đủ 3 cục phó như quy định).
Được biết, dù đã bị cục này phản ứng quyết liệt nhưng do Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ép đưa ông Duy về bằng được nên cục đành cay đắng tiếp nhận để ông ta làm cục phó tuy công việc thì chẳng có mấy để có thể phân công. Và đúng như ông Duy “làm công tác tư tưởng” với lãnh đạo cục lúc về hầu vơi đi sự bức xúc rằng ông về đây cũng chỉ là “quá độ rồi sẽ đi sớm”, đúng 11 tháng sau, ông Vũ Huy Hoàng đã ký Quyết định số 1369/QĐ-BCT điều động và bổ nhiệm ông Vũ Đình Duy sang giữ chức Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam kể từ ngày 8.4.2016. Như trên vừa đề cập, quyết định điều động và bổ nhiệm cán bộ này được ông Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng "ký vét" đúng một ngày trước khi Bộ Công thương có bộ trưởng mới (ông Trần Tuấn Anh chính thức trở thành tân Bộ trưởng Bộ Công thương sau khi được Quốc hội phê chuẩn sáng ngày 9.4).
Như vậy, chỉ trong 26 tháng, ông Vũ Đình Duy đã được ông Vũ Huy Hoàng ưu ái chuyển công tác xoành xoạch như ý muốn qua 3 nơi. Quá kỳ lạ và không hiểu ông bộ trưởng làm quy hoạch nhân sự kiểu gì với các trường hợp như Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đình Duy?
Tôi tin rằng ở Bộ Công thương rất có thể sẽ còn không ít những "đồng chí đang ở trong đống rơm" được bổ nhiệm tương tự nhưng chưa bị lộ mà thôi.
Thế mới thấy, hoá ra chuyện ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ, từng bổ nhiệm khoảng 60 cán bộ cấp cục, vụ trong những tháng gần ngày ông hết nhiệm kỳ công tác khoảng đầu năm 2011 chẳng đáng gì nếu so với chuyện ông Vũ Huy Hoàng ký quyết định cho ông Duy như vừa nêu.
Dư luận có thể suy đoán, trong những quyết định nhân sự tương tự như trường hợp 2 nhân vật nói trên khi họ qua hết chức nọ đến chứ kia thì làm sao họ làm tốt công việc? Không lẽ tất cả những vị trí mà họ trải qua (ông Thanh: 3 năm/4 chức; ông Duy: 2 năm/3 chức) chỉ là những trạm trú chân chờ bến đậu mới ngon lành, béo bở hơn đã được họ và ông thầy của họ sắp đặt trước, chờ cơ hội đến là tiến tới? Và liệu đây có thể xem là điển hình của việc chạy chức, chạy nơi béo bở để trục lợi. Đương nhiên, để làm được thì phải có người đầy quyền lực đứng sau lưng họ. Không lẽ những người đứng sau lưng những điển hình chạy chức này chỉ "vô tư" vì đất nước và không nhuốm "mùi tiêu cực"?
Từ những câu chuyện này cho thấy điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lo lắng ở Bộ Công thương là đúng. Rất cần phải có một cuộc đại phẫu ở bộ này, trong đó có bộ máy làm công tác quy hoạch cán bộ. Nếu không như vậy thì thật tai hại cho đất nước bởi được biết, cái bộ khổng lồ này chiếm khoảng hơn 2/3 tổng thu ngân sách mỗi năm. Bởi vậy, nếu người giỏi thực sự không được sử dụng mà chỉ dùng người giỏi chạy chọt, luồn cúi, xu nịnh thì sẽ tai hại vô cùng cho nền kinh tế, cho đất nước.
Quốc Phong