Như đã phân tích trong kỳ 1, tương lai của ngành chăn nuôi Việt Nam khi TPP và các FTA đi vào hoạt động trong thời gian tới rõ ràng không phải chỉ một màu đen. Vẫn có những tia sáng và thậm chí là những cơ hội lớn để phát triển cho ngành chăn nuôi.

Vẫn có tia sáng khi bò VN đấu với bò Mỹ trên sân nhà

Một Thế Giới | 21/01/2016, 15:16

Như đã phân tích trong kỳ 1, tương lai của ngành chăn nuôi Việt Nam khi TPP và các FTA đi vào hoạt động trong thời gian tới rõ ràng không phải chỉ một màu đen. Vẫn có những tia sáng và thậm chí là những cơ hội lớn để phát triển cho ngành chăn nuôi.

Vấn đề chủ yếu ở thời điểm hiện tại là vạch ra được một giải pháp tổng thể để phát triển ngành chăn nuôi hiện đại một cách nhanh nhất có thể, khi mà thời điểm TPP và các FTA đi vào thực hiện đã ở rất gần. Và thậm chí là cần phải gấp rút nhất có thể, vì khoảng cách giữa ngành chăn nuôi của các nước trong TPP với ở Việt Nam đang đạt mức độ lớn nhất và chênh lệch nhất. Vì thế, để vạch ra được một giải pháp, trước hết cần phải xác định rõ những vấn đề cơ bản cần khắc phục trước hết của chăn nuôi Việt Nam.

Các điểm yếu cố hữu của nền nông nghiệp cũng như ngành chăn nuôi Việt Nam
Trên thực tế, ngành chăn nuôi Việt Nam ở thời điểm hiện tại đang trong tình trạng gặp đúng những vấn đề cốt lõi và quan trọng nhất của nền nông nghiệp nước nhà. Đó là điều dễ hiểu khi ngành chăn nuôi là một trong 6 lĩnh vực chủ chốt nhất của ngành nông nghiệp. Sự lạc hậu của nền nông nghiệp Việt Nam sẽ tác động trực tiếp tới ngành chăn nuôi, vốn có sự liên kết chặt chẽ với nhau, vì thế những điểm yếu cố hữu của nền nông nghiệp cũng sẽ là những điểm yếu của ngành chăn nuôi Việt Nam. Đó là: quy mô nhỏ lẻ, tự phát, quy trình chăn nuôi lạc hậu và thủ công, dẫn đến năng suất rất thấp và chất lượng sản phẩm kém, trong khi chi phí sản xuất lại quá cao.
Theo thống kê của Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), thì hiện tại ở Việt Nam chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tới 40-50% tổng sản lượng chăn nuôi của cả nước; cá biệt có những lĩnh vực tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ lên tới hơn 60% như chăn nuôi trâu, bò. Việc chăn nuôi nhỏ lẻ theo nông hộ chiếm tỷ lệ lớn như vậy dẫn đến việc không thể áp dụng những dây chuyền chăn nuôi quy mô công nghiệp, nên năng suất thấp và giá thành lại quá cao. 
Theo thống kê, hầu hết các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đều có giá thành cao hơn các nước khoảng từ 20-40%. Đó là lý do vì sao, trong khoảng 3 năm trở lại đây, số lượng các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu vào Việt Nam đang gia tăng đáng kể, điển hình là thịt bò. Dù bị áp thuế nhập khẩu nhưng giá thành của thịt bò điển hình là của Australia vào thị trường Việt Nam vẫn chỉ khoảng trên 170.000 VNĐ/kg, trong khi thịt bò Việt Nam thì lại luôn cao hơn 200.000 VNĐ/kg.
Không chỉ có giá thành cao mà mô hình chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ hiện nay ở Việt Nam cũng đang khiến chất lượng các sản phẩm chăn nuôi bị đặt một dấu hỏi lớn. Điển hình là tình trạng sử dụng các chất bị khuyến cáo hạn chế sử dụng như kháng sinh hay các chất bổ trợ trong thức ăn chăn nuôi vẫn diễn ra rất tràn lan, như một cách để nâng cao hiệu quả chăn nuôi và rất khó có thể kiểm soát. 
Theo một thống kê của Ngân hàng thế giới, hệ thống chăn nuôi quy mô nhỏ với mức vệ sinh an toàn thấp chiếm tới trên 70% tổng sản lượng cung cấp ra thị trường. Theo tính toán, mô hình chăn nuôi thương mại quy mô lớn có thể đảm bảo mức độ an toàn cao chỉ chiếm khoảng 15% sản lượng cung cấp cho thị trường. Cùng với đó là số lượng trang trại đạt doanh thu trên 500 triệu đồng hàng năm ở Việt Nam chỉ ở mức khoảng 23.000, một con số khá thấp nếu so với các quốc gia có ngành chăn nuôi phát triển.
Chính tình trạng này dẫn đến việc trong khi hầu hết các lĩnh vực chủ chốt khác của ngành nông nghiệp như lúa gạo hay thủy hải sản thường xuyên ở trạng thái xuất khẩu, thì riêng ngành chăn nuôi ở Việt Nam lại rơi vào tình trạng phải nhập khẩu. Ở thời điểm hiện tại ngành chăn nuôi Việt Nam chưa đủ khả năng cung cấp đủ nhu cầu sản phẩm đạt chất lượng cho thị trường trong nước, nên các mặt hàng như thịt bò Australia hay thịt gà Thái Lan ngày càng xuất hiện rộng rãi hơn ở thị trường Việt Nam.

Những thách thức riêng của ngành chăn nuôi Việt Nam
Ngoài việc bị mắc cũng những điểm yếu căn bản của nền nông nghiệp Việt Nam mà ngành chăn nuôi là một bộ phận, thì ngành chăn nuôi Việt Nam cũng phải đối diện với những vấn đề riêng của ngành mình. Và khi mà ngành chăn nuôi bị đánh giá là ngành gặp nhiều sức ép nhất khi Việt Nam gia nhập TPP và các FTA, thì điều này có nghĩa là những vấn đề riêng đó đang đóng vai trò là sức ép chủ đạo. Nó đến từ hai vấn đề chủ chốt: điều kiện thuận lợi để phát triển ngành chăn nuôi ở Việt Nam không nhiều, trong khi ngành này lại phải đối đầu với những đối thủ quá mạnh.
Trước hết, ngành chăn nuôi Việt Nam không có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ở quy mô lớn, nếu như so sánh với các lĩnh vực khác của nền nông nghiệp như trồng trọt hay thủy hải sản. Việt Nam trước hết không có nhiều quỹ đất để phát triển mô hình các đàn gia súc khổng lồ ở nhiều địa phương như Mỹ hay Australia sở hữu. Cùng với đó là điều kiện thổ nhưỡng khí hậu, cũng như con giống ở Việt Nam đều thiếu thích hợp. Nhưng quan trọng hơn hết là thiếu các bộ phận hỗ trợ hiệu quả, nếu như ngành trồng trọt ở Việt Nam nhận được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp lai giống và chế tạo phân bón vốn là các yếu tố cơ bản cần thiết nhất cho việc sản xuất trồng trọt, thì ngành chăn nuôi Việt Nam lại không.
Hầu hết các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi quy mô lớn ở Việt Nam hiện nay như nuôi bò, đều phải nhập con giống từ nước ngoài với giá thành rất cao. Cùng với đó là thị trường thức ăn chăn nuôi lại đang nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Hiện Việt Nam phải nhập khẩu gần như toàn bộ các nguyên phụ liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi, như khô dầu đậu tương hay bột thịt cá với tổng kim ngạch lên đến 5-6 tỷ USD mỗi năm. Điều này dẫn đến việc giá thành thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam đang cao hơn các nước trên thế giới từ 10-20%, dẫn đến gia tăng chi phí trong quá trình chăn nuôi. Điều này đang đặt ra vấn đề Việt Nam cần phải tự phát triển việc cung cấp nguyên liệu cho quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi này, thay vì nhập khẩu toàn bộ từ nước ngoài như hiện nay.
Nhưng trên hết, là khó khăn đến từ những đối thủ cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam. Nếu như lĩnh vực xuất khẩu gạo Việt Nam chỉ phải cạnh tranh với một số ít các quốc gia cũng trồng lúa, thì ngành chăn nuôi bò hay gà lại là lĩnh vực mà hầu như nước nào trên thế giới cũng có. Nếu như đối thủ lớn nhất của lúa gạo Việt Nam chỉ là Thái Lan hay Ấn Độ - những quốc gia không vượt trội hơn Việt Nam quá nhiều về công nghệ hay điều kiện thuận lợi, thì đối thủ của ngành chăn nuôi lại là Mỹ và Australia  - những quốc gia có ngành chăn nuôi hiện đại và phát triển nhất trên thế giới. 
Các điều kiện cần thiết nhất để phát triển ngành chăn nuôi đều hội tụ đủ ở Mỹ và Australia, từ quỹ đất cho đến phát triển con giống và công nghệ hiện đại bậc nhất. Chắc chắn Việt Nam sẽ không có cơ hội để cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi Mỹ hay Australia tại một thị trường thứ ba dù có thay đổi và hiện đại hóa đến đâu chăng nữa, nhưng để chiếm lĩnh thị phần nội địa là điều ngành chăn nuôi trong nước có thể làm được.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ Adeco, DairyVietnam, CafeF)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vẫn có tia sáng khi bò VN đấu với bò Mỹ trên sân nhà