Pfizer vừa thông báo vắc xin RSV thử nghiệm cho phụ nữ mang thai bảo vệ trẻ sơ sinh chống lại bệnh nghiêm trọng trong ít nhất 6 tháng sau khi sinh.
Trong giai đoạn III của một nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng với giả dược, được coi là tiêu chuẩn vàng của các nghiên cứu dịch tễ học, vắc xin RSV của Pfizer được phát hiện có hiệu quả khoảng 82% trong việc ngăn ngừa các trường hợp nhiễm RSV (vi rút hợp bào hô hấp) nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh có mẹ đã tiêm phòng.
Mức độ bảo vệ này được quan sát từ khi trẻ mới sinh đến 3 tháng tuổi. Theo Pfizer, khi trẻ được 6 tháng tuổi, khả năng bảo vệ đã giảm đi, nhưng vắc xin này vẫn có hiệu quả chống lại bệnh tật là 69%.
Để đánh giá tính an toàn và hiệu quả của vắc xin, những phụ nữ mang thai tham gia nghiên cứu đã được quan sát thông qua tiêm chủng và trong 6 tháng sau khi sinh. Trẻ sơ sinh được theo dõi ít nhất 1 năm, với hơn một nửa được theo dõi trong 2 năm.
Kena Swanson, Phó chủ tịch phụ trách vắc xin vi rút của Pfizer, cho hay: "Tiêm vắc xin cho bà mẹ tận dụng lợi thế của khả năng bảo vệ trẻ sơ sinh ngay từ ngày đầu tiên. Điều này rất quan trọng vì cao điểm nhập viện ở những trẻ này do RSV là khoảng 1 đến 2 tháng tuổi".
Tiến sĩ Michael Chang, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi của UTHealth Houston và Bệnh viện Children Memorial Hermann (Mỹ), nói với Yahoo News: “Đây là một tin tuyệt vời”.
RSV là một loại vi rút đường hô hấp phổ biến gây ra các triệu chứng nhẹ, giống như cảm lạnh. Dù hầu hết trẻ em và người lớn nhiễm RSV thường hồi phục mà không có ảnh hưởng lâu dài đáng kể, Michael Chang giải thích rằng vi rút này có thể nghiêm trọng và thậm chí đe dọa tính mạng với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Nhiễm trùng nặng có thể dẫn đến viêm tiểu phế quản, viêm phổi.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, dịch RSV xảy ra ở hầu hết các vùng của Mỹ trong suốt mùa thu, mùa đông và mùa xuân. Tuy nhiên, năm nay, nó bắt đầu vào cuối mùa hè, sớm hơn nhiều so với dự kiến. Trong nhiều tuần qua, nhiều bệnh viện trên toàn quốc đã quá tải với số lượng bệnh nhi cao cần nhập viện.
Hôm 1.11, các quan chức ở Quận Cam, bang California (Mỹ) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe trong bối cảnh gia tăng các ca bệnh RSV, đang hạn chế nghiêm trọng khả năng phục vụ tại các bệnh viện nhi trong khu vực, tờ Los Angeles Times đưa tin.
“Gánh nặng của dịch RSV hàng năm là rất lớn từ khía cạnh cảm xúc và nguồn lực (ước tính chi phí hàng năm là 2,6 tỉ USD). Bất kỳ chiến lược nào có thể tạo ra tác động đáng kể để giảm bớt gánh nặng đó đều được đánh giá cao. Ngay cả khi chỉ giảm 50% trong số 55.000-125.000 ca nhập viện mỗi năm cũng sẽ là một sự cứu trợ đáng kể cho các gia đình và hệ thống chăm sóc sức khỏe”, Michael Chang nói về vắc xin RSV của Pfizer.
Theo Michael Chang, dù vắc xin này có tiềm năng trở thành “người thay đổi cuộc chơi”, ông lưu ý rằng có một số yếu tố cần được tính đến, bao gồm cả gánh nặng bệnh tật đáng kể xảy ra ở trẻ em trên 1 tuổi. Hơn nữa, Michael Chang nói rằng tỷ lệ tử vong do RSV là cao nhất ở trẻ sinh non hoặc mắc bệnh tim bẩm sinh có tím. Ông nói thêm, những bệnh nhân này có thể không được hưởng lợi từ loại tiêm chủng. Ông nói: “Tác động của việc tiêm vắc xin RSV cho bà mẹ với những quần thể đó vẫn còn được xem xét”.
Michael Chang lưu ý rằng việc tiêm vắc xin cho người mẹ trước đây đã được sử dụng thành công với bệnh ho gà và dữ liệu mới chỉ ra rằng những thai phụ tiêm vắc xin COVID-19 cũng có thể truyền kháng thể bảo vệ cho con của họ.
Michael Chang nói: “Các kháng thể của người mẹ chống lại nhiều bệnh nhiễm trùng được truyền qua nhau thai sang thai nhi đang phát triển, chủ yếu trong 4 đến 6 tuần cuối của thai kỳ. Nếu các bà mẹ được tiêm phòng vào cuối tam cá nguyệt thứ hai đến đầu tam cá nguyệt thứ ba và phát triển đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ, những kháng thể bảo vệ này có thể được chuyển sang trẻ sơ sinh”.
Tuy nhiên, ông nói rằng lượng kháng thể mẹ lưu hành ở trẻ sơ sinh thường giảm đáng kể sau 6 tháng và điều đó cũng có khả năng xảy ra với vắc xin RSV của Pfizer. Liệu sau này trẻ em có nên tiêm vắc xin để tiếp tục được bảo vệ hay không sẽ được xác định bởi các nghiên cứu sâu hơn.
Ngoài việc thử nghiệm vắc xin RSV ở phụ nữ mang thai, Pfizer cho biết dự định thử nghiệm vắc xin này ở các nhóm tuổi trẻ hơn cũng như với những người lớn tuổi, vốn cũng có nguy cơ bị nhiễm trùng nặng. Vào tháng 8, hãng dược phẩm Mỹ đã báo cáo kết quả đầy hứa hẹn cho việc thử nghiệm vắc xin RSV của mình ở người lớn tuổi.
Theo Pfizer, công ty có kế hoạch nộp đơn xin cấp phép vắc xin RSV cho Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vào cuối năm 2022. Nếu được phê duyệt, vắc xin RSV này có thể được tung ra vào cuối năm 2023 hoặc đầu 2024.
“Sau nhiều năm phải nói với các bậc cha mẹ rằng ‘Chúng ta chỉ cần điều trị các triệu chứng và chờ đợi con họ cải thiện khỏi nhiễm RSV’, tôi chờ đợi ngày có thể không bao giờ phải nghĩ về RSV nữa”, Michael Chang nói.
Nhiễm RSV ở trẻ nhỏ đang gia tăng ở Mỹ. Hiện tại chưa có vắc xin RSV được phê duyệt.
Pfizer và GSK Plc (Anh) đang chạy đua để phát triển vắc xin chống lại RSV, nguyên nhân hàng đầu gây viêm phổi ở trẻ mới biết đi và người lớn tuổi. Một vắc xin RSV hiệu quả sẽ tạo ra doanh thu hàng tỉ USD sau khi được phê duyệt.
Vào tháng 10, GSK Plc cho biết vắc xin RSV của họ có hiệu quả 82,6% trong một nghiên cứu giai đoạn cuối liên quan đến người lớn tuổi.
Angela Lukin, Chủ tịch Pfizer Mỹ, nói trong cuộc họp vào tháng 10 rằng vắc xin RSV của hãng có khả năng được phê duyệt cho phụ nữ mang thai cũng như người lớn, qua đó giúp Pfizer trở thành "công ty duy nhất có chỉ định cho cả thai phụ và người lớn tuổi".