Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi, thủ đoạn buôn lậu, hàng giả trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ.
Buôn lậu vàng giảm, nhưng xuất khẩu trái phép đất hiếm… báo động
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2024, các báo cáo nêu rõ: Lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 64.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, giảm 2,82% so với cùng kỳ năm 2023; thu nộp ngân sách hơn 6.000 tỉ đồng, giảm 7,53%.
Trong tổng số các vụ việc trên, có 55.133 vụ gian lận thương mại và gian lận về thuế; 3.010 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, lần lượt giảm 9,7% và tăng 8,55% so với cùng kỳ năm 2023; khởi tố hình sự 650 vụ với 1.912 đối tượng, giảm 44,25% về số vụ và giảm 18,82% về số đối tượng.
Tổng cục Hải quan và Bộ Quốc phòng cảnh báo tội phạm ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp ở tuyến biên giới và qua đường hàng không. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, hoạt động có tổ chức, chặt chẽ, liều lĩnh.
Bộ Công an đánh giá tình hình buôn lậu vàng và buôn lậu các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu có xu hướng giảm nhờ triển khai các biện pháp quyết liệt để triệt phá các đường dây buôn lậu trong thời gian qua. Tuy nhiên, đang nổi lên hiện tượng khai thác và xuất khẩu trái phép khoáng sản quý hiếm, như đất hiếm, làm thất thoát tài nguyên của quốc gia.
Vì vậy, Bộ Công an đề nghị các địa phương phải quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác và khối lượng khai thác các loại khoáng sản của các doanh nghiệp tại địa phương mình.
Chống buôn lậu trong hoạt động thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn
Tại hội nghị, các địa phương phản ánh việc xử lý hàng vi phạm qua đường hàng không mất nhiều thời gian do có sự tham gia của nhiều lực lượng; việc bảo quản và xử lý tang vật, vật chứng thu giữ gặp nhiều khó khăn do thiếu nơi lưu giữ; thời gian xử lý hàng hóa bị tịch thu kéo dài.
Ngoài ra, công tác chống buôn lậu trong hoạt động thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn do hệ thống quy định của pháp luật chưa theo kịp tốc độ phát triển của thương mại điện tử.
Các địa phương kiến nghị cần rút ngắn thời gian xử lý hàng hóa vi phạm qua đường hàng không; hoàn thiện quy định về bảo quản, xử lý tang vật, vật chứng để tránh thất thoát, hư, hỏng tài sản nhà nước và cá nhân; hoàn thiện hàng lang pháp lý để quản lý hoạt động thương mại điện tử nhằm phòng ngừa buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, tránh thất thu thuế.
TP.HCM đề nghị các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử; quy định rõ trách nhiệm của sàn thương mại và người bán hàng trên sàn thương mại là phải lưu giữ tất cả các hoạt động giao dịch để phục vụ hoạt động kiểm tra, giám sát, điều tra của các cơ quan chức năng khi cần.
Tỉnh Tây Ninh kiến nghị cần có quy định xử lý ngay pháo lậu, thay vì phải gửi đến các cơ quan quản lý chất nổ; quy định rõ hơn về bán đấu giá tang vật tịch thu.
TP.Hải Phòng đề xuất ban chỉ đạo 389 các địa phương có cơ chế trao đổi thông tin để phối hợp xử lý các vụ việc liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại; các cơ quan chức năng tập trung tuần tra tại các địa bàn trọng điểm, như bến cảng (mỗi năm có 17.000 lượt tàu ra vào các cảng của Hải Phòng).
Ứng dụng công nghệ để phát hiện và xử lý hàng lậu, hàng giả
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các lực lượng chức năng quyết liệt hơn, phối hợp tốt hơn trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó phải nêu cao vai trò của người đứng đầu.
“Các bộ ngành, địa phương phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện những lổ hổng về pháp lý, sai sót để nhắc nhở các lực lực lượng chức năng trong việc thực thi đạo đức công vụ; thường xuyên quan tâm, nâng cao năng lực của các lực lượng chức năng, nhất là năng lực ứng dụng công nghệ thông tin”, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nêu.
Phó thủ tướng mong các cơ quan truyền thông tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức để người dân trở thành những người tiêu dùng thông minh.
Đối với việc hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó thủ tướng Quang yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung rà soát các quy định còn bất cập và gửi tới 3 địa chỉ: Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để xử lý theo thẩm quyền, nội dung nào vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Phó thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ; tăng cường hợp tác quốc tế, tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.