Bloomberg vừa có bài viết: "Ukraine sẽ không đàm phán với ông Putin, vấn đề cho nước Mỹ". Trong đó, bài viết nêu 4 vấn đề mà Mỹ không muốn Ukraine giữ thái độ khăng khăng như hiện giờ.
Ukraine đã tiến vào thành phố Kherson mà không cần một trận khổ chiến trong đô thị do quân Nga chủ động rút quân sang bờ đông sông Dnieper. Tuy nhiên, thành quả đó đã vấp phải những thông điệp trái chiều từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden về một chủ đề rất nhạy cảm: liệu người Ukraine có nên bắt đầu đàm phán hòa bình với Nga hay không.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley, lập luận rằng chính phủ Kyiv nên tìm cách giải quyết trước khi cuộc xung đột trở nên bế tắc như Thế chiến I. Các quan chức Mỹ khác phản đối, nói rằng Washington sẽ không bao giờ ép buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy phải đàm phán hoặc nhượng bộ. Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết: “Không đề cập gì về Ukraine mà không có Ukraine”.
Đó là những phát biểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” hiếm hoi của một chính quyền tương đối kỷ luật, phản ánh thực tế không chắc chắn về bốn câu hỏi quan trọng – không ít trong số đó là liệu một cuộc chiến tranh lâu dài sẽ củng cố hay làm suy yếu nước Mỹ.
Đầu tiên, Ukraine đang hướng đến những lợi ích hơn nữa hay một bế tắc nặng nề? Một mặt, việc kiểm soát thành phố Kherson đã giúp HIMARS của lực lượng Ukraine phủ phạm vi các đường tiếp tế còn lại của Nga vào Crimea, trong khi quân đội Ukraine sau chiến dịch ở Kherson có thể chuẩn bị cho các cuộc tấn công mới ở những nơi khác.
Mặt khác, quân đội mệt mỏi của Ukraine có thể cần được nghỉ ngơi. Họ cũng có thể phải đối mặt với sự kháng cự gay gắt hơn khi các lực lượng Nga gia tăng quân số nhờ một lượng lớn lính vừa động viên; rút ngắn đường tiếp tế của họ; chuẩn bị chiến hào và các lớp phòng thủ khác; và hưởng lợi từ thời tiết lạnh phía trước. Công bằng mà nói, người Ukraine đã từng khiến những người hoài nghi trước đây phải ngạc nhiên. Nhưng xét đến việc họ đã đẩy Nga ra khỏi những vị trí dễ bị tổn thương nhất, các bước tiếp theo có thể khó khăn hơn.
Thứ hai, khả năng leo thang như thế nào? Tổng thống Vladimir Putin đã đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân để giữ 5 khu vực mà ông đã sáp nhập kể từ năm 2014. Ukraine đã vượt qua những lằn ranh giới tuyến ở miền đông Ukraine và đặc biệt là thành phố Kherson. Tuy nhiên, Crimea là trung tâm hơn trong câu chuyện về sự hồi sinh nước Nga của Putin; sự tồn vong của Crimea gắn liền với uy tín chính trị của ông hơn bất kỳ sự kiện nào trước đó. Vì vậy, các sự kiện gần đây đã không hoàn toàn làm yên lòng những người trong chính quyền Mỹ, những người nghĩ rằng một nền hòa bình không hoàn hảo thậm chí có thể tốt hơn là đối diện nguy cơ thảm họa nhỏ.
Thứ ba, liệu liên minh thân Ukraine có đoàn kết với nhau? Các đồng minh châu Âu hầu hết đều giữ lập trường vững chắc; Những thông tin chiến thắng của Ukraine có thể đã đảm bảo sự ủng hộ của phương Tây trong suốt mùa đông. Các nhà quan sát thẳng thắn, gồm cả Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, thừa nhận rằng ông Putin không tỏ ra quan tâm đến việc thỏa hiệp.
Tuy nhiên, nhóm của ông Biden vẫn muốn tránh một kịch bản trong đó Ukraine được cho là đang cản trở ngoại giao khi châu Âu - bị tước nguồn cung cấp năng lượng của Nga - phải chịu một mùa đông khắc nghiệt về kinh tế. Nhà Trắng cũng có thể lo ngại về việc Hạ viện do Đảng Cộng hòa lãnh đạo sẽ giữ suy nghĩ như thế nào đối với quan điểm của Mỹ trong việc viện trợ cho Ukraine vào năm tới.
Đây có lẽ là lý do tại sao chính quyền Biden hối thúc Zelensky rút lại tuyên bố trước đó của ông rằng Ukraine sẽ chỉ đàm phán với nhà lãnh đạo tiếp theo của Nga, điều đã khiến việc thay đổi chế độ ở Moscow trở thành mục tiêu chiến tranh của phương Tây. Nếu Ukraine muốn có sự viện trợ cần thiết để giành chiến thắng trong cuộc chiến, họ phải thể hiện rằng họ sẵn sàng đàm phán để chấm dứt chiến tranh.
Cuối cùng, liệu một cuộc xung đột kéo dài sẽ giúp ích hay gây tổn hại cho Mỹ? Nếu cuộc chiến này đã gây ra những tổn thất khủng khiếp cho Ukraine, thì đó là một vận may chiến lược đối với Washington. Vì sao? Phương Tây cảm thấy Nga không mạnh như kỳ vọng. NATO đang mở rộng và tăng cường khả năng phòng thủ của mình nên không phải lo về Nga. Trong khi đó, Trung Quốc đang phải đối mặt với sự kháng cự lớn hơn ở Tây Thái Bình Dương, khi Nhật Bản, Đài Loan và Úc đẩy nhanh việc chuẩn bị quân sự. Họ lo ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Tuy nhiên, các quan chức chủ chốt tự hỏi liệu Mỹ đã gặt hái được tất cả những lợi thế mà cuộc chiến Ukraine mang lại hay chưa. Khi thời gian trôi qua, cái giá phải trả có thể cao hơn — do bị phân tâm khỏi các khu vực khác, do đạn dược khan hiếm sau khi bị ném vào chiến trường, do dễ bị tổn thương trước các cuộc khủng hoảng nổ ra ở nơi khác.
Có những cân nhắc đối kháng: Một cuộc chiến tranh kéo dài cho thấy cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ đã trở nên kém cỏi đến mức có thể buộc quốc gia này phải nghiêm túc trong việc tái vũ trang. Tuy nhiên, nếu tình hình ở eo biển Đài Loan đang xấu đi nhanh chóng như các quan chức Mỹ nói, thì cái giá phải trả cho việc chấm dứt xung đột Ukraine tương đối sớm có thể cao hơn.
Trong tất cả các cuộc tranh luận và tình huống khó xử ẩn sau cuộc nói chuyện gần đây về các cuộc đàm phán, có lẽ cấp bách nhất là nỗi sợ hãi rằng Washington không có đủ thời gian để xử lý hết các vấn đề trên thế giới.