Việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh... là mục tiêu trong lộ trình phát triển kinh tế mà một huyện ở Cà Mau đã đặt ra.
Nhằm phát triển nền kinh tế bền vững, huyện Đầm Dơi xác định tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đêm; cân đối hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, được sự quan tâm của UBND tỉnh Cà Mau cùng sự hướng dẫn, hỗ trợ từ các sở, ban, ngành tỉnh và sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, huyện Đầm Dơi đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch, đưa ra các giải pháp phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với thời đại công nghiệp 4.0. Trong đó, chú trọng phát huy thế mạnh, tiềm năng lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế như: nuôi trồng thủy sản, thương mại - dịch vụ, khai thác kinh tế biển, năng lượng tái tạo…
Để rõ hơn về lộ trình, mục tiêu mà địa phương hướng đến trong thời gian tới để phát triển kinh tế - xã hội, PV Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi để hiểu rõ hơn về thế mạnh cũng như tiềm năng của các mô hình kinh tế có nhiều triển vọng đã và đang phát triển ở địa phương.
- Thưa ông, những năm gần đây diện mạo huyện Đầm Dơi đã có nhiều thay đổi: hạ tầng, đường sá được quan tâm đầu tư; đời sống của người dân từng bước được nâng lên. Điều đó cho thấy huyện Đầm Dơi đang dần khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế. Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật của huyện Đầm Dơi đạt được trong những năm gần đây?
Ông Lê Minh Hiền: Thời gian qua, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của huyện còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch COVID-19 và tình trạng biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của huyện. Tuy nhiên, được sự quan tâm của UBND tỉnh cùng hướng dẫn, hỗ trợ của các sở chuyên ngành và sự lãnh đạo sâu sát của Huyện ủy, giám sát kịp thời của HĐND huyện cùng sự quyết tâm, chỉ đạo toàn diện trên các lĩnh vực của UBND huyện, nỗ lực của các cơ quan, đơn vị và sự đồng thuận của người dân nên huyện đã thực hiện đạt được nhiều mục tiêu phát triển KT-XH.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng (giảm dần tỷ trọng ngư - nông - lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ). Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản hàng năm đạt trên 103.000 tấn.
Huyện có 4 đô thị loại V. Kế hoạch đến năm 2030, nâng cấp thị trấn Đầm Dơi lên đô thị loại IV và hình thành thêm 3 đô thị loại V. Đến nay, Đầm Dơi có 7/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 46,67%, bình quân mỗi xã đạt 15,46 tiêu chí và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các dịch vụ giao thông, bưu chính, viễn thông, ngân hàng… tiếp tục phát triển, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện.
Đáng mừng là thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn huyện tính đến cuối năm 2021 đạt 51 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Toàn huyện hiện có 1.481km đường giao thông, 15/15 đơn vị hành chính cấp xã có đường ô tô về đến trung tâm.
Nhiều công trình trọng điểm đã và đang chuẩn bị đầu tư trên địa bàn huyện được cấp trên quan tâm như: Công trình xây dựng cầu Hòa Trung I, II; trục lộ Đông - Tây, tuyến đường đấu nối từ đường Lương Thế Trân - Đầm Dơi đến Chà Là; nâng cấp đường Đầm Dơi - Cà Mau; cầu Gành Hào; cầu Cả Bẹ; Nhà máy điện gió Tân Thuận; các dự án điện gió 1A, 1B…
Nhìn chung, kinh tế của huyện Đầm Dơi trong những năm gần đây phát triển khá; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân tiếp tục cải thiện, nâng lên. Công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn được giữ vững.
- Vậy thế mạnh của địa phương là gì, thưa ông?
Huyện Đầm Dơi có chiều dài bờ biển khoảng 25km, với nhiều cửa sông lớn thông ra biển như Giá Cao, Giá Lồng Đèn, Hố Gùi… nên thuận lợi cho phát triển kinh tế thủy sản, nhất là nuôi tôm công nghiệp. Thế mạnh của huyện là nuôi trồng thủy sản. Các năm qua, thế mạnh này được huyện khai thác và phát huy hiệu quả.
Tính đến nay, toàn huyện có 2.018ha diện tích nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, với 2.846 hộ nuôi. Trong đó, 639ha với 1.043 hộ nuôi tôm thâm canh; 1.379ha với 1.803 hộ nuôi tôm siêu thâm canh và 44.565ha diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến, tôm kết hợp trồng rừng trên 5.000ha.
Tổng sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản hàng năm đạt trên 120.000 tấn, vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Mức tăng trưởng vượt bậc cả về diện tích, năng suất lẫn sản lượng hằng năm của loại hình nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn huyện Đầm Dơi đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh Cà Mau. Bên cạnh con tôm, Ðầm Dơi còn phát triển nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, nổi bật là cua, sò huyết, vọp... góp phần mang lại thu nhập ổn định, chất lượng đời sống người dân được nâng lên.
Trong những năm qua, huyện Đầm Dơi đã kêu gọi các công ty, doanh nghiệp đầu tư các sản phẩm thủy sản đạt chứng nhận quốc tế đối với loại hình tôm rừng, tôm hữu cơ với diện tích 3.000ha tại các xã Tân Tiến, Tân Thuận và Nguyễn Huân. Khi được phê duyệt quy hoạch, huyện sẽ kêu gọi nhà đầu tư xây dựng khu trại sản xuất giống thủy sản tập trung, nhà máy chế biến, nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản tại khu công nghiệp xã Tân Thuận.
- Địa phương đã vạch ra lộ trình, mục tiêu như thế nào trong việc lập quy hoạch xây dựng hạ tầng giao thông thúc đẩy nền kinh tế phát triển?
Thời gian qua, huyện Đầm Dơi tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Huyện ủy, HĐND huyện về đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn. Nhờ đó, hệ thống giao thông nông thôn của huyện, nhất là các tuyến đường quan trọng ở các ấp đã được đầu tư xây dựng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH và làm thay đổi bộ mặt nông thôn trên địa bàn.
Đến nay, huyện hiện có 1.481km đường giao thông. Trong đó, đường tỉnh là 59km, đường huyện có 150km được kết nối về đến trung tâm các xã, đường đô thị có 25,6km và đường xã có 1.272km.
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục huy động các nguồn vốn đầu tư các dự án, công trình trọng điểm, cấp thiết theo lộ trình. Ưu tiên đầu tư các công trình có tính kết nối giữa huyện với tỉnh, huyện với huyện và liên kết xã với xã trong huyện. Tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương, tỉnh, huyện kết hợp huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng khu, cụm công nghiệp tạo bước đột phá, chuyển biến mạnh mẽ làm nền tảng thúc đẩy phát triển KT-XH.
Về lộ trình, huyện Đầm Dơi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đêm; cân đối hài hòa giữa phát triển KT-XH và bảo vệ môi trường. Phát triển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Cơ cấu lại sản xuất ngư - nông - lâm nghiệp theo hướng hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; cơ cấu lại sản phẩm theo 3 nhóm sản phẩm chủ lực.
Chuyển đổi ngành nông nghiệp theo hướng phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số, nông nghiệp chia sẻ để thích nghi và phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Nâng cao trình độ, năng lực của nông dân trong việc tiếp cận công nghệ số phục vụ sản xuất, kinh doanh. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng trung tâm đầu mối gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản.
Phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ rừng và bờ biển; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến công nghệ cao. Tập trung thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng cảng biển, hệ thống kho, bãi hàng hóa, phục vụ nhu cầu lưu thông hàng hóa nội địa và hướng tới hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa.
Phát huy tiềm năng, lợi thế về biển; phát triển khoa học công nghệ và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế. Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ môi trường để xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn, mô hình kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tận dụng được các cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Xây dựng và phát triển hiệu quả các khu, vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Mục tiêu của huyện Đầm Dơi đến năm 2030, phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt 43,8%; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có trên 35% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 65% (tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 30%); tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia trên 80%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,5%/năm; thu nhập bình quân trên đầu người khoảng 80 triệu đồng.
Lộ trình được vạch sẵn, có mục tiêu cụ thể, tin rằng với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận cao của người dân, huyện Đầm Dơi sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.