Ngồi với bác Nguyễn Duy, ta không bị cái cảm giác e dè trước một người đầy chữ nghĩa, giỏi giang bởi bác chả bao giờ có ý soi mói xem ta là đứa nào, làm gì, sao lại ngồi ở đây...

Vài lần gặp bác Nguyễn Duy thi sĩ xứ Thanh (tiếp)

05/06/2017, 06:23

Ngồi với bác Nguyễn Duy, ta không bị cái cảm giác e dè trước một người đầy chữ nghĩa, giỏi giang bởi bác chả bao giờ có ý soi mói xem ta là đứa nào, làm gì, sao lại ngồi ở đây...

Nhà thơ Nguyễn Duy - Ảnh: N.T

>> Vài lần gặp bác Nguyễn Duy thi sĩ xứ Thanh

Có lần nhà thơ Vũ Xuân Hương, một tay thạo tiếng Nga như đám đầu đen ta thạo tiếng Việt, từng học ở Trường viết văn M.Gorki bên Liên Xô, bảo tôi: Trong giới văn nghệ xứ Thanh, anh Nguyễn Duy thuộc nhóm chiếu trên, top 3, còn lại chùi chân ngồi xuống đất hết. Tôi hỏi top 3 gồm những ai, Xuân Hương gạch đầu dòng: một Hữu Loan, hai Xuân Sách, ba Nguyễn Duy. Nghĩ lại thì thấy Hương có lý, bởi 3 vị đô đầu, tiên chỉ này đâu phải chỉ vo tròn ở xứ Thanh, cứ nói tên ra là cả nước gật đầu lia lịa cho mà xem. Lạ cho cái đất thang mộc, nơi mà thầy phù thủy-nhà cai trị Cao Biền đời nhà Đường bên Tàu phải thân chinh sang tận nơi trấn yểm, đã sinh ra lắm vua lắm chúa, lại còn giành được cả phần danh sĩ văn nhân.

Ngồi với bác Duy, ta không bị cái cảm giác e dè trước một người đầy chữ nghĩa, giỏi giang bởi bác chả bao giờ có ý soi mói xem ta là đứa nào, làm gì, sao lại ngồi ở đây. Dường như trong mắt bác Duy, ông viện sĩ, giáo sư hay đứa bình dân viết lách vớ vẩn linh tinh vớ vẩn như tôi đều là con người, đáng tôn trọng hết. “Hơn nhau tấm áo manh quần/Cởi ra mình trần ai cũng như ai”. Lại nhớ có lần mấy anh em rủ nhau đến thắp hương cúng trăm ngày cho chị Huyền, bạn đồng khóa 16 Văn khoa Tổng hợp Hà Nội với bác Duy, ở ngôi chùa Lâm Tế trên đường Nguyễn Trãi, Q.1. Trong lúc sư ông làm lễ, mấy anh em ngồi chuyện vãn với nhau, bác Duy bảo, đại khái là đời đứa nào rồi cũng như cái Huyền, chỉ còn nhúm tro, thù ghét nhau, hờn giận nhau, ham hố này nọ làm gì. Sống ngày nào cho tử tế ngày ấy có phải hơn không.

Một sáng tháng 11.2014, chị Nguyễn Thế Thanh nhắn tôi em ơi có rảnh thì ghé chung cư Vĩnh Viễn, quận 10 chụp giùm cho mấy tấm ảnh kỷ niệm buổi trao nhà cho bà quả phụ trung tá Ngụy Văn Thà. Gì chứ tham gia vào việc nghĩa của chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa do anh Osin Huy Đức cùng chị Thanh, bác Đỗ Thái Bình... chủ trương thì chả có gì phải chần chừ nấn ná. Tôi nhào qua, bác Duy đã ở đấy rồi, có cả chị Thanh, anh Huy Đức, bác Đỗ Thái Bình, bác chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nhà báo Viễn Sự bên tờ Tuổi Trẻ… Phải kể ra như thế bởi đó là những con người dũng cảm. Khi tôi đến tầng trệt chung cư, nhác thấy những người rất nghiêm cẩn, nhìn soi mói, hỏi đi đâu, có phải lên chỗ Nhịp cầu Hoàng Sa trao nhà cho bà Thà không. Tôi đoán ngay họ là ai, họ đang làm nhiệm vụ. Dính vào rất phiền phức. Nhưng các anh chị ấy cứ đến làm việc nghĩa, bất chấp sự phiền. Bác Duy thắp hương trên bàn thờ vị trung tá hy sinh bảo vệ Hoàng Sa rất kính cẩn, bác nói với tôi “Huy Đức và bạn bè làm được những việc thế này là quý lắm, không mấy ai được như họ đâu”.

Lại có lần, hình như tháng 7.2008, tôi và ông bạn, nhà báo Xuân Ba tới tận 43 Đồng Khởi (phòng nhì của báo Văn Nghệ) thăm bác Duy. Thực ra thì nhân dịp báo Văn Nghệ có tổ chức một cái triển lãm mini về sách. Vừa may, đủ văn võ bá quan tề tựu: chị Nguyễn Thế Thanh, nhà báo Thúy Nga (báo Tuổi Trẻ), bác nhà văn Nguyễn Trí Huân, bác giáo sư xã hội học Tương Lai… Triển lãm xong rồi, tụ họp với nhau trong phòng khách nhỏ đơn sơ của báo. Xuân Ba cười cười, bảo đừng thấy nhỏ vài chục mét vuông như vầy mà khinh khi nhé. Đất đường Đồng Khởi không chỉ đất vàng đâu, mà phải nói kim cương mới chính xác. Cả tỉ đồng mỗi mét vuông đấy. Tôi lè lưỡi, tự dưng đi rón rén, không dám bước mạnh, giống như sợ đạp phải tiền. Trong cuộc trà, bác Duy kể lại chuyến đi Paris, có cả việc mày mò tìm hiểu, đến tận nhà riêng bà Madeleine Riffaud, gặp bà nghe bà kể lại thiên tình sử đầy bí mật với nhà văn Nguyễn Đình Thi, rồi chuyện ông con cụ Thi là Nguyễn Đình Chính tới tìm bà người yêu của bố mình như thế nào, bà dì ghẻ Pháp này đối xử thân tình ra sao… thật thú vị. Bất chợt nghĩ, tất tật mọi chất liệu thô trong đời, qua bộ não, ngôn ngữ và phong cách kể của Nguyễn Duy, đều trở nên tinh tế, hấp dẫn. Tôi vô tình nghe trộm được bác Nguyễn Trí Huân thì thầm bỏ nhỏ vào tai bác giáo sư Tương Lai: Ông ạ, xã hội mình còn nhiều điều chưa sáng tỏ, chờ được giải mật thì còn khướt.

Nhà thơ Nguyễn Duy và Giáo sư Tương Lai ai nấy có những phút trầm tư trong cuộc chuyện trò - Ảnh: N.T

Lại quay về buổi tụ họp ở nhà lão gia Phương Văn Dần (tôi đã viết ở kỳ trước). Đang giở buổi rượu, Nguyễn Huy Hoàng bảo, thôi, bây giờ chúng ta có tiết mục mới, nghe anh Duy… đọc thơ. Bác Duy cười. Cô nhà báo VTV Tôn Hiền nháy tôi, anh Hoàng bày nhiều thứ hấp dẫn quá. Cứ tưởng bác Duy từ chối, ai ngờ bác vui vẻ đồng tình. Hoàng lại vẽ đường cho hươu chạy: Anh ạ, anh cứ đọc một bài thôi, Nhìn từ xa… Tổ quốc là đủ rồi.

Viện sĩ Trần Đình Lâm ngồi sát cạnh rót “hầu” bác Duy một chung rượu đầy. Kính cẩn nâng chung rượu, như bất kỳ người tử tế có văn hóa nào, bác Duy mời một vòng như để cảm ơn cái thịnh tình của công chúng đang im phăng phắc trầm tư dành cho mình, nhẹ nhàng làm một hơi cạn. Và đọc, mấy trăm câu thơ, không sót một chữ:

“Đối diện ngọn đèn
Trang giấy trắng như xeo bằng ánh sáng…”.

Cả căn phòng lặng như tờ, chỉ còn mỗi âm thanh giọng đọc của Nguyễn Duy. Chúng tôi lúc ấy như đang một thế giới riêng, tách hẳn khỏi mọi ồn ào, chuyển động ở ngoài kia. Không còn xe chạy, máy nổ, khói bụi, người qua người lại, tắt hẳn những hoạt động đời thường. Chỉ còn Nguyễn Duy đang đọc thơ. Mọi người đang thẫn thờ, chợt giật nẩy mình khi nghe đến đoạn:

“Ai?
Ai?
Ai?
Không ai!
Không ai!
Không ai!”.

Phục cho cái trí lự Nguyễn Duy. Bài thơ này viết từ mấy chục năm trước, vậy mà nhấn nhá xuống dòng, không sót một chữ. Nghe xong, tất cả đám công chúng của thần tượng Idol xứ Thanh, Idol Việt Nam Nguyễn Duy có mặt tại nhà ông Phương Văn Giời (tên gọi đùa của bác Dần) bất giác trầm ngâm đến mấy phút. Chả ai nói gì. Dường như cái câu hỏi nhức nhối “Ai, ai, ai?” và trả lời "Không ai, không ai, không ai?" kia khiến người ta tự cảm thấy mình có lỗi với cuộc đời này.

Nguyễn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vài lần gặp bác Nguyễn Duy thi sĩ xứ Thanh (tiếp)