Người dân thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh, địa bàn bao trọn Khu liên hiệp gang thép Formosa) đang xao xác nhiều tháng sau thảm họa môi trường. Thách thức ngày càng nhiều hơn, phức tạp lên thêm nên rất cần nhìn trực diện cầu thị, khách quan để đưa ra các giải pháp sát sườn…
Sau những ngày nằm bờ, một số ngư dân đã nổ máy tàu, nhúc nhắc ra khơi. Những con tàu mang theo nỗi giằng xé: Dù cá tôm không nhiều nhưng vẫn phải ra khơi vì nhớ biển bởi nếu không đi lấy chi sinh sống. Cá đánh về, gia đình ngư dân không ăn, bán cho khách hàng nhưng cầm đồng tiền mà thấy bất an…
Kẽo kẹt âu tàu
Âu tàu thôn Ba Đồng, phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh 7 giờ sáng, nhiều chiếc thuyền phủ bạt trắng chống nắng, xếp dọc trên cát. Dưới âu, những chiếc tàu lớn thả neo, dập dềnh, vài ngư phủ vẫn mắc võng ngủ nướng. Góc âu, lão ngư phủ Nguyễn Xuân Lợi lạch cạch đục đẽo, gia cố cho con thuyền làm bằng composite. “Cũng không biết khi mô đi biển lại. Rảnh, ra đây làm để giải khuây”- ông Lợi đáp lại lời chào của khách.
60 tuổi, da nhăn, rám nắng, ông Lợi có hơn 50 năm bám biển. Trước năm 2014, cả làng ông ở xã Kỳ Lợi, sau, nhường đất cho Formosa, lên Kỳ Phương này tái định cư, tiếp tục đi biển. “Khi nhà nước quyết làm dự án, dù không muốn xa quê cha đất tổ nhưng tôi vẫn chấp hành. Nhận 400m2đất và tiền đền bù lên đây xây nhà, bám biển một thời gian tạm ổn. Không ngờ, chừ khổ ra ri” – ông Lợi nói.
Từ chỗ chúng tôi ngồi, nhìn lên phía Bắc, các cột khói, nhà xưởng của Formosa hiện ra mồn một. Đầu tháng 4.2016, Formosa xả thải độc, dòng hải lưu dẫn các chất độc từ nhà máy vào phía Nam, làng chài Ba Đồng này là nơi hứng chịu đầu tiên. “Ngày nớ, cá nổi lập lờ, vớt dễ như không. Cả làng, nhà mô cũng trúng đậm. Mấy ngày sau, cá chết dạt bờ, dân bàng hoàng vô cùng. Tôi 60 tuổi đời, chưa từng thấy cá chết nhiều như rứa” – ông Lợi kể. Từ khi cá chết hàng loạt, ông và đa số ngư dân trong làng chưa một lần dong thuyền ra biển. Tiền bạc để dành tiêu pha nay đã gần hết, ông Lợi trông chờ số tiền hỗ trợ 75% giá trị ngư cụ như cam kết của địa phương nhưng chưa thấy.
Anh Nguyễn Xuân Trường sinh năm 1983 là một ngư dân cự phách của làng cá Ba Đồng này. Thạo con nước, thông luồng cá, chỉ với chiếc thuyền dài gần chục mét, trước đây, mỗi ngày Trường cùng hai bạn chài kiếm 4-5 triệu đồng. Ngày trúng cá ngon, có khi bỏ túi hàng chục triệu. Từ khi có sự cố Formosa, Trường cũng thôi đi biển. Không kiếm thêm tiền, miệng ăn núi lở, Trường tính đi vào Phú Quốc (Kiên Giang) đánh cá thuê như hai con rể ông Lợi nhưng vợ con níu chân, không đi nổi. Nhớ biển, Trường cũng ra sửa thuyền hy vọng có ngày ra khơi.
Anh Trường đăm đăm nhìn về phía Formosa nơi quê cũ giờ mọc lên những cột tròn cao, liên tục nhả khói. Nơi đó, hết tiểu học, anh theo đám bạn theo cha lên thuyền đi biển. Ngư dân trẻ không thể hiểu hết những giá trị kinh tế - xã hội mà các nhà chức trách nói về đại dự án gang thép này, nhưng những khổ ải của nhà máy này gây ra với dân chài quê anh như đang ngấm vào máu.
“Chúng tôi đã nhường đất. Muốn làm nhà máy to, thu tiền lớn ai chả muốn, nhưng làm sao cũng để chúng tôi yên ổn làm ăn. Giờ biển chết như ri, mất việc, vợ con khổ sở, đền bù chi cho nổi” – Trường nói, khuôn mặt ngư dân trai tráng, đè gió vượt sóng như già đi.
Chấp chới ra khơi
Mặt trời đứng bóng, bãi cát bắt đầu nóng rát chân. Ngoài cửa âu Ba Đồng, một vài thuyền bắt đầu rẽ sóng đi vào. Ngư dân Mai Xuân Niêm, 56 tuổi nhà ở Khu tái định cư Hoành Tương xã Kỳ Lợi (cạnh Kỳ Phương) vừa cập âu sau 3 ngày đi biển. Thành quả là hơn hai chục kí ghẹ nhưng về đến âu, ghẹ chết nhiều phải bốc vứt đi. Người ngư dân vợ chết sớm, một tay nuôi 8 người con này nhìn túi ghẹ còn khoảng 5 kg mà ngao ngán: “Trước khi cá chết, ba bố con đi đánh mỗi ngày có khi được 4,5 tạ cá, kiếm tiền triệu mỗi ngày. Đi biển những ngày ni chỉ đánh ít ghẹ cho vui, đỡ nhớ nghề”.
Thành quả ít ỏi sau một chuyến biển của ngư dân. Ảnh: Đức Anh
Sau sự cố, Bộ NN&PTNT khuyến cáo ngư dân 6 tỉnh miền Trung đánh bắt cá ngoài phạm vi 20 hải lý để có cá an toàn. Khuyến cáo đó cũng chẳng khác nào thách đố dân Ba Đồng và nhiều địa phương Hà Tĩnh - nơi chủ yếu là các tàu, thuyền đánh cá cỡ nhỏ, hoạt động vùng lộng (biển gần bờ). Nhưng ông Niêm nói nhỏ: Thực ra, vùng biển gần bờ bắt đầu có cá trở lại, muốn đánh nhiều cá hơn, ngư dân chỉ cần đánh ngược lên phía Bắc, qua cống xả thải của Formosa.
Cái khó hiện nay là khi đưa cá về bờ, cá to nhỏ, ngon dở, thương lái đều mua chung 1 giá, vài chục nghìn/kg (dân chợ gọi là “cá lợn” – cá cho lợn ăn). Thấy ghẹ vẫn được thương lái mua giá cao (loại to bán tại âu cũng được hơn 200.000 đồng/kg), ngư dân chỉ tập trung làm nghề thả bóng (dụng cụ để bắt ghẹ). “Biển còn độc, đánh bắt về bán, cầm đồng tiền cũng khổ tâm. Nhưng sắp đến năm học mới, lấy tiền mô đóng học cho mấy đứa cháu” – ông Niêm nói.
Cả buổi sáng có khoảng 10 tàu cập âu, đủ cho một thương lái gom hai sọt ghẹ đầy đưa lên xe máy phóng đi. Trước ống kính của chúng tôi, sự rộng rãi, ăn sóng nói gió của ngư dân tan biến đi đâu mất. Họ e ngại, né tránh; có khi bực dọc chửi đổng vì sợ thông tin lan truyền rồi ghẹ không bán được, “mánh” làm ăn cuối cùng cũng đi tong. Tiếng chửi, tiếng can ngăn khiến chợ cá chỉ có mấy người mà hỗn loạn.
Chúng tôi tìm vào gia đình chị Hoàng Thị Sỹ ở Khu tái định cư Đồng Yên, cách âu tàu khoảng cây số. Chị Sỹ vừa trở về từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) sau khi chữa khỏi cánh tay phải đau nhức, bong tróc, mưng mủ. Chị Sỹ kể, trong chuyến biển những ngày Formosa xả thải, anh Nghĩa chồng chị trúng cá đậm. Chị chọn 4 con cá chai - loại cá ngon, tốt cho bà mẹ sau sinh như chị để dùng và chia cho nội ngoại.
Nồi cá hấp thơm phức nhưng mở vung ra, thịt cá chuyển sang màu vàng khác lạ. Cả nhà cảnh giác không ăn, riêng chị Sỹ tiếc của, múc cơm và vội. Vài tiếng sau, chị thấy nôn nao, điện hỏi người thân ăn cá cũng bị tương tự, nhiều người nôn thốc nôn tháo.
Vài ngay sau, cánh tay phải của chị bắt đầu tê buốt, mẩn ngứa. Đi hết trạm xá đến bệnh viện tỉnh, bác sỹ bảo chị nhiễm độc, cho truyền nước để pha loãng độc tố nhưng không khẳng định độc tố đến từ đâu. Thấy bệnh chuyển chậm, chị bay vào TP.HCM chữa trị. Nay cánh tay bên ngoài đã lành nhưng cử động gượng gạo.
Ngư dân Mai Xuân Niêm ngóng biển.Ảnh: Đức Anh
Ngồi cạnh, anh Nghĩa chồng chị góp chuyện: “Đi biển từ bé, tôi chỉ thấy mỗi con cá nóc ăn chết người, ngoài ra chưa có con gì độc cả. Ai đời như bây giờ, dân biển lại không ăn cá, không dám tắm biển. Nhiều hôm nhớ cá, nói vợ mua về ăn nhưng bỏ vào miệng không thấy ngon, nhắm mắt mà nuốt” – anh Nghĩa nói.
Chị Sỹ từng làm tạp vụ trong Formosa. Những hôm chị cùng chị em trong làng đi dọc bãi biển để vào công trường, bước qua những mương có nước thải vàng ố đổ ra biển, chị đã linh cảm: “Ô! Nước đục ni sẽ chảy về biển của ta, nước tắm sẽ ngứa ngáy, cá sẽ chết đầy?”. Nỗi sợ mơ hồ của chị Sỹ nay thực sự thành đại họa.
Tiễn chúng tôi ra cổng, vợ chồng anh Nghĩa mong muốn ba điều: Mong có các bác sỹ giỏi về khám sức khỏe; cơ quan chức năng sớm kiểm nghiệm xem ăn cá biển an toàn chưa và công bố khi nào biển sạch để vợ chồng anh tính kế sinh nhai.
Âu tàu Ba Đồng vừa đưa vào sử dụng đã bị thu hẹp, nhiều điểm neo tàu bị cát bồi lấp gần 1/2 diện tích. Ngoài cửa âu có cồn cát, sóng đánh mạnh nên tàu thuyền ra vào khó. Vừa qua, một tàu đã bị đánh chìm tại đây. Một lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tỉnh đã nắm bắt sự việc và đang tìm hướng xử lý.
“Đề nghị sớm đánh giá và khuyến cáo toàn diện”
Ông Phan Duy Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh đề nghị: Địa phương mong muốn cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm công bố chính thức vùng biển nào an toàn vùng biển nào không an toàn để chúng tôi khuyến cáo cho người dân đánh bắt. Về kiểm soát chất lượng cá, ông Vĩnh cho biết UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức các điểm bán cá có nguồn gốc đánh bắt từ vùng ngoài 20 hải lý trở ra theo khuyến cáo của Bộ NN&PTNT. Trong vùng 20 hải lý, người dân vẫn đánh bắt nhưng các xét nghiệm của Bộ Y tế đối với các mẫu cá đều không phát hiện ra độc tố. “Ngoài các mẫu xét nghiệm, chúng tôi mong muốn Bộ Y tế hoặc Bộ NN&PTNT sớm kiểm tra lại và đưa ra các khuyến cáo chính thức” – ông Vĩnh đề nghị.