Sáng ngày 8.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường để xem xét, cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo đề nghị của Chính phủ.

UBTV Quốc hội họp bất thường cho ý kiến gói hỗ trợ 62.000 tỉ cho dân

08/04/2020, 11:46

Sáng ngày 8.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường để xem xét, cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo đề nghị của Chính phủ.

UB Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường - Ảnh: VPQH

98% lao động hàng không tạm nghỉ việc

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, ước tính sơ bộ, 19% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, giày da, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc; 98% lao động hàng không tạm nghỉ việc. Hàng triệu người lao động đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lao động giản đơn, thu nhập thấp, không thường xuyên.

Đồng thời, dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng lớn tới các đối tượng yếu thế khác như đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo... Dự báo trong tháng 4, tháng 5 dịch bệnh còn phức tạp, ước khoảng 2 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm; trường hợp dịch bệnh bùng phát mạnh sẽ có khoảng 3,5 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm.

Về đối tượng, mức hỗ trợ, Chính phủ đề xuất 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ tiền do COVID-19. Cụ thể là nhóm người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng ngoài mức trợ cấp thường xuyên được hỗ trợ thêm: 500.000 đồng/người/tháng. Thực hiện chi trả một lần mức hỗ trợ của 3 tháng; Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định: 1.000.000 đồng/hộ/tháng. Thực hiện chi trả một lần mức hỗ trợ của 3 tháng.

Người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ luật Lao động, trường hợp khó khăn về tài chính được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% của tiền lương tối thiểu vùng với lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Thực hiện cho vay hằng tháng theo tình hình thực tế.

Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên: 1.800.000 đồng/người/tháng. Thực hiện chi trả hằng tháng theo tình hình thực tế.

Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và mất việc làm: 1.000.000 đồng/người/tháng. Thực hiện chi trả hằng tháng theo tình hình thực tế.

Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ: 1.000.000 đồng/hộ/tháng. Thực hiện chi trả hằng tháng theo tình hình thực tế.

Các chính sách hỗ trợ nêu trên được thực hiện tối đa 3 tháng. Đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 2 chính sách hỗ trợ trở lên (kể cả chính sách hỗ trợ đang thực hiện của địa phương nếu có) thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất.

Ngoài ra, người sử dụng lao động và lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải tạm thời nghỉ việc (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) tối đa không quá 12 tháng.

Cho phép người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh, có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động được hỗ trợ kinh phí từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động theo quy định của Luật Việc làm. Thời gian hỗ trợ tối đa là 03 tháng, mức hỗ trợ tối đa là 1.000.000 đồng/tháng đối với từng người lao động.

Dự kiến chi khoảng 62.000 tỉ đồng

Về quy mô hỗ trợ, dự kiến Nhà nước sẽ chi khoảng 62.000 tỉ đồng, hỗ trợ cho khoảng 20 triệu người. Trong dó, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp 36.000 tỉ đồng. Ngân sách Trung ương 22.000 - 23.000 tỉ lấy từ nguồn tăng thu, kinh phí còn lại năm 2019 là 19.000 - 20.000 tỉ đồng. Số còn lại từ nguồn dự phòng 2020, tiết kiệm chi thường xuyên... Ngân sách địa phương 13.000 - 14.000 tỉ đồng từ nguồn tăng thu, kinh phí còn lại năm 2019, quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách 2020 và nguồn cải cách tiền lương còn dư....

Ngoài ra, gói hỗ trợ này còn sử dụng khoản hỗ trợ gián tiếp thông qua việc cho phép doanh nghiệp, người lao động dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại người lao động (khoảng 3.000 tỉ đồng); cho vay chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động qua Ngân hàng Chính sách xã hội (khoảng 16.000 tỉ đồng).

Để thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho người dân bị tác động bởi dịch COVID-19, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về nguyên tắc triển khai thực hiện ngay gói hỗ trợ nêu trên. Cho phép sử dụng khoảng 19.000 - 20.000 tỉ đồng từ nguồn tăng thu và nguồn kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2019 để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đây là nội dung quan trọng, cấp bách cần được quyết định ngay, triển khai kịp thời trong tình hình hiện nay. Do đó, ngay sau khi Chính phủ trình nội dung, các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra, trước đó các cơ quan của Quốc hội đã rất chủ động nắm tình hình .

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, dù trong giai đoạn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tình hình còn nhiều diễn biến phức tạp trên toàn thế giới nhưng ở trong nước đã kiểm soát được tình hình với nhiều tín hiệu tích cực, số ca nhiễm mới giảm, số bệnh nhân được điều trị khỏi tăng, đặc biệt chưa có trường hợp nào tử vong, được Tổ chức Y tế thế giới và nhiều quốc gia đánh giá cao Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong điều kiện nước ta còn nhiều khó khăn, việc xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ trực tiếp, kịp thời cho thấy sự nỗ lực rất cao của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo đời sống của Nhân dân.

“Trước mắt sẽ đem lại sự yên tâm của người dân, góp phần giải quyết những khó khăn vất vả trong cuộc sống trong tình hình dịch bệnh, tăng sự tin tưởng của người dân vào Đảng, Nhà nước, tiếp tục tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau khi các chính sách được ban hành, các cấp, các ngành chủ động thực hiện ngay, có hiệu quả để bảo đảm sự hỗ trợ kịp thời đến người dân, hạn chế thấp nhất độ trễ của chính sách khi đi vào cuộc sống; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để không xảy ra hiện tượng tiêu cực, trục lợi chính sách, thiếu minh bạch trong tổ chức thực hiện.

Lam Thanh

Bài liên quan
Ra mắt nền tảng hỗ trợ diễn tập thực chiến an toàn thông tin
Cục An toàn thông tin vừa chính thức ra mắt Nền tảng hỗ trợ diễn tập thực chiến an toàn thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
3 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
UBTV Quốc hội họp bất thường cho ý kiến gói hỗ trợ 62.000 tỉ cho dân