Bất cứ đội bóng trẻ nào ở Việt Nam, thậm chí là tuyển Olympic Việt Nam thua U.19 Hàn Quốc thì người ta cũng đều cho là bình thường. Chuyện trở nên “không bình thường” khi đội thua đó lại là U.21 HAGL JMG...

U.21 HAGL: Thử thách lớn nhưng đâu rồi sự chia sẻ?

Một Thế Giới | 23/11/2015, 19:03

Bất cứ đội bóng trẻ nào ở Việt Nam, thậm chí là tuyển Olympic Việt Nam thua U.19 Hàn Quốc thì người ta cũng đều cho là bình thường. Chuyện trở nên “không bình thường” khi đội thua đó lại là U.21 HAGL JMG...

Lịch sử tổ chức giải Cúp quốc tế TPHCM hơn một thập kỷ qua, BTC giải rất hay mời Đội tuyển Sinh viên Hàn Quốc và họ cũng rất hay thắng ĐTQG hay tuyển Olympic Việt Nam. Hoặc như mới đây ở giải Cúp truyền hình Bình Dương (BTV Cup), đội tuyển Sinh viên Hàn Quốc lọt vào trận chung kết gặp Bangu Atletico (Brazil) và chỉ chịu thua ở loạt đá luân lưu sau khi hòa 2-2 ở giờ thi đấu chính thức.

Bóng đá Hàn Quốc ở đẳng cấp châu lục nên ở chỉ cần tuyển Sinh viên (được ví như tuyển Olympic Hàn Quốc B) cũng đủ sức chơi sòng phẳng và chiến thắng trước bất kỳ đối thủ nào tại khu vực Đông Nam Á, kể cả đó Thái Lan.

Vì vậy, chuyện U.21 HAGL thua 0-1 trước U.19 Hàn Quốc ở trận khai mạc giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên có phải là chuyện quá “bất thường” để không ít người bày tỏ sự thất vọng với đám trẻ của bầu Đức? Phải chăng chính những người cảm thấy thất vọng với trận thua của U.21 HAGL mới thực sự kỳ vọng hơn ai cả vào giấc mơ thoát khỏi vùng trũng bóng đá ĐNÁ mà Học viện HAGL Arsenal JMG tạo ra.

Tuyển U.21 HAGL thua U.19 Hàn Quốc một bàn sít sao nhưng thế trận mà Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường cùng đồng đội tạo ra không hề tệ. Với thời lượng kiểm soát bóng áp đảo lên đến 60% mà U.21 HAGL tạo ra, không thể cho rằng vì U.19 Hàn Quốc chủ động nhường thế trận.

Khả năng kiểm soát bóng của U.21 HAGL chỉ đến bởi chính kỹ năng điều khiển quả bóng điêu luyện cùng sự ăn ý của chính họ mà thôi. U.19 Hàn Quốc, nhắc lại là đội bóng đến từ nền bóng đá có đẳng cấp cao hơn hẳn Việt Nam và đây cũng chính là đội tuyển U.18 mà LĐBĐ Hàn Quốc (KFA) đang đầu tư dài hơi, kỹ lưỡng khi Hàn Quốc làm chủ nhà giải U.20 thế giới 2017.

Nếu U.19 Hàn Quốc nắm được thế chủ động thì họ đã làm và sẽ bóp nghẹt đối phương bằng lối chơi giàu thể lực chứ không có chuyện họ nhường quyền kiểm soát bóng U.21 HAGL. Thẳng thắn đánh giá, ở Việt Nam hiện nay, ngoài HAGL ra thì không có bất cứ đội bóng hay CLB nào, kể cả ĐTQG Việt Nam giành được quyền kiểm soát bóng trước các đối thủ đến từ Đông Bắc Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.

Khi chúng ta, kể cả HLV trưởng Phạm Minh Đức của tuyển U.21 Báo Thanh Niên đều nhận định U.19 Hàn Quốc là đội mạnh nhất, ứng viên số 1 cho chức vô địch thì không có lý do gì lại đi chê khả năng của U.21 HAGL.

U.21 HAGL: Thu thach lon nhung dau roi su chia se?
Ngoài bàn thắng thì thật khó chê trách gì về màn trình diễn của U.21 HAGL trước U.19 Hàn Quốc (ảnh Nguyên Trương) 

Tất nhiên, U.21 HAGL vẫn còn đó điểm yếu cố hữu là khả năng dứt điểm cuối cùng. Công Phượng có 2 lần đối mặt thủ môn U.19 Hàn Quốc ở góc sút hẹp bên phải  trong hiệp 1 và cả hai lần đều dứt điểm thiếu nhạy cảm. Hiệp 2, Công Phượng có quả sút xa buộc thủ môn U.19 Hàn Quốc bung người đẩy vọt xà. Người đá cặp với Công Phượng là Văn Toàn có tình huống bỏ lỡ ngon ăn khi tâng bóng mạnh chân vọt qua xà ngang rơi xuống nóc lưới U.19 Hàn Quốc.

Nhìn 4 bàn thắng mà tuyển U.21 Báo Thanh Niên ghi vào lưới U.21 Thái Lan, rất dễ để nói rằng kỹ năng dứt điểm của hàng công U.21 HAGL kém cỏi. Tuy nhiên điều cơ bản phải thấy là hàng thủ và thủ môn U.19 Hàn Quốc không phải là U.21 Thái Lan!

Kỹ năng ghi bàn của tiền đạo phần do bẩm sinh mà có. Đó là cảm giác không gian, chọn vị trí và sự nhạy cảm dứt điểm lẫn việc đánh hơi bàn thắng. Công Phượng từng có nhiều khoảnh khắc xuất thần nhưng với quá nhiều áp lực trên vai, số 10 HAGL đôi lúc đánh mất mình. Hiếm có một cầu thủ nào ở tuổi 20 lại chịu quá nhiều sức ép như Công Phượng.

Mọi người thường hay nhắn với nhau rằng, hãy để lứa cầu thủ HAGL JMG lớn lên một cách tự nhiên song thực tế trong suốt 2 năm qua, chưa bao giờ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường lại sống một cách tự nhiên cả. Bầu Đức cũng từng nói: “Công Phượng không có nổi 3 mét vuông để thở”.

Với áp lực hiện nay, lứa HAGL JMG đang đi đến điểm của giới hạn cá nhân. Họ cần một môi trường mới để thoát ra, để học hỏi và tránh được sự chững lại, sa sút mà chuyến đi Nhật Bản sắp tới của Công Phượng, Tuấn Anh là rất tốt.

Bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam vốn khắc nghiệt mà HAGL JMG phải mang cả kỳ vọng đưa nền bóng đá thoát khỏi vũng lầy thì sự khắc nghiệt lại nhân lên bội phần. Thử thách tạo nên bản lĩnh song có lúc nào nhiều người trong chúng ta thực sự thấu hiểu, cảm thông cho đám trẻ của bầu Đức?

Đăng Khoa


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
2 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
U.21 HAGL: Thử thách lớn nhưng đâu rồi sự chia sẻ?