Hôm 28.11, Úc đã phê duyệt lệnh cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội sau cuộc tranh luận đầy cảm xúc diễn ra trên toàn quốc, thiết lập chuẩn mực cho các khu vực pháp lý trên thế giới bằng một trong những quy định nghiêm ngặt nhất nhắm vào các hãng công nghệ lớn.
Luật này buộc các hãng công nghệ lớn từ Facebook, Instagram của Meta Platforms cho đến X, TikTok phải ngăn trẻ vị thành niên đăng nhập mạng xã hội hoặc đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 49,5 triệu đô la Úc (32 triệu USD). Việc thử nghiệm các phương pháp thực thi sẽ bắt đầu vào tháng 1.2025 và lệnh cấm sẽ chính thức có hiệu lực sau 1 năm.
Dự luật “Độ tuổi tối thiểu sử dụng mạng xã hội” đặt Úc vào vị trí thử nghiệm cho ngày càng nhiều chính phủ đang soạn luật hoặc có kế hoạch ban hành luật hạn chế độ tuổi trên mạng xã hội, giữa bối cảnh lo ngại về tác động của nó với sức khỏe tâm thần giới trẻ.
Pháp và một số tiểu bang ở Mỹ đã thông qua luật hạn chế quyền truy cập của trẻ vị thành niên mà không được cha mẹ cho phép, nhưng lệnh cấm ở Úc là tuyệt đối. Lệnh cấm hoàn toàn với trẻ em dưới 14 tuổi ở bang Florida (Mỹ) đang bị thách thức tại tòa án vì lý do tự do ngôn luận.
Việc thông qua luật của Quốc hội Úc đánh dấu một chiến thắng chính trị cho Thủ tướng Anthony Albanese, người sẽ tham gia cuộc bầu cử vào năm 2025 giữa bối cảnh tỷ lệ ủng hộ sụt giảm. Lệnh cấm đã vấp phải sự phản đối của những người ủng hộ quyền riêng tư và một số nhóm bảo vệ quyền trẻ em, nhưng 77% dân số ủng hộ, theo các cuộc thăm dò mới nhất.
Trên cơ sở một cuộc điều tra của Quốc hội Úc vào năm 2024, trong đó có bằng chứng từ cha mẹ những đứa trẻ tự làm hại mình do bị bắt nạt trên mạng xã hội, các phương tiện truyền thông trong nước đã ủng hộ lệnh cấm do News Corp dẫn đầu với chiến dịch có tên "Hãy để chúng được làm trẻ em". News Corp là nhà xuất bản báo lớn nhất Úc, do ông trùm truyền thông Rupert Murdoch lãnh đạo.
Tuy nhiên, lệnh cấm có thể gây căng thẳng cho mối quan hệ của Úc với đồng minh quan trọng là Mỹ, nơi có mạng xã hội X do Elon Musk sở hữu. Elon Musk là nhân vật trung tâm trong chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump, từng cho biết trong tháng 11 rằng lệnh cấm này có vẻ là "một cách bí mật để kiểm soát quyền truy cập internet của tất cả người Úc".
Ngoài ra, lệnh cấm còn làm dấy lên tâm lý đối kháng hiện đã có giữa Úc với các gã khổng lồ công nghệ, chủ yếu tại Mỹ. Úc là quốc gia đầu tiên buộc nền tảng mạng xã hội phải trả tiền bản quyền cho các cơ quan báo chí khi chia sẻ nội dung của họ. Giờ đây, Úc dự định phạt mạng xã hội vì không ngăn chặn các vụ lừa đảo.
Người phát ngôn Meta Platforms cho biết tôn trọng luật pháp Úc, nhưng lo ngại về quy trình này, vốn "vội vã thông qua luật trong khi không xem xét đúng mức bằng chứng, những gì ngành công nghiệp đã làm để đảm bảo trải nghiệm phù hợp với lứa tuổi và tiếng nói của giới trẻ".
Người phát ngôn này nói: "Nhiệm vụ hiện tại là đảm bảo có sự tham vấn hiệu quả về tất cả quy tắc liên quan đến dự luật để đảm bảo kết quả khả thi về mặt kỹ thuật không gây gánh nặng cho phụ huynh và thanh thiếu niên, cam kết rằng các quy tắc sẽ được áp dụng nhất quán trên tất cả ứng dụng xã hội mà thanh thiếu niên sử dụng".
Đại diện của TikTok và X, hai công ty sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm, hiện vẫn chưa có bình luận nào.
Các công ty khác, gồm cả Alphabet có YouTube được miễn trừ vì được sử dụng rộng rãi trong các trường học, lập luận rằng luật nên được hoãn lại cho đến khi thử nghiệm xác minh độ tuổi hoàn tất.
"Đây là kiểu cầm đèn chạy trước ô tô. Chúng tôi có dự luật nhưng không có hướng dẫn từ chính phủ Úc về các phương pháp phù hợp mà mà nhiều dịch vụ chịu sự điều chỉnh của luật này cần áp dụng", Sunita Bose, Giám đốc điều hành Digital Industry Group - đơn vị có hầu hết các công ty truyền thông xã hội là thành viên, cho hay.
“Vượt qua những bức tường này”
Một số nhóm vận động cho thanh thiếu niên và học giả đã cảnh báo lệnh cấm có thể khiến những người trẻ dễ bị tổn thương nhất, gồm cả LGBTQIA+ và thanh thiếu niên nhập cư, không được tiếp cận các mạng lưới hỗ trợ.
LGBTQIA+ là thuật ngữ viết tắt đại diện cho nhiều nhóm người có xu hướng tình dục và bản dạng giới đa dạng. Các chữ cái trong LGBTQIA+ có nghĩa như sau:
L: Lesbian (đồng tính nữ).
G: Gay (đồng tính nam).
B: Bisexual (song tính, bị hấp dẫn bởi cả hai giới).
T: Transgender (người chuyển giới).
Q: Queer hoặc Questioning (queer là thuật ngữ tổng quát cho các bản dạng giới và tình dục phi truyền thống; questioning là chỉ người đang tự hỏi về bản dạng giới hoặc xu hướng tình dục của mình).
I: Intersex (người liên giới tính, sinh ra với các đặc điểm sinh học không hoàn toàn phù hợp với phân loại nam hoặc nữ).
A: Asexual (người vô tính, không có hoặc rất ít hấp dẫn tình dục).
Dấu cộng (+) gồm các bản dạng giới và xu hướng tình dục khác không được liệt kê trong thuật ngữ này, nhằm đảm bảo sự đa dạng và toàn diện cho tất cả mọi người trong cộng đồng.
Ủy ban Nhân quyền Úc cho biết luật này có thể xâm phạm quyền con người của giới trẻ bằng cách can thiệp vào khả năng tham gia vào xã hội của họ.
Trong khi đó, những người ủng hộ quyền riêng tư cảnh báo rằng luật đó có thể dẫn đến việc thu thập dữ liệu cá nhân nhiều hơn, mở đường cho hoạt động giám sát dựa trên nhận dạng kỹ thuật số.
Một thay đổi vào phút chót với dự luật nêu rõ rằng các nền tảng mạng xã hội phải cung cấp giải pháp thay thế thay vì yêu cầu người dùng tải lên các tài liệu nhận dạng.
"Những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số (boomers) đang cố gắng nói với những người trẻ tuổi về cách thức internet nên hoạt động để khiến họ cảm thấy tốt hơn", Sarah Hanson-Young, thượng nghị sĩ của đảng Xanh thiên tả, nói trong phiên họp Thượng viện Úc muộn ngay trước khi dự luật được thông qua với 34 phiếu thuận và 19 phiếu chống.
Thế nhưng, các nhóm phụ huynh thúc đẩy thông qua luật đã dựa trên những nhận định của Tổng Y sĩ Mỹ - Vivek Murthy vào năm 2023, khi ông cho rằng mạng xã hội đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên đến mức cần phải có cảnh báo.
"Đặt ra giới hạn độ tuổi và trao lại quyền kiểm soát cho cha mẹ, tôi nghĩ đó là điểm khởi đầu", Ali Halkic, người ủng hộ chống bắt nạt tại Úc, tuyên bố. Ali Halkic kể rằng cậu con trai 17 tuổi Allem của ông đã tự tử vào năm 2009 sau khi bị bắt nạt trên mạng xã hội.
Enie Lam, nữ sinh trường Sydney vừa tròn 16 tuổi, nói mạng xã hội góp phần gây ra các vấn đề về hình ảnh cơ thể và bắt nạt trực tuyến nhưng lệnh cấm hoàn toàn có thể khiến những người trẻ tuổi tìm đến những nơi nguy hiểm hơn, ít được chú ý hơn trên internet.
"Điều này sẽ chỉ tạo ra một thế hệ những người trẻ tuổi có hiểu biết hơn về công nghệ để vượt qua những bức tường này. Nó sẽ không đạt được hiệu quả mong muốn. Chúng ta đều biết rằng mạng xã hội không tốt cho mình nhưng lệnh cấm thường bị rất nhiều người trẻ tuổi phản đối mạnh mẽ", Enie Lam chia sẻ với Reuters.