Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, không thể để cảng Quy Nhơn trở về mô hình quản trị cũ với đối tác chiến lược là Vinalines, mà phải dựa vào các nhà đầu tư chiến lược tư nhân có năng lực quản trị và tiềm lực tài chính mạnh.
Thanh tra Chính phủ ngày 17.9 đã công bố kết luận về tiến trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn. Trong đó, kết luận chỉ ra nhiều sai phạm trong việc lựa chọn đối tác chiến lược và bán thỏa thuận 75% vốn nhà nước cho công ty Hợp Thành và Cảng Quy Nhơn sẽ trở thành doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ đa số thông qua đại diện là Vinalines.
Về vấn đề này, trao đổi với báo chí ngày 18.9, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, Cảng Quy Nhơn muốn phát triển mạnh mẽ để thúc đẩy kinh tế cho tỉnh Bình Định và các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên thì không thể trở về mô hình quản trị cũ với đối tác chiến lược là Vinalines, mà phải dựa vào các nhà đầu tư chiến lược tư nhân có năng lực quản trị và tiềm lực tài chính mạnh.
VAFI lý giải Vinalines mặc dù có tiến bộ so với trước kia, nhưng thực trạng hiện vẫn là một tập đoàn yếu kém về nhiều mặt, bộ máy quản lý cồng kềnh cộng với cơ chế quản trị yếu kém. Vinalines vừa hoàn tất sơ bộ cổ phần hóa nhưng hầu như không thu hút được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Mặt khác, các đơn vị cảng hiện do Vinalines quản lý đều có năng suất lao động thấp, hiệu quả sinh lời của đồng vốn thấp. Chẳng hạn như khu vực các cảng tại Hải Phòng, CTCP Cảng Hải Phòng (trực thuộc Vinalines) là đơn vị nắm giữ và sở hữu nhiều cầu cảng nhất, ở các vị trí khai thác thuận lợi nhất nhưng doanh thu, lợi nhuận, sản lượng hàng thông qua cảng đều thua xa các đơn vị tư nhân ít cầu cảng như Gemadept, Viconship... Điều này cho thấy rằng không phải cứ Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối là đảm bảo an ninh quốc phòng, là đảm bảo công cuộc phát triển kinh tế cho cả vùng kinh tế.
Theo đó, Hiệp hội này đề xuất phải thúc Cảng Quy Nhơn nhanh chóng niêm yết để thực hiện minh bạch tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư. Tiếp theo là tổ chức bán đấu giá công khai 75% cổ phần nhà nước cho các nhà đầu tư chiến lược. Cần phải đưa ra chi tiết tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược tốt nhất cộng với cam kết đầu tư lâu dài.
Thanh tra Chính phủ cho biết năm 2009, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 2190 phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Quy Nhơn là cảng đầu mối khu vực (loại I), cảng tổng hợp quốc gia là cảng chính trong hệ thống cảng biển Việt Nam.
Ngày 4.2.2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 276/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) giai đoạn 2012 -2015; trong đó Vinalines thực hiện cổ phần hóa tại các doanh nghiệp cảng biển và nắm giữ 75% vốn điều lệ tại 9 doanh nghiệp, trong đó có Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn. Tuy nhiên, sau đó Bộ GTVT đã chỉ đạo Vinalines bán và thoái vốn khỏi Cảng Quy Nhơn với tổng số tiền thu được là 536,9 tỉ đồng.
Qua kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ việc cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn có nhiều sai phạm liên quan đến trách nhiệm của nhiều tổ chức, cá nhân. Theo đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì, chỉ đạo thực hiện việc thu hồi 75,01% cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn về sở hữu nhà nước.
Tuyết Nhung