Biển ít cá nhưng các ngư dân vẫn không quay lưng với biển bởi đó là nghề gắn bó bao đời, không đi thì nhớ.
Khi mặt trời dần tắt bóng, ngư dân Đặng Mâu (thôn Hải Bình, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) chậm rãi gánh chiếc thuyền không gắn máy của mình xuống biển bắt đầu một đêm câu mực. Thuyền nhỏ, chỉ hoạt động ven bờ nên một mình ông lão lênh đênh trong đêm.
Trắng đêm chỉ được vài chục ngàn đồng
Sáng sớm, trở lại biển Hải Bình đã thấy chiếc thuyền ông Mâu nằm trên bãi cát từ bao giờ. “Mỗi chuyến ra khơi thường đến 5-6 giờ, tôi mới vào bờ nhưng giờ biển khó nên 1-2 giờ đã vào rồi, chỉ được 50.000-70.000 đồng thôi. Nghề biển lúc được lúc không nhưng 3 tháng nay tôi đi hoài chẳng bao giờ câu được nhiều mực. Giờ biển “hèn” (ít cá - PV) lắm!” - ông lão trầm ngâm.
Khi thuyền ông Mâu vào bờ cũng là lúc ghe của ông Lê Công Danh (trú tổ dân phố Hải Thành, thị trấn Thuận An) chở theo 8 ngư dân bắt đầu ra khơi hành nghề lưới rùng ven bờ. Chiếc ghe nhỏ lướt nhẹ trên mặt nước, dễ dàng đạp sóng ra khơi nhưng khuôn mặt ai cũng nặng nề, họ chẳng nói với nhau lời nào.
Ghe của ông Danh chỉ cách bờ trong phạm vi một hải lý. Trong lúc đánh bắt, 4 người ở trên ghe, 4 người còn lại trên bờ để kéo lưới. Sau hơn 6 giờ đánh bắt, ghe ông Danh vào bờ với 2 con cá doái, một số con mực to bằng ngón tay cái. “Chừng này chỉ bán được 150.000 đồng, đủ chi phí ra khơi, chẳng còn dư đồng nào để chia cho những người đi cùng. Biết là biển khó nhưng cũng phải ra khơi vì ở nhà lấy gì mà ăn” - ông Danh buồn bã.
Trong khi đó, ông Nguyễn Rơi (trú tổ dân phố Hải Thành) ra bãi đậu ghe thuyền tìm đến những ngư dân vừa mới cập bờ sau một đêm mưu sinh để hỏi xem tình hình cá, tôm. Ông Rơi là chủ một chiếc ghe có công suất 20 CV - công cụ nuôi sống không những gia đình ông mà còn nhiều người khác theo ông đi bạn. Ghe mỗi lần ra khơi có 3 người. Những năm trước, vào dịp này, thuyền liên tục bám biển, cá lúc nào cũng đầy ắp khoang, cập bờ là lái buôn đã chờ sẵn thu mua, bán xong lại ra khơi. Giờ mỗi chuyến ra khơi thì may lắm mới đủ chi phí. “Nghề biển chỉ trông chờ vào mùa này để dành dụm cho mùa đông nên dù biết biển “hèn” cũng phải gắng mà đi, biết đâu lại được nhiều tôm, cá” - ông Rơi chia sẻ.
Ra khơi cho đỡ nhớ nghề
Gần 4 tháng sau thảm họa cá chết, những ngư dân ở Hà Tĩnh vẫn chưa thể ổn định cuộc sống. Ngày ngày, họ vẫn cần mẫn ra khơi trong tâm trạng lo lắng không biết cuộc sống sẽ về đâu khi hải sản đánh bắt về ít người mua.
Bờ biển thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh những ngày cuối tháng 7.2016 trời yên, biển lặng nhưng vắng ngắt. Trên bãi cát, mép bờ biển, nhiều tàu thuyền của ngư dân địa phương xếp dài nằm bờ. Anh Chu Văn Năm (thôn Hải Phong) là một trong những ngư dân hiếm hoi chúng tôi gặp tại bãi biển, đang cùng cậu con trai đen nhẻm chuẩn bị cho chuyến ra khơi.
Nhà anh có 4 đứa con, 3 đứa đang đi học, tất cả thu nhập đều trông chờ vào việc đánh bắt hải sản. Từ đầu tháng 4 đến nay, cuộc sống của cả gia đình hết sức khó khăn. Ở nhà không có để gì ăn, bồn chồn anh lại ra biển đánh bắt. Thuyền bé đi trong lộng được ít cá nhỏ về bán, giá 5.000-7.000 đồng/kg mà vẫn ế.
Biển ô nhiễm, cá đánh về bán không ai mua khiến đời sống của những người bao đời cần cù bám biển chồng chất khó khăn. Chị Trần Thị Diêu (ngụ xóm 1, thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi) nhìn ra biển, kể rằng trước đây biển sạch; cá, tôm, ốc nhiều lắm. Ngày ngày, người dân vác lưới ra biển là có ngay hải sản để ăn và bán. Giờ hải sản ít, đánh bắt về bán rẻ cũng không ai mua vì sợ nhiễm độc. Nhà chị không có ruộng vườn, mấy chục năm nay sống được là nhờ vào biển, giờ biển ô nhiễm không biết những ngày tháng sắp tới sẽ sinh sống ra sao.
Tại làng biển ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, ngư dân nơi đây không còn quay lưng với biển. Họ đã ra khơi đánh cá trở lại nhưng biển giờ không còn sạch như trước, tôm cá cũng cạn kiệt dần, họ đi biển không chỉ vì mưu sinh mà phần nhiều nhớ biển.
Xế chiều, chúng tôi bắt gặp ngư dân Hồ Hoàn (55 tuổi, ở thôn Nhân Quang) khi ông đang tất bật chuẩn bị ngư cụ bỏ lên thuyền chuẩn bị cho chuyến ra khơi vào buổi tối. Hỏi về tình hình cá biển hiện giờ, ông Hoàn than thở: “Chán lắm! Chán lắm! Biển độc nên cá đánh không ra mà có đánh được thì bán với giá thấp không đủ sống”.
Theo ông Hoàn, ông đi với 6 bạn thuyền cùng thôn ra đánh bắt chủ yếu là cá nục ở các ngư trường gần bờ khoảng 10 hải lý trở lại. Lúc biển chưa nhiễm độc, mỗi đêm ra khơi mang lại cho ông và các bạn thuyền có mức thu nhập ổn định từ 300.000-500.000 đồng. “Giờ may mắn lắm, trắng đêm ra biển, anh em tụi tui chỉ được vài chục ngàn là cao. Tiền không đủ bữa chợ, có khi còn lỗ cả tiền dầu nữa...” - ông Lê Vàu (68 tuổi, một bạn thuyền của ông Hoàn) xót xa nói.
Từ ngày biển khó, anh Trần Trương Minh (trú thôn Hải Bình, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) hầu như bỏ hẳn nghề biển để nuôi dê mong có chút thu nhập nuôi gia đình. Anh Minh cho biết giờ ngư dân Hải Bình chỉ còn ít người hành nghề câu mực mới đi biển, còn nghề lưới chỉ như cầm chừng, lâu lâu ra khơi để vừa giữ nghề vừa tránh cho thuyền bị hư hỏng.