Khi đặt hai giả thiết này trước trận chung kết giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên 2015 – Cúp Clear Men giữa U.21 Hoàng Anh Gia Lai và U.19 Hàn Quốc (vào 18 giờ, 29.11) thì điều gì sẽ đến với “những đứa trẻ của bầu Đức”.
1-Vô địch hay không thì U.21 HAGL vẫn đang là đội bóng được khán giả yêu mến nhất cả nước hiện nay. Trước trận chung kết, thông tin từ BTC giải cho biết tổng số 15.000 vé in ra đã được “giải quyết” sạch sẽ nên chuyện nóng vé chợ đen sẽ lại tái diễn ở sân Thống Nhất giống như sân Cần Thơ năm ngoái.
HAGL JMG không phải là đội bóng quá xuất sắc nhưng là đội bóng xuất hiện đúng lúc như một ngôi sao mai buổi sớm khi nền bóng đá Việt Nam đã trải qua những đêm tối triền miên với lòng tin đã bị hủy hoại nghiêm trọng.
Với lớp trẻ sinh ở thập kỷ 1990 đổ lại những sân vận động sôi động, lèn kín người khi các CLB gặp nhau của hồi giải VĐQG còn chưa tiến lên V.League tưởng chừng như là “chuyện cổ tích” thì bây giờ HAGL JMG đã viết tiếp câu chuyện cổ tích ấy.
Khi HAGL JMG xuất hiện thì khán đài lại đầy sức sống. Bóng đá VN ở thời điểm này đang cần nhất khán giả và khán giả cũng cần nhất một đội bóng chơi tận hiến như HAGL JMG (ảnh Nguyên Trương) |
Thật hiếm thấy một đội bóng ở cấp CLB nào lại tạo dựng được nên một hiện tượng chung cả nền bóng đá như HAGL JMG. Ngay cả những người tổ chức giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên dù không nói ra những cũng thầm cám ơn bầu Đức và HAGL JMG đã đem đến một sức sống khác lạ cho giải đấu quốc tế lần đầu được tổ chức vào năm 2007.
Không những gì giá trị tinh thần mà U.21 HAGL JMG còn thực sự đem đến cho những người tổ chức nguồn tiền lớn từ việc bán vé. Ở Cần Thơ năm ngoái, BTC địa phương – nơi chịu trách nhiệm chuyện vé đã “lời khủng” hàng tỷ đồng với trên 30.000 vé được bán ra mỗi trận. Bây giờ U.21 HAGL JMG lại đem đến cho Trung tâm thể thao Thống Nhất một lợi nhuận “kha khá”, hơn hẳn số tiền mà họ chi ra cho việc ăn ở cho 6 đội bóng dự giải.
2-Hàng chục năm nay, bóng đá VN tiến lên chuyên nghiệp V.League nhưng các CLB chỉ toàn “ăn” vào tiền ngân sách hoặc vốn của các ông bầu, thậm chí còn tệ hơn cả thời bao cấp – cái thời mà SVĐ chưa bao giờ thiếu khán giả và tiền bán vé ít ra cũng tạm để nuôi CLB. Chưa có đội bóng nào sinh lợi được cho ông chủ CLB nên người ta dần tạo thành mặc định trong suy nghĩ là nuôi đội bóng chuyên nghiệp chỉ giỏi “đốt tiền”. Bởi vậy mới có chuyện mới đây CLB Cà Mau lần đầu giành vé lên hạng Nhất nhưng lại bỏ giải chỉ vì không có tiền hoặc “sợ không kiếm nổi tiền”.
HAGL JMG đã mang đến và định danh lại khái niệm mới mà cũ là đội bóng hoàn toàn có thể kiếm tiền, thậm chí sinh lời cho ông chủ và cho giải đấu. Ở V.League 2015, HAGL là đội bóng đứng áp chót bảng nhưng là đội bóng nắm giữ kỷ lục về khán giả và kỷ lục về số tiền thu được từ tài trợ (15 tỷ) lẫn tiền bán vé ở các trận đấu mà họ tham gia với lượng khán giả trung bình mỗi trận lên đến 12.000 người.
U.21 HAGL tái đấu U.19 Hàn Quốc, đội bóng mà họ để thua 0-1 ở ngày ra quân. Cơ hội để Công Phượng và các đồng đội rất lớn khi ở trận khai mạc, họ chơi lấn lướt với thời lượng kiểm soát bóng trung bình 60%.
Thật tuyệt vời và xúc động khi thấy những hình ảnh như thế này trên khán đài sân Thống Nhất (ảnh Nguyên Trương) |
Thắng hay thua một trận chung kết, vẫn không thay đổi được đẳng cấp của U.21 HAGL lên tầm cao mới hay thay đổi tức sự trì trệ của nền bóng đá VN. Nhưng, với U.21 HAGL người ta luôn thấy ở đó một niềm hy vọng, một lối thoát để có thể tin tưởng nhau, tin tưởng về tương lai dù cho thực tế sẽ khắc nghiệt, phũ phàng hơn rất nhiều.
Đăng Khoa