Các DN công nghiệp quốc phòng - an ninh đã có lợi thế kinh tế hơn hẳn các DN tư nhân. Việc thêm ưu đãi để họ sản xuất công nghệ lưỡng dụng bán ra thị trường dân sự sẽ tiếp tục tạo ra ưu thế kinh tế cho các doanh nghiệp này, cạnh tranh bất bình đẳng với DN tư nhân.

Ưu đãi DN quốc phòng phát triển công nghệ lưỡng dụng: Cần đánh giá kỹ tác động

Lam Thanh | 06/09/2022, 17:29

Các DN công nghiệp quốc phòng - an ninh đã có lợi thế kinh tế hơn hẳn các DN tư nhân. Việc thêm ưu đãi để họ sản xuất công nghệ lưỡng dụng bán ra thị trường dân sự sẽ tiếp tục tạo ra ưu thế kinh tế cho các doanh nghiệp này, cạnh tranh bất bình đẳng với DN tư nhân.

VCCI vừa có góp ý cho Dự thảo Đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Lo ngại cạnh tranh không bình đẳng với doanh nghiệp tư nhân

Dự thảo đưa ra các quy định về ưu đãi thuế, phí, vốn vay cho doanh nghiệp để đầu tư sản xuất, nghiên cứu phát triển sản phẩm, công nghệ lưỡng dụng.

VCCI cho rằng các quy định này cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn. Trọng tâm chính của việc phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh vẫn phải là phát triển các công nghệ, sản phẩm theo yêu cầu của quân đội, công an.

Việc công nghệ, sản phẩm đó có đặc tính lưỡng dụng có thể mở thêm cơ hội kinh doanh cho các cơ sở sản xuất (quốc phòng, an ninh). Tuy nhiên, hoạt động này chỉ nên coi như một hoạt động bên lề nhiệm vụ chính, nhằm tận dụng năng lực sản xuất đã được đầu tư.

“Việc đưa ra các chính sách ưu đãi, bản chất là các công cụ kinh tế, có thể ảnh hưởng đến mức độ ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh trong hệ thống các cơ sở sản xuất liên quan”, VCCI nêu.

Ngoài ra, VCCI cũng cho rằng điều này có nguy cơ tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng với khối doanh nghiệp tư nhân. Nhiều lĩnh vực công nghiệp lưỡng dụng như hoá nổ, quang điện tử, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới… cũng là các lĩnh vực kinh doanh đang được khối doanh nghiệp tư nhân tích cực đầu tư nguồn lực phát triển.

cn.jpg
VCCI góp ý cho Dự thảo Đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Trong khi đó, doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, an ninh được Nhà nước tài trợ việc nghiên cứu, sản xuất, trang bị tài sản, cơ sở vật chất từ nguồn ngân sách Nhà nước (và các ưu đãi khác như tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư – hành chính…), vì đây là nhiệm vụ quan trọng quốc gia.

“Có thể thấy, các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, an ninh đã có lợi thế kinh tế hơn hẳn các doanh nghiệp tư nhân. Việc bổ sung các ưu đãi về kinh tế để khuyến khích doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sản xuất công nghệ lưỡng dụng bán ra thị trường dân sự sẽ tiếp tục tạo ra ưu thế kinh tế cho các doanh nghiệp này. Điều này có thể cạnh tranh không bình đẳng với các sản phẩm do các doanh nghiệp tư nhân sản xuất”, VCCI nêu.

Ưu tiên doanh nghiệp nội địa

Về chuyển đổi giữa công nghệ quốc phòng – an ninh và dân sinh, VCCI cho hay, một hướng phát triển của công nghiệp quốc phòng là các sản phẩm, công nghiệp có thể ứng dụng cả trong hoạt động quốc phòng và các hoạt động kinh tế. Tuy vậy, cũng cần lưu ý là việc chuyển đổi giữa công nghệ quốc phòng – an ninh với công nghệ dân sinh cũng yêu cầu một lượng thời gian và công sức không nhỏ, chưa kể đến vấn đề liên quan đến phát triển thị trường.

“Nói như thế cũng có nghĩa là các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh có thể gặp rủi ro trong quá trình thương mại hóa sản phẩm cho thị trường dân sự”, VCCI nhận định.

Để giảm thiểu rủi ro đó, các doanh nghiệp thường sử dụng mô hình chuyên môn hóa công việc (một doanh nghiệp chỉ tập trung vào mảng hoạt động cốt lõi của mình). Có thể hiểu, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sẽ chịu trách nhiệm phát triển công nghệ quốc phòng, an ninh theo yêu cầu của Nhà nước. Nếu công nghệ lưỡng dụng, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sẽ nghiên cứu, chuyển giao phần công nghệ có thể phát triển thành công nghệ dân sự cho doanh nghiệp dân sinh. Doanh nghiệp dân sinh này sẽ chịu trách nhiệm phát triển, sản xuất và kinh doanh sản phẩm này.

VCCI cho rằng mô hình này có điểm thuận lợi là chuyên môn hóa hoạt động của các doanh nghiệp liên quan.

Cụ thể, doanh nghiệp quốc phòng có thể tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi là sản xuất và phát triển các sản phẩm công nghiệp quốc phòng.

Các doanh nghiệp sẽ không phải mất thời gian nghiên cứu nhu cầu thị trường dân sự; nghiên cứu phát triển các sản phẩm cho thị trường dân sinh (trong nhiều trường hợp có yêu cầu khác biệt hơn so với yêu cầu sản phẩm quốc phòng như kiểu dáng thời trang, một số tính năng phục vụ nhu cầu giải trí…) và phát triển thị trường (xây dựng kênh phân phối, quảng bá…).

Doanh nghiệp dân sinh có hiểu biết về nhu cầu thị trường, đồng thời cũng đã xây dựng hệ thống và mạng lưới kinh doanh. Các doanh nghiệp này sẽ có ưu thế trong việc thương mại hóa, góp phần tối đa hóa lợi nhuận và tiềm năng của công nghệ, sản phẩm lưỡng dụng.

Tuy nhiên, dự thảo chưa có chính sách nào liên quan đến việc cho phép, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia vào mô hình này.

Dự thảo quy định các chính sách cho phép và khuyến khích doanh nghiệp dân sinh tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng – an ninh. Chính sách này là rất cần thiết nhằm huy động nguồn lực dân sinh cùng Nhà nước phát triển công nghiệp quốc phòng – an ninh.

Để chính sách này hiệu quả, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo lưu ý việc đảm bảo tính ổn định của chính sách.

Các doanh nghiệp nếu muốn tham gia vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ cao, cần có sự đầu tư về cơ sở vật chất và công nghệ phù hợp. Các hoạt động này có thể tốn một khoản đầu tư lớn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể rất ngần ngại bỏ chi phí đầu tư nếu như có những rủi ro lớn khiến họ không chắc chắn về lợi nhuận.

Một trong các vấn đề lo ngại của doanh nghiệp là sự thay đổi của chính sách, chẳng hạn lĩnh vực được phép tham gia, hoặc tỷ lệ sản phẩm quốc phòng, an ninh giao cho các doanh nghiệp dân sinh.

Về đối tượng hưởng chính sách, dự thảo đang quy định cho phép các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng – an ninh. Cần lưu ý rằng, lĩnh vực quốc phòng – an ninh là một trong số ít các lĩnh vực ít bị ràng buộc bởi các cam kết thương mại quốc tế, chẳng hạn như quy tắc đối xử công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp hay đấu thầu rộng rãi quốc tế.

Do vậy, cơ quan soạn thảo nên cố gắng tận dụng không gian chính sách này để hỗ trợ và ưu tiên cho các doanh nghiệp nội địa, giúp nâng cao tiềm lực của các doanh nghiệp này, đóng góp vào quá trình xây dựng nền công nghiệp dân sinh và nền công nghiệp quốc phòng – an ninh của Việt Nam.

Bài liên quan
Trí tuệ nhân tạo (AI) 'thay máu' doanh nghiệp thế nào?
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo mang lại hiệu quả quản lý kinh doanh cho các doanh nghiệp như: cải thiện trải nghiệm người dùng, tối ưu quy trình quản lý chuỗi cung ứng, tối ưu hoá chiến lược marketing...

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ưu đãi DN quốc phòng phát triển công nghệ lưỡng dụng: Cần đánh giá kỹ tác động