Người Ma Coong quan niệm, nếu bố vợ và con rể, hoặc anh rể và em vợ cùng ăn chung một số con vật như: gà trắng, kỳ nhông, tắc kè, rắn... thì sẽ có sự chia rẽ.

Tục ăn uống kỳ lạ của người Ma Coong

Một Thế Giới | 12/02/2016, 08:04

Người Ma Coong quan niệm, nếu bố vợ và con rể, hoặc anh rể và em vợ cùng ăn chung một số con vật như: gà trắng, kỳ nhông, tắc kè, rắn... thì sẽ có sự chia rẽ.


Bỏ nhau vì chồng và bố vợ ăn chung một con rắn
Những mái nhà sàn của người Ma Coong (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) nằm heo hút giữa núi rừng. Nơi đây, có rất nhiều tập tục kỳ lạ được người dân lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Chúng tôi ghé thăm nhà anh Đinh Cu (SN 1978) ở bản Nịu, xã Thượng Trạch. Biết có khách đường xa tới, anh Cu đã chuẩn bị một mâm cơm để đãi khách. Mâm cơm gồm có xôi, thịt gà và một hũ rượu cần.
Trong bữa cơm, tôi thấy kỳ lạ vì người em vợ của anh Cu không hề đụng đũa đến đĩa thịt gà, mặc dù được chúng tôi mời lại.
nguoi Ma Coong
Mâm cơm và hũ rượu cần mời khách của người Ma Coong (Ảnh: Thủy Phan) 
Thấy tôi thắc mắc, già làng Đinh Mỳ giải thích: “Tục lệ ở đây như vậy, khi trong mâm cơm có những con vật như: gà trắng, gà rừng, gà cụt đuôi, kỳ nhông, tắc kè, rắn, chuột lồ ô, nhái, rùa thì bố vợ, anh (em trai vợ) và con rể; hoặc bố, anh chồng và con dâu không được ăn chung một con. 
Ví dụ, trong mâm cơm hôm nay chỉ có một con gà trắng, khi anh rể đã đụng đũa thì em vợ không được ăn nữa, và ngược lại. Còn nếu trong mâm cơm mà có hai con gà thì mỗi bên ăn một con, cứ không ăn chung một con là được”. 
Theo quan niệm của người Ma Coong, nếu bố vợ, anh hoặc em vợ và con rể... mà ăn chung những con vật đó thì sẽ mất tình cảm, xảy ra xích mích, không qua lại được với nhau nữa, thậm chí có trường hợp…chết.
Người dân kể lại rằng, cách đây mấy năm trước ở bản Cờ Đỏ, có đôi vợ chồng (người dân giấu tên) bỏ nhau chỉ vì bố vợ và anh con rể lỡ ăn chung một con rắn.
Không chỉ trong gia đình mà bạn bè thân thiết cũng không ăn chung thịt những con vật kể trên khi lần đầu tiên được mời về nhà chơi, nếu không sẽ bị sứt mẻ tình cảm. Chỉ lần đầu tiên, còn những lần sau thì không vấn đề gì.
Dù cuộc sống bà con rất khó khăn, đói kém nhưng không ai làm trái với phong tục này. Đối với bà con, phong tục này rất quan trọng, vì nó liên quan đến mối bất hòa giữa những người thân trong gia đình, nên kể cả những đứa trẻ con đều được người lớn truyền đạt và làm theo”, già làng Đinh Mỳ nói tiếp.
Khấn “Ma mót” khi khách đến chơi
Theo tiếng của người Ma Coong thì ông bà, tổ tiên mình được gọi là “Ma mót”. Khi trong nhà có việc gì, hay kể cả khi đãi khách, bà con đều báo cáo với “Ma mót” trước khi làm.
Quay lại chuyện mời khách ở nhà anh Đinh Cu, khi khách vừa vào ngồi ấm chỗ, anh Cu liền quay vào góc nhà bên phải khấn “Ma mót” để thông báo có khách đến chơi nhà. Ngoài việc báo cáo, chủ nhà còn xin cho con cháu và khách sức khỏe, công việc làm ăn thuận lợi. 
Khấn xong, chủ nhà mang rượu cần ra đặt giữa nhà để mời khách. Trên miệng hũ rượu có một cái que nhỏ.
Anh Nguyễn Trường Chinh, Phó chủ tịch UBND xã Thượng Trạch, người đi cùng chúng tôi hôm đó đã thay mặt đoàn nhận lời chúc, cảm ơn và chúc lại gia chủ rồi lấy que nhỏ bẻ gập lại, thả xuống chậu nước phía dưới hũ rượu. 
Sau thủ tục này, mọi người mới bắt đầu mời nhau uống rượu. Rượu một vòng, chủ nhà bưng lên một con gà luộc và một đĩa xôi chấm cheo (muối giã với ớt rừng) để đãi khách. 
Người Ma Coong cũng quan niệm rằng, con dâu trong nhà không được quay lưng vào trong nhà, nhất là nơi thờ khấn “Ma mót”. Kể cả khi quét nhà, họ cũng phải quay mặt về phía trong để quét, chứ không được quay lưng lại.
Cuộc sống của đồng bào Ma Coong còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Để có cái ăn, hàng ngày họ phải lên rừng hái lượm hay mò cua, bắt cá ở dưới khe suối. Tuy vậy, họ vẫn luôn giữ những phong tục như một nét riêng của cả đồng bào.
Theo Thủy Phan/GDVN
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long
41 phút trước Sự kiện
Sáng 19.1, Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, thành phố Hà Nội, và gần 100 đại biểu kiều bào thực hiện nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long để thành kính tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tục ăn uống kỳ lạ của người Ma Coong