Từ nay cho tới hết năm 2020, trên khu vực Biển Đông có thể xuất hiện 6 - 8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), trong đó có 4 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở Trung Bộ và khu vực phía nam.

Từ nay đến cuối năm sẽ có 6 - 8 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông

VGP News | 15/09/2020, 05:20

Từ nay cho tới hết năm 2020, trên khu vực Biển Đông có thể xuất hiện 6 - 8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), trong đó có 4 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở Trung Bộ và khu vực phía nam.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, dưới tác động của hiện tượng La Nina, nên thời tiết ở nước ta sẽ có những diễn biến khá phức tạp.

Thông thường, trong các năm La Nina, không khí lạnh có xu hướng hoạt động sớm, nhiệt độ trung bình ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nhiều hơn so với bình thường và mùa bão thường kéo dài về những tháng cuối năm. Mưa có xu hướng gia tăng hơn so với TBNN ở miền Trung và khu vực phía nam. Đáng lưu ý, Tây Nguyên và Nam Bộ trong thời kỳ mùa khô khi chịu tác động của La Nina thường xuất hiện nhiều mưa trái mùa hơn.

Dự báo, từ nay tới hết năm 2020, trên khu vực Biển Đông có thể xuất hiện 6 - 8 cơn bão và ATNĐ, trong đó có 4 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở Trung Bộ và khu vực phía nam. Riêng nửa cuối tháng 9, có khả năng cao Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ chịu ảnh hưởng 1 cơn ATNĐ/bão.

Cả nước cần tiếp tục đề phòng khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá, đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa tháng 10 và tháng 11; gió mạnh trên biển do tác động gió mùa Tây Nam vào tháng 9 ở vùng biển phía nam Biển Đông; gió Đông Bắc trên khu vực phía bắc và giữa Biển Đông vào các tháng chính của mùa đông năm 2020-2021.

Cả nước cần đề phòng các đợt mưa lớn, đặc biệt lớn dồn dập và kéo dài ở Trung Bộ, đặc biệt là Trung và Nam Trung Bộ trong các tháng 10 và 11.

Trong những tháng mùa khô 2020-2021, tại Tây Nguyên và Nam Bộ nhiều khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa.

Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, nhiệt độ trung bình trên toàn quốc phân bố không đồng đều trong các tháng. Cụ thể, trong các tháng 10 và từ tháng 1 - 3.2021 phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ. Riêng tháng 11 và 12 nhiệt độ phổ biến thấp hơn so với TBNN từ 0,5-1 độ C.

Không khí lạnh có khả năng ảnh hưởng sớm, nền nhiệt trung bình mùa Đông năm 2020-2021 có xu hướng thấp hơn so với mùa đông năm 2019-2020.

Lũ lớn tập trung tại Trung Bộ vào cuối năm 2020

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, vào tháng 10 và 11 tới, trên các sông tại Trung và Nam Trung Bộ có khả năng xuất hiện từ 2 - 3 đợt lũ lớn.

Đỉnh lũ năm 2020, tại hạ lưu các sông chính ở Thanh Hóa, Nghệ An ở mức BĐ1 - BĐ2, các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận ở mức BĐ2 - BĐ3 và trên BĐ3. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.

Từ nửa cuối tháng 9 đến tháng 12, trên các sông ở Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 2 - 3 đợt lũ lớn.

Tổng lượng dòng chảy trong tháng 9 và 10 từ thượng nguồn sông Mekong về ĐBSCL ở mức thiếu hụt từ 20 - 35% so với TBNN và xấp xỉ năm 2019.

Đỉnh lũ năm 2020 ở đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng ở mức xấp xỉ BĐ1 và xuất hiện muộn vào khoảng giữa tháng 10. Khả năng xuất hiện lũ lớn là không nhiều, tuy nhiên nguy cơ lũ lên nhanh hơn bình thường do mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây tác động tiêu cực đến vùng ĐBSCL.

Trong các tháng đầu mùa khô 2020-2021, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ đến sớm hơn, gay gắt hơn nhiều so với TBNN, nhưng ít khả năng nghiêm trọng hơn mùa khô năm 2019-2020.

Với nhận định tình hình mưa, lũ năm 2020 có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ rất cao xuất hiện mưa, lũ lớn, các cấp chính quyền và người dân cần liên tục theo dõi, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn được phát đi từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cũng như trên phương tiện thông tin đại chúng để có được những phương án ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất những thiệt hai có thể do thiên tai, mưa lũ gây ra.

P.V
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ nay đến cuối năm sẽ có 6 - 8 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông