Ngoài tạo ra mô hình xương gãy trước phẫu thuật, công nghệ in 3D còn giúp các bác sĩ có thể xác định chính xác vị trí nẹp vít cần thiết, rút ngắn thời gian uốn nẹp và đảm bảo phẫu thuật diễn ra thuận lợi hơn.
Sau khi bị tai nạn do va chạm với xe tải, anh N.M.T (33 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) được chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) trong tình trạng đau dữ dội và chân phải biến dạng. Bệnh nhân được đưa vào phòng mổ, các bác sĩ tiến hành nắn trật và xuyên đinh kéo tạ dưới lồi củ chày để bất động khớp háng.
Kiểm tra tình trạng bệnh, các bác sĩ đánh giá bệnh nhân trẻ tuổi, bị béo phì (cao 1,69m, nặng đến 95kg, có BMI = 33,26).
BS CK2 Lâm Đạo Giang – Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình nhận định, bệnh nhân T. bị béo phì nên việc tiếp cận ổ cối khớp háng rất sâu sẽ khiến việc bộc lộ và nắn xương gãy trở nên vô cùng khó khăn và tốn thời gian. Thêm vào đó, việc uốn nẹp để cố định xương sao cho phù hợp với vết gãy cũng làm kéo dài thêm thời gian phẫu thuật, đặc biệt khi không gian phẫu thuật rất hẹp và sâu, khiến việc xác định vị trí đặt nẹp trở nên khó khăn hơn.
Trước tình trạng trên, các bác sĩ quyết định dựng hình công nghệ 3D để tiến phẫu thuật. “Chúng tôi tiến hành chụp CT scan cho bệnh nhân để khảo sát khung chậu, từ đó xây dựng kế hoạch phẫu thuật hỗ trợ bởi công nghệ in 3D. Kết quả phẫu thuật đạt được như mong đợi, người bệnh giảm đáng kể lượng máu mất, giảm đau sau mổ và xuất viện sớm. Hiện tại, bệnh nhân đang phục hồi tốt và dần quay lại với cuộc sống sinh hoạt thường ngày”, bác sĩ Giang thông tin.
Theo bác sĩ Giang, nhờ vào công nghệ in 3D, các bác sĩ có thể tạo ra mô hình xương gãy trước phẫu thuật, giúp việc uốn nẹp trong không gian rộng rãi trở nên dễ dàng hơn. Với mô hình in 3D, các bác sĩ có thể xác định chính xác vị trí nẹp vít cần thiết, rút ngắn thời gian uốn nẹp và đảm bảo phẫu thuật diễn ra thuận lợi hơn. Công nghệ này có thể giúp rút ngắn thời gian phẫu thuật, giảm mất máu và biến chứng sau mổ, đồng thời cải thiện chất lượng nắn chỉnh và chức năng khớp háng.
“Hiện nay chúng tôi đang triển khai công nghệ in 3D theo từng giai đoạn, bắt đầu ứng dụng cho các trường hợp gãy xương phức tạp, biến dạng trục chi nặng và thay khớp khó. Trong tương lai, chúng tôi sẽ mở rộng ứng dụng công nghệ này cho các trường hợp bướu xương”, bác sĩ Giang cho biết.
Thách thức trong điều trị chấn thương ở người bệnh béo phì
Phân tích của bác sĩ Giang cho thấy việc điều trị chấn thương chỉnh hình ở bệnh nhân béo phì có nguy cơ gặp biến chứng cao hơn và thời gian nằm viện kéo dài hơn, bất kể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật hay không.
“Về cơ bản, người béo phì sẽ có lớp mỡ dày, nên khi phẫu thuật sẽ gây khó khăn trong quá trình bộc lộ phẫu trường, cản trở nắn xương, khiến cuộc phẫu thuật kéo dài, dẫn đến gia tăng nguy cơ nhiễm trùng và mất máu kèm theo”, bác sĩ Giang nói.
Ngoài ra, những người béo phì có nguy cơ cao mắc phải các biến chứng do bất động lâu như: viêm phổi, loét tì đè và quá trình tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng sau phẫu thuật cần nhiều thời gian hơn.
Bệnh lý béo phì làm gia tăng gấp 2,1 lần nguy cơ mất lượng máu trên 750ml, 2,6 lần nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới và gấp 5 lần nguy cơ mắc phải nhiễm trùng vết thương trên bệnh nhân có kèm gãy xương chậu, ổ cối. Ở người bệnh béo phì, việc tiếp cận phẫu trường sẽ khó khăn hơn so với người bình thường do phẫu trường hạn chế và can thiệp xâm lấn nhiều, dẫn đến quá trình tiếp cận bị cản trở. Vì vậy, quá trình phẫu thuật sẽ kéo dài với mức độ xâm lấn cao, dẫn đến thời gian phục hồi chậm.
Đặc biệt, với những bệnh nhân béo phì gãy xương phức tạp, kỹ thuật in 3D hỗ trợ quá trình phục hồi nhanh hơn, cho phép người bệnh xuất viện sớm, có thể tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng ngay sau phẫu thuật.
Đáng chú ý, thời gian phẫu thuật đã rút ngắn hơn 60 phút so với dự kiến, trong khi lượng máu mất chỉ khoảng 400ml, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 600-800ml được ghi nhận trong y văn.
“Với những kết quả tích cực này, mô hình ứng dụng công nghệ in 3D không chỉ dừng lại ở các ca gãy xương phức tạp mà còn có tiềm năng mở rộng sang điều trị mất đoạn xương dài, bướu xương và các phẫu thuật thay khớp phức tạp, mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh”, bác sĩ Giang nhấn mạnh.
Kỹ thuật in 3D - bước tiến mới trong y học thời đại 4.0
Theo bác sĩ Giang, công nghệ in 3D trong điều trị chấn thương chỉnh hình đã giúp ê kíp bác sĩ thực hiện các bước quan trọng trong quá trình phẫu thuật, bao gồm:
Lập kế hoạch phẫu thuật chi tiết: Mô hình xương chậu 3D cho phép các bác sĩ đánh giá chính xác mức độ tổn thương và lên kế hoạch phẫu thuật tối ưu, giúp quá trình phẫu thuật diễn ra suôn sẻ.
Cá nhân hóa dụng cụ phẫu thuật: Các nẹp vít và mảnh ghép được thiết kế riêng, phù hợp với kích thước và hình dạng xương của người bệnh, đảm bảo độ chính xác cao và hiệu quả tối ưu cho phẫu thuật, giúp giảm thời gian phẫu thuật, giảm đau, giảm mất máu.
Giảm thiểu rủi ro: Phẫu thuật được thực hiện với sự hỗ trợ của công nghệ in 3D giúp phẫu thuật viên nhìn rõ vị trí phẫu thuật, hiểu được xương gãy và kế hoạch tiếp cận tốt nhất, giúp giảm thiểu sai sót và các biến chứng có thể xảy ra trong quá trình điều trị.
Thông qua kỹ thuật in 3D, các bác sĩ có thể lập kế hoạch phẫu thuật chính xác và cá nhân hóa các dụng cụ phẫu thuật, giúp tối ưu hóa quá trình điều trị. Kết quả là người bệnh hồi phục nhanh chóng, giảm đau hiệu quả và sớm được xuất viện, đánh dấu thành công lớn trong việc ứng dụng công nghệ cao vào điều trị các ca chấn thương chỉnh hình phức tạp.
ThS.BS Phan Tiến Bảo Anh - Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân Gia Định chia sẻ, công nghệ in 3D là một giải pháp đột phá trong y học hiện đại, mang đến những lợi ích vô cùng to lớn cho ngành y tế.
Đầu tiên, công nghệ này giúp tạo ra các sản phẩm tùy chỉnh, hoàn toàn phù hợp với từng người bệnh cụ thể, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị. Nhờ vào khả năng in 3D, chúng ta còn có thể giảm chi phí và thời gian phẫu thuật so với các phương pháp truyền thống, giúp tiết kiệm nguồn lực và rút ngắn thời gian điều trị cho người bệnh. Hơn nữa, công nghệ này hỗ trợ các bác sĩ lập kế hoạch phẫu thuật chính xác hơn, qua đó tăng hiệu quả của từng ca mổ.
Cuối cùng, in 3D không chỉ là công cụ tối ưu cho điều trị hiện tại mà còn mở ra cơ hội phát triển các sản phẩm y tế mới, giúp chữa trị những bệnh lý phức tạp mà trước đây không thể tiếp cận.