“Mô hình tăng trưởng của chúng ta chuyển đổi chậm, vẫn dựa vào đầu tư quá nhiều và đầu tư kém hiệu quả. Càng đầu tư hiệu quả thấp thì càng nợ nhiều, nợ nhiều thì nợ công tăng lên”, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT) nói.

Không chấm dứt đầu tư công tràn lan thì không hạn chế được nợ công

Trí Lâm | 20/05/2017, 16:55

“Mô hình tăng trưởng của chúng ta chuyển đổi chậm, vẫn dựa vào đầu tư quá nhiều và đầu tư kém hiệu quả. Càng đầu tư hiệu quả thấp thì càng nợ nhiều, nợ nhiều thì nợ công tăng lên”, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT) nói.

Kiểm toán Nhà nước vừa hoàn thành báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015. Theo đó, nợ công đến 31.12.2015 là 2.556.039 tỉ đồng (hơn 2,5 triệu tỉ đồng). Nếu tính đầy đủ các khoản vay thực hiện trong năm 2016 để bù đắp bội chi năm 2014, 2015 số tiền 25.219 tỉ đồng và 8.171 tỉ đồng bù đắp bội chi năm 2015 đến thời điểm kiểm toán Bộ Tài chính chưa vay, thì nợ công là 2.589.429 tỉ đồng (gần 2,6 triệu tỉ đồng).

Như vậy, nợ công năm 2015 bằng 61,8% GDP, riêng nợ Chính phủ 2.098.022 tỉ đồng (gần 2,1 triệu tỉ đồng), bằng 50% GDP.

Báo cáo cũng cho biết, mức chi ngân sách nhà nước thực tế quyết toán là 1.265.625 tỉ đồng, vượt 88.525 tỉ đồng so với mức dự toán được Quốc hội thông qua. Trong đó chi thường xuyên chiếm 62,3% tổng chi NSNN với 788.500 tỉ đồng, vượt dự toán 11.500 tỉ đồng; Chi đầu tư phát triển trong năm đã quyết toán 308.853 tỉ đồng (khoảng 24,4% tổng chi NSNN, bằng 7,4% GDP).

Trong phiên họp mới đây của Ủy ban thường vụ Quốc hội về quyết toán NSNN năm 2015 nêu rõ nợ công,các chỉ số dư nợ công, dư nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép nhưng dư nợ Chính phủ đã chạm trần là 50% GDP, nợ công là 61,8% GDP.

Ủy ban thường vụ Quốc hộiđánh giá, công tác quản lý nợ công còn những hạn chế như: không lập báo cáo giám sát nợ và bản tin nợ công năm 2015; theo dõi, thống kê, tổng hợp số liệu nợ công chưa kịp thời, đầy đủ, chính xác. Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rút kinh nghiệm, tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công, ứng trước dự toán và tồn ngân kho bạc bảo đảm minh bạch, hiệu quả, an toàn tài chính quốc gia.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế GiớiTS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tốc độ tăng của nợ công ở Việt Nam rất nhanh, nhất là trong khoảng 5-6 năm nay. Nguyên nhân có thể kể đến là do đầu tư nhiều nhưng hiệu quả thấp, lạm phát cao, tăng trưởng chậm… Vấn đề vay nhưng đầu tư không có hiệu quả, trả nợ thiếu nguồn, quản lý không chặt hẽ.

Theo ông Hồ,NSNN bị thâm hụt cao, nguồn lực dành cho đầu tư phát triển, xây dựng cơ bản bị hạn chế, trong khi nhu cầu tư rất lớn. Do đó, để đáp ứng nhu cầu đầu tư thì phải đi vay, đặc biệt là ODA và bảo lãnh cho các DNNN vay nợ. Khi đến hạn không bố trí được nguồn vốn trả lại phải trích ngân sách hoặc đi vay để trả nợ.

“Mô hình tăng trưởng của chúng ta chuyển đổi chậm, vẫn dựa vào đầu tư quá nhiều và đầu tư kém hiệu quả. Càng đầu tư hiệu quả thấp thì càng nợ nhiều, nợ nhiều thì nợ công tăng lên. Đến bây giờ vẫn chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn này”, ông Hồ nhấn mạnh.

Theo chuyên gia này, nhiều nước trên thế giới nợ công cao nhưng họ không đáng lo, vì hiệu quả đầu tư cao nên họ vẫn trả được. Còn Việt Nam, vấn đề chính là hiệu quả đầu tư thấp chứ không hẳn là nợ.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT) cho rằng cơ quan quản lý nợ công còn phân tán.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14 chuẩn bị họp tới đây sẽ bàn về Dự thảo Luật Quản lý nợ công. Đáng nói, dù đã có Luật Quản lý nợ công 6 năm nay nhưng nợ công lại tăng nhanh một cách chóng mặt.

Theo góp ý của ông Lưu Bích Hồ, cần sửa Luật Quản lý nợ công sao cho chặt chẽ hơn trong vấn đề đầu tư cho đến vay nợ, vì xét cho cùng, vấn đề vẫn là đầu tư chứ không phải nợ. Nếu không chấm dứt được việc đầu tư công tràn lan, thiếu hiệu quả, quản chặt chẽ vốn phân bổ xuống các địa phương thì không bao giờ hạn chế được nợ.

Bên cạnh đó, DNNN phải tự lo làm ăn, tự chủ. Chính phủ không thể đứng sau doanh nghiệp bảo lãnh vay nợ được. Điều này không chỉ nâng cao sự trách nhiệm của DNNN mà còn tạo sự bình đẳng với các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế thị trường. Với những DNNN đã làm ăn thua lỗ, nếu cần thiết thì có thể cho phá sản, không thể lấy ngân sách để bù lỗ cho họ.

Do đó, giải pháp ông Hồ đưa ra là phải gắn Luật Quản lý nợ công với Luật Quản lý đầu tư công và Luật Quản lý vốn đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp. Cùng với đó, Luật Quy hoạch sắp tới cũng được Quốc hội thảo luận cũng phải được đồng bộ với Luật Quản lý nợ công, bởi vì đầu tư phải theo quy hoạch mà hiện nay công tác quy hoạch của chúng ta chưa hiệu quả cao.

Cùng với đó, ông Hồ cũng nhấn mạnh đến việc phải đẩy mạnh hơn nữa công tác cổ phần hóa DNNN và phải cổ phần hóa một cách thực chất, tránh gây thất thoát lớn, tránh trục lợi.

“Luật cũng không thể giải quyết được hết nợ công, quan trọng nhất vẫn là điều hành, quản lý cho đúng. Cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm hiện nay phân tán ở 3 nơi là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cho nên cần quy về một mối để quản lý nhưng vấn đề này rất khó. Do đó cần tăng cường sự phối hợp, mỗi khi bàn đến vấn đề gì cần nhiều bộ ngành xúm vào bàn, Chính phủ điều phối, tránh phân tán”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không chấm dứt đầu tư công tràn lan thì không hạn chế được nợ công