Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tăng trưởng kinh tế hiện nay phụ thuộc nhiều vào ngoại lực, có tính tập trung cao tại một số tập đoàn đa quốc gia lớn và chứa đựng bất ổn, không bảo đảm tính bền vững.
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14 diễn ra sáng 22.5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.
Trong phần báo cáo của mình, ông Thanh cho rằng Việt Nam chưa tận dụng được những lợi thế từ khối doanh nghiệp FDI, trong khi tăng trưởng lại đang phụ thuộc nhiều vào những doanh nghiệp này.
Báo cáo nêu rõ, thu hút vốn FDI trong 4 tháng đầu năm tăng cao với tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 10,58 tỉ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo ông Thanh, có ý kiến cho rằng đây là nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế nhưng chiến lược thu hút FDI cũng bộc lộ những vấn đề bất cập. Đó là các doanh nghiệp FDI được hưởng nhiều ưu đãi nhưng không khai thác được lợi thế của những doanh nghiệp này.
“Việc chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế, nhất là đối với hình thức 100% FDI và có thể chứa đựng những rủi ro nếu tiếp nhận các công nghệ cũ do các nước dịch chuyển lên trình độ công nghệ mới”, ông Thanh nói.
Hiệncơ cấu xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp FDI và mặc dù Việt Nam đang có lợi thế so sánh tốt hơn nhiều nước ở khu vực ASEAN và Trung Quốc trong quan hệ thương mại và đầu tư quốc tế, nhưng chưa có giải pháp căn cơ để tận dụng các cơ hội thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao hơn.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, tăng trưởng kinh tế hiện nay phụ thuộc nhiều vào ngoại lực, có tính tập trung cao tại một số tập đoàn đa quốc gia lớn chứa đựng bất ổn và không bảo đảm tính bền vững. Cùng với đó, doanh nghiệp trong nước không kết nối được với doanh nghiệp FDI khi đầu vào phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp FDI chủ yếu là nhập khẩu.
“Nguyên nhân sâu xa và mang tính căn bản khiến cho GDP đạt thấp là do cơ cấu kinh tế chưa có chuyển biến mạnh, thiếu liên kết và thực lực doanh nghiệp trong nước yếu, chưa đủ sức cạnh tranh”, ông Thanh nói.
Giá trị GDP của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào sản lượng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Nội dung trên cũng tương đồng với nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế trước đó. Nhận định tại Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 1/2017, TS Nguyễn Đức ThànhViện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, hầu hết các ngành công nghiệp suy giảm một cách bất thường khiến tình hình tăng trưởng không đạt được như kỳ vọng. Quan trọng hơn, giá trị GDP của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào sản lượng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt một số công ty lớn như Samsung.
“Nếu như một nguyên nhân chính của việc suy giảm tăng trưởng được cho là bắt nguồn từ tính thời vụ trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Samsung, thì điều ấy cho thấy một khuynh hướng ngày càng rõ nét về sự lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào một số ít tập đoàn đa quốc gia và ngành hàng chính”, ông Thành cho biết.
Vẫn theo TS Thành, luồng vốn FDI vào Việt Nam đã có dấu hiệu suy giảm qua lượng FDI giải ngân cũng như dòng vốn đăng ký mới. Có thể nói, lợi thế thu hút đầu tư thông quaHiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang bị mất đi, Việt Nam còn khiến những bất lợi trong quá trình hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)bộc lộ rõ hơn. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài chuyển hướng sang các nước lân cận đầu tư, thay vì Việt Nam.
Trong một chia sẻ gần đây với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cũng nhận định, giai đoạn từ năm 2000 đến nay, nền kinh tế Việt Nam luôn trong tình trạng nhập siêu cao. Tuy nhiên, các loại hàng hóa nhập khẩu lại chủ yếu phục vụ cho khu vực FDI - một khu vực mà hầu hết máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu… dùng cho sản xuất chủ yếu phải nhập khẩu, và sau đó lại phục vụ cho xuất khẩu. Những mặt hàng xuất khẩu như điện tử, máy tính và linh kiện, điện thoại và các loại linh kiện, hàng dệt may, giày dép... mang nặng tính lắp ráp gia công, hàm lượng giá trị gia tăng thấp, hiệu quả cho nền kinh tế cũng không cao.
“Suốt hàng chục năm nay, khu vực FDI luôn xuất siêu và khu vực kinh tế trong nước luôn nhập siêu. Điều này phần nào cho thấy khu vực FDI đang dần lấn lướt hoàn toàn khu vực kinh tế trong nước nhưng hàm lượng giá trị gia tăng của khu vực FDI đóng góp vào nền kinh tế không tương xứng”, ông Trinh nói.
Theo đó, giải pháp mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra là chính sách thu hút FDI cần có chọn lọc thay vì tận dụng chính sách năng lượng giá rẻ (chỉ khuyến khích ngành thép, xi măng...); nghiên cứu sớm tạo thể chế hình thành các khu hành chính - kinh tế đặc biệt; xây dựng các chính sách mang tính đột phá cho các trung tâm kinh tế lớn của cả nước như Hà Nội, TP.HCM.
Cùng với đó, Chínhp phủ cần thực hiện chính sách đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu, tránh tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một số mặt hàng của các doanh nghiệp FDI; thực hiện các chính sách chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, hạn chế xuất khẩu sản phẩm chưa qua chế biến…
Tăng trưởng quý 1/2017 ở mức thấp có nguyên nhân từ việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế chậm, nền kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào các ngành khai khoáng, chưa tìm được động lực mới thay cho công nghiệp khai khoáng và chưa tận dụng khai thác được thị trường nội địa.
Đề nghị Chính phủ cần có đánh giá khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm sẽ tác động như thế nào đến các chỉ tiêu khác như tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách... Bên cạnh đó cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.
(Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội)