Tầm này năm ngoái, khi góp ý dự thảo Luật về Hội tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề cập tới thực trạng các thứ trưởng cứ về hưu là ra làm chủ tịch hiệp hội, xin thành lập hội, rồi xin nhà, xin xe, thậm chí xin cả… biên chế.

Từ Hội phụ huynh đến những… hội ‘vô thưởng vô phạt’

30/09/2017, 06:01

Tầm này năm ngoái, khi góp ý dự thảo Luật về Hội tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề cập tới thực trạng các thứ trưởng cứ về hưu là ra làm chủ tịch hiệp hội, xin thành lập hội, rồi xin nhà, xin xe, thậm chí xin cả… biên chế.

Hội phụ huynh đang là chủ đề được bàn tán

Do vậy, theo bà, “cần phải giữ nguyên tắc Nhà nước giao nhiệm vụ cụ thể và sẽ hỗ trợ tiền, chứ không phải thành lập hội rồi là cứ xin”. Trong khi đó, dưới góc nhìn của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, thực trạng này còn có một mối nguy khác, đó là tình thế “vừa đá bóng vừa thổi còi” - lợi dụng ảnh hưởng trong lĩnh vực mình tham gia phụ trách để… vụ lợi. Giải pháp mà ông đưa ra là luật nên quy định “cán bộ, công chức lãnh đạo từ cấp vụ trở lên, sau 5 năm nghỉ hưu mới được tham gia thành lập, sáng lập, ban lãnh đạo của hội”.

Hai cách đặt vấn đề nói trên rất sát sườn với thực tế đời sống hội, gắn với thời sự ngân sách, nợ công đang căng thẳng, cũng như vấn nạn tham nhũng, lũng đoạn chính sách, lợi ích nhóm, tư bản thân hữu hiện nay. Và, như nội dung cuộc họp UBTVQH nói trên, rõ ràng không phải không có giải pháp. Song, đó cũng mới chỉ là vấn đề và giải pháp để ngăn ngừa những mặt tiêu cực phát sinh từ trong chính mối quan hệ hữu cơ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, nguyên cán bộ, công chức và các hiệp hội, các hội hiện nay.

Đề bài lớn nhất, mong mỏi lớn nhất của xã hội đối với Luật về Hội là một hành lang pháp lý để các tổ chức xã hội có thể vận hành đúng với tính chất “hội” độc lập, đại diện cho hội viên của nó, chứ không phải là cánh tay nối dài của các cơ quan quản lý nhà nước. Không chỉ vì bản thân “cơ thể” bộ máy nhà nước đã rất cồng kềnh, hao tốn “cơm gạo” - ngân sách rồi, mà còn vì như một tất yếu, cánh tay thuộc về cơ thể, bị điều khiển bởi bộ não của cơ thể.

Sự trưởng thành, hoạt động hiệu quả của các hiệp hội, hội không chỉ là nhu cầu tự thân của các tổ chức này, mà cũng cần được nhìn nhận là nhu cầu của chính Nhà nước, để tạo ra thế chân kiềng tương hỗ cho mục tiêu phát triển bền vững: Nhà nước, kinh tế thị trường và tổ chức xã hội. Thiếu hay yếu chân kiềng tổ chức xã hội, những “khuyết tật” của hai chân kiềng kia sẽ không được sửa chữa hay thậm chí có nguy cơ khuếch đại. Ngoài ra, vẫn có những vùng đất mà bản thân Nhà nước hay nền kinh tế thị trường không với tới được. Thực tế hoạt động của một số tổ chức hội, hình thái hội, dù mới trong giai đoạn thai nghén, từ việc góp ý, phản biện chính sách đến việc tổ chức các hoạt động thiện nguyện, sinh hoạt cộng đồng…, cũng đã thể hiện tác động “điều chỉnh” tích cực.

Dự thảo Luật về Hội đã được nâng lên đặt xuống rất nhiều lần trong hàng chục năm qua, trong sự sốt ruột của xã hội và không ít nhà lập pháp cảm thấy đó là “món nợ” chưa trả được của họ. Nếu Luật về Hội đã được ra đời trên tinh thần nói trên, có lẽ/hy vọng những chuyện mới đây, như Hiệp hội Doanh nghiệp dược vì “run”, “ngại va chạm” nên không dám dự cuộc họp giữa Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế về những khó khăn trong việc thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành, đã không diễn ra. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - người chủ trì cuộc họp trên đã phải ngậm ngùi: “Thôi thì đừng đại diện cho các doanh nghiệp dược nữa. Sinh ra một hiệp hội mà không có giá trị gì”.

Ở một thái cực khác, có lẽ, cũng sẽ không diễn ra việc Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt bút ký văn bản yêu cầu Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng “xử lý” ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng - về phát ngôn của ông tại một buổi tọa đàm phát triển du lịch ở bán đảo Sơn Trà vì …“chủ quan”, để rồi sau đó phải đăng đàn xin lỗi. Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cũng từng có hành động tương tự: Can thiệp vào quy trình nêu kiến nghị của nội bộ hiệp hội này về việc bảo vệ Sơn Trà.

Hiệp hội không phải là cấp dưới của Bộ hay Sở, vì sao lại có sự “nhầm vai” này? Phải chăng vì sự “nhầm vai” này mà Hiệp hội Doanh nghiệp dược hay nhiều hiệp hội khác mới “run”, “ngại va chạm”? Gậy ông có đập lưng ông trong câu chuyện chính sách về hội, khi mà đến một lúc nào đó, cơ quan quản lý nhà nước có muốn nghe những lời nói thật từ bên ngoài để điều chỉnh bộ máy, chính sách cũng không nghe được?

Nếu có Luật về Hội như vậy, mặc dù có thể luật không điều chỉnh loại hình hội phụ huynh nhưng trên tinh thần của luật, có lẽ “vấn đề” hội phụ huynh (Ban đại diện cha mẹ học sinh) hiện nay không đến nỗi không tự có cách giải quyết, thay vì phụ huynh phải viết tâm thư cho Thủ tướng đề xuất dẹp hội phụ huynh để chống lạm thu hay chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo “nghiên cứu bỏ quy định hội cha mẹ học sinh thu tiền để không có tình trạng lách luật khi lạm thu” như lời hứa của một Thứ trưởng bộ này.

Khi đó, có lẽ Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không cần thiết phải ra văn bản hành chính - Thông 55/2011/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh - để điều chỉnh hoạt động của một hình thức tổ chức hội. Bởi lẽ, với tính chất đại diện cha mẹ học sinh ở quy mô nhỏ một lớp hay một trường, tùy đặc thù của mỗi lớp hay trường, mỗi hội phụ huynh có thể có những “điều lệ” của riêng mình với điều kiện tuân thủ tính “đại diện” và “tự nguyện” đặc trưng của tổ chức hội. Ban đại diện cha mẹ học sinh nào tự biến mình thành cánh tay nối dài của nhà trường để lạm thu thì các thành viên của hội phụ huynh có thể bầu ra ban đại diện khác, hoặc bản thân phụ huynh có thể không nộp tiền. Tin rằng khi được trả về với đúng bản chất hội, hoạt động của các hội phụ huynh sẽ có chuyển biến, mặt trái của nó sẽ bị khắc chế.

Hy vọng những ví dụ sinh động của đời sống hội thời gian qua sẽ là cơ sở thực tiễn để các nhà lập pháp soạn thảo một luật về hội đáp ứng sự kỳ vọng của dân chúng và đó mới chính là cánh tay hỗ trợ đắc lực cho Nhà nước, từ bên ngoài Nhà nước.

Nguyên Lê

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lời giải bài toán thiếu nhân lực số tại Việt Nam
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Số lượng nhân sự về công nghệ số mà các công ty tại Việt Nam còn thiếu hằng năm khoảng 170.000 người. Giải pháp nào để tháo gỡ thực trạng này?
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ Hội phụ huynh đến những… hội ‘vô thưởng vô phạt’