Tấm lòng đồng bào đối với nhau như sông đầy nước chảy tự ngàn năm. Khi hoạn nạn nó vẫn còn đủ mạnh tạo nên làn sóng tốt đẹp lay động và thúc đẩy xã hội.
1) Tôi cảm động, yêu quí và trân trọng việc các cá nhân, cửa hàng phát miễn phí khẩu trang phòng dịch trong những ngày đất nước bị đe dọa bởi dịch cúm Vũ Hán. Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn đều có hoạt động này.
Tôi nhớ những ngày bão lụt, thất mùa xưa kia, người giàu có mở kho lúa trợ giúp nông dân, chính quyền xuất kho phát chẩn. Tôi nhớ năm đói Ất Dậu, thanh niên ồ ạt kéo nhau chở lúa gạo từ Miền Nam ra cứu trợ người sắp chết đói Miền Bắc…
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng…
Tấm lòng đồng bào đối với nhau như sông đầy nước chảy tự ngàn năm. Khi hoạn nạn nó vẫn còn đủ mạnh tạo nên làn sóng tốt đẹp lay động và thúc đẩy xã hội.
2) Mấy chục năm gần đây, trong xã hội có nhiều sự việc, hiện tượng không những không xiển dương tinh thần đùm bọc nhau, mà còn nêu gương xấu bóc lột, lợi dụng, thậm chí hôi của hay cướp bóc người đang bị nạn.
Xe chở bia lật đổ, người đi đường xúm lại hốt bia chở về nhà để mặc tài xế ôm mặt khóc! Tiền cứu trợ bão lụt hay hỗ trợ dân nghèo tuôn vào nhà người giàu có và có chức quyền, thân thế tại địa phương. Quan chức ăn chặn tiền trợ cấp người nghèo, trẻ em thiếu thốn…
Những việc như vậy có sức tàn phá ghê gớm lòng nhân ái, tinh thần chia sẻ, đùm bọc trong xã hội, mai một tình đồng bào… Nêu gương tốt là việc nên, phê phán việc xấu là việc nhiều khi còn nên hơn. Phê phán, đả phá việc xấu chính là bảo vệ việc tốt trong xã hội.
3) Xiển dương đức tính đùm bọc, sẻ chia là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Từ góc độ cộng đồng, chính quyền là người có trách nhiệm chính, vì đó là yêu cầu của dân chúng, người chủ của xã hội, đặt ra cho chính quyền.
Chính quyền cần nêu gương dẫn dắt xã hội. Khi xã hội phải đối phó với đe dọa đại dịch, chính quyền nên nêu vai trò phụng sự bằng cách hỗ trợ dịch vụ tư vấn miễn phí, lập các điểm phát khẩu trang miễn phí tại sân bay, lối vào chợ đông đúc…
Nếu chính quyền tiên phong làm những việc này, người dân sẽ cảm kích, cảm phục và noi theo. Những nhà kinh doanh khẩu trang hay những mặt hàng cần thiết khác dù muốn tăng giá cũng khó thực hiện. Như vậy không cần biện pháp hành chánh can thiệp mà e rằng không cẩn thận thì không đúng luật, qui luật thị trường cùng với sự tác động chủ động của chính quyền vẫn giữ xã hội bình ổn.
4) Trên các báo mạng, trang mạng xã hội, ngày càng nhiều những tấm gương đùm bọc được nêu lên.
Một số bài đăng khen ngợi người Sài Gòn, người Miền Nam. Sự khen ngợi là lời khích lệ đáng quí, nhưng một số status vượt qua bên kia lằn ranh khiến người đọc cảm nhận một sự so sánh đối nghịch với người ở vùng, miền khác của đất nước. Dù tác giả có chủ ý hay không thì bài viết cũng phảng phất hương vị kỳ thị. Môi trường sống càng có nhiều không khí kỳ thị càng giảm sút lòng tốt với nhau. Những bài viết mang tinh thần kỳ thị sẽ góp phần bóp chết dần đức tính đùm bọc sẻ chia mà nó đang ca ngợi.
Nghĩ xa xôi chợt chạnh lòng. Kỳ thị vùng miền. Kỳ thị đức tin. Kỳ thị thành phần, dân tộc. Kỳ thị khuynh hướng chính trị… Đó là những rào cản để tìm được mẫu số chung công dân, mẫu số chung đồng bào…
5) Trong cơn hoạn nạn, điều tốt chen điều xấu, tính ích kỷ chen tính vị tha… Hy vọng Việt Nam quản lý được dịch bệnh, không để bùng phát. Sau cơn gian nan chung, mong các thành phần dân tộc thông cảm và gần gũi nhau hơn, tình đồng bào được xiển dương lại, các cơ chế dân chủ được xác định hơn, tạo thành động lực phát triển mới.
Lê Học Lãnh Vân