Ngay từ xưa thông tin đã đóng vai trò tổ chức và phát triển xã hội. Bất cứ cộng đồng nào cũng chỉ có thể tồn tại bằng cách truyền tin, dù đó mới chỉ là tiếng nói, tín hiệu, hình ảnh hay cử chỉ.
Kiến thức - Học thuật

Vai trò của thông tin với tiến bộ xã hội

theo Giáo trình Thông tin học 21:32 21/07/2024

Ngay từ xưa thông tin đã đóng vai trò tổ chức và phát triển xã hội. Bất cứ cộng đồng nào cũng chỉ có thể tồn tại bằng cách truyền tin, dù đó mới chỉ là tiếng nói, tín hiệu, hình ảnh hay cử chỉ.

thongtin.jpg
Thông tin là sức mạnh của thời đại

Người ta sớm nhận thức được rằng một khi đã nắm được và truyền được thông tin thì tức là đã có thêm một thứ quyền lực, giống như một sức mạnh vật chất. Có thể nói mọi thành tạo của lịch sử đều phụ thuộc vào thực trạng của các dòng tin, cũng như phụ thuộc vào sản xuất và trao đổi hàng hoá. Ngoài ra quá trình tồn tại và phát triển của xã hội gắn chặt với sự chuyển giao thông tin giữa các thế hệ, trong đó giáo dục và đào tạo giữ vai trò trọng yếu.

Trong thời đại ngày nay, thời đại mà khoa học và công nghệ ngự trị trong đời sống tất cả mọi người thì thông tin - yếu tố tiếp sinh khí cho nó - giữ vai trò cực kỳ trọng yếu.

Thông tin là nguồn lực phát triển và là nguồn tài nguyên đặc biệt của mỗi quốc gia

Hiện nay người ta thừa nhận rằng vật chất, năng lượng, thông tin và bản sắc văn hoá dân tộc là các nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia. Đặc biệt trong điều kiện cách mạng khoa học và công nghệ đang diễn ra với quy mô lớn như hiện nay, khoa học và công nghệ đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp của xã hội thì thông tin khoa học và công nghệ thật sự trở thành nguồn lực quan trọng tạo nên những ưu thế kinh tế và chính trị của mỗi nước. Và nếu như tiềm lực khoa học và kỹ thuật là điều kiện để nâng cao năng suất, hiệu quả của nền sản xuất xã hội thì thông tin khoa học và công nghệ được coi là yếu tố cực kỳ quan trọng của tiềm lực khoa học kỹ thuật.

Nếu như trước đây mọi nền kinh tế đều dựa chủ yếu vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, lấy việc khai thác và chế biến các tài nguyên thiên nhiên là nguồn chủ yếu tạo ra các của cải và sự giàu có cho xã hội, thì từ những năm cuối của thế kỷ 20, thông tin đã được xem là một nguồn tài nguyên kinh tế, giống như các tài nguyên khác như vật chất, lao động, tiền vốn... bởi vì việc sở hữu, sử dụng và khai thác thông tin có thể đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều quá trình vật lý và nhận thức.

Ngày nay, các hoạt động liên quan đến xử lý thông tin trong công nghiệp chế tạo cũng như trong việc giải quyết các vấn đề xã hội và con người tăng lên đáng kể. Khác với các nguồn tài nguyên khác, tài nguyên thông tin có thể mở rộng phát triển không ngừng và hầu như chỉ bị hạn chế bởi thời gian và khả năng nhận thức của con người. Khả năng mở rộng này thể hiện ở các thuộc tính sau đây:

(1) Thông tin lan truyền một cách tự nhiên;

(2) Khi sử dụng thông tin không bao giờ bị cạn đi mà trái lại càng trở nên phong phú do được tái tạo và bổ sung thêm các nguồn thông tin mới;

(3) Thông tin có thể chia sẻ, nhưng không mất đi trong giao dịch.

Với khả năng thay thế các nguồn tài nguyên khác, khả năng truyền với tốc độ rất cao và khả năng đem lại ưu thế cho người nắm giữ nó, thông tin đã thực sự trở thành cơ sở cho nhiều hoạt động xã hội như nghiên cứu, giáo dục, xuất bản, tiếp thị và cả hoạt động chính trị nữa. Mối quan tâm của xã hội đối với việc sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thông tin đã mở rộng từ các lĩnh vực truyền thống như thư viện, lưu trữ sang các tổ chức, các cơ quan, các ngành. Bây giờ ở đâu người ta cũng quan tâm đến việc quản lý và khai tác các nguồn tài nguyên thông tin.

Một khía cạnh nhận thức thứ hai về vai trò của thông tin trong những năm gần đây là ngày nay ở nhiều nước thông tin đã trở thành hàng hoá. Điều đó đã thúc đẩy hình thành một bộ phận mới trong nền kinh tế quốc dân, đó là khu vực dịch vụ thông tin. Khu vực này ngày càng tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ thông tin đa dạng, đóng góp một tỷ trọng đáng kể trong nền kinh tế quốc dân. Người ta thấy rằng khối lượng, chất lượng của các sản phẩm và dịch vụ thông tin đã trở thành tiêu chí đánh giá trình độ phát triển kinh tế của mỗi nước.

Thông tin là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế và sản xuất

Từ trước đến nay các hoạt động kinh tế và sản xuất đều cần đến thông tin. Các tổ chức sản xuất và kinh doanh đòi hỏi thông tin về nhu cầu đang thay đổi của khách hàng, các khuynh hướng thị trường đang tiến hoá, các vật liệu sản xuất mới đang xuất hiện, các thiết bị mới với khả năng kỹ thuật cao hơn, các công nghệ mới đang được áp dụng...

Chính quá trình liên hệ nhiều thông tin với nhau, dù ở xã hội nguyên sơ nhất, đã dần dần đưa đến kiến thức về những nguyên lý thông dụng trong sản xuất, giúp con người đổi mới và hoàn thiện các quy trình và phương pháp hiện hành. Đó chính là yếu tố quan trọng của sự phát triển, góp phần nâng cao sức sản xuất và tạo nên sự giàu có của xã hội. Từ giữa thế kỷ 20, nền sản xuất công nghiệp và kinh tế hàng hoá phát triển mạnh mẽ, nhiều nhu cầu thông tin và xử lý thông tin mới nảy sinh nhanh chóng và đòi hỏi được đáp ứng kịp thời, do đó vai trò của thông tin trong kinh tế ngày càng thêm quan trọng.

Trong điều kiện của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện nay, khoa học, kỹ thuật và sản xuất là các bộ phận có quan hệ khăng khít với nhau, tạo thành chu trình “Khoa học - Kỹ thuật - Sản xuất”. Trong đó mỗi bộ phận vừa là tiền đề, vừa là điều kiện thúc đẩy bộ phận kia phát triển. Thực chất của mối quan hệ hữu cơ này là trao đổi thông tin.

Phản ánh sự vận động của thông tin từ khoa học đến sản xuất và ngược lại, A.D. Urxul đã đưa ra mô hình liên hệ thông tin trong chu trình “Khoa học - Kỹ thuật - Sản xuất” thông qua tác động của quản lý như một hình tứ diện mà đáy là 3 điểm (Khoa học - Kỹ thuật - Sản xuất) đều có tác động qua lại với nhau đồng thời tác động với đỉnh còn lại của tứ diện là Quản lý.

Vì vậy thông tin có thể coi là bộ phận cấu thành chu trình “Khoa học - Kỹ thuật - Sản xuất”, góp phần rút ngắn quá trình từ nghiên cứu đến sản xuất và nâng cao hiệu quả của các lĩnh vực hoạt động này.

Ngày nay sự liên hệ giữa thông tin và máy móc mang tính chất động và hai chiều. Thông tin được sử dụng để điều hành máy móc trong sản xuất. Ngược lại máy móc lưu giữ thông tin trong quá trình sản xuất (hoặc kinh doanh), chế biến chúng để tạo ra thông tin mới, đưa đến quyết định điều hành sản xuất mới.

Cùng với sự phát triển vượt bậc của khả năng lưu giữ, chế biến, tính toán và giá thành ngày càng rẻ của máy tính điện tử và các phương tiện viễn thông, thông tin ngày càng được sử dụng hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh. Các hoạt động đó ngày càng tạo thêm nhiều giá trị gia tăng trong các khu vực kinh tế. Đến đầu những năm 90, khu vực thông tin đóng góp hằng năm gần 1/2 tổng sản phẩm kinh tế quốc dân (GDP) trong nhiều nước phát triển.

Công nghiệp hoá tại các nước tiên tiến sẽ tập trung vào phát triển mạnh dịch vụ, xuất khẩu dịch vụ, trong đó quan trọng nhất là ngành cung ứng thông tin. Điều này không có nghĩa là họ sẽ sản xuất ít hàng hoá đi mà là sản xuất ngày càng nhiều hàng hoá, nhưng với giá càng rẻ, khiến cho tỷ trọng đóng góp của hàng hoá vào GDP ngày càng nhỏ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Doanh nghiệp công nghệ số cần dấn thân vào lĩnh vực công nghệ mới, đổi mới sáng tạo
1 giờ trước Khoa học - công nghệ
Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng mỗi doanh nghiệp công nghệ số cần dấn thân vào những lĩnh vực công nghệ tiên phong, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, chủ động tiếp cận công nghệ mới và không ngừng đổi mới sáng tạo…
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vai trò của thông tin với tiến bộ xã hội