ĐBQH cho rằng trong bối cảnh thiếu cát sông để thực hiện các dự án lớn, phương án dùng cát biển để thay thế là một hướng tìm kiếm. Tuy nhiên, việc triển khai đại trà khi chưa đánh giá kỹ liệu có đánh cược với môi trường hay không.
Theo dòng thời sự

Vẫn còn băn khoăn việc dùng đại trà cát biển thay thế cát sông cho các dự án lớn

Lam Thanh 04/06/2024 10:00

ĐBQH cho rằng trong bối cảnh thiếu cát sông để thực hiện các dự án lớn, phương án dùng cát biển để thay thế là một hướng tìm kiếm. Tuy nhiên, việc triển khai đại trà khi chưa đánh giá kỹ liệu có đánh cược với môi trường hay không.

Lo ngại việc thay thế cát biển cho cát sông

Sáng 4.6, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Đặng Quốc Khánh.

ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho biết thời gian qua, để giải quyết khó khăn trong khai thác khoáng sản, nhất là vật liệu san lấp các công trình giao thông trọng điểm, Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để xử lý vấn đề này. Bà Ngọc đề nghị bộ trưởng cho biết cần luật hóa nội dung này thế nào nhằm đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, tạo sự thống nhất, chủ động cho chính quyền địa phương tổ chức thực hiện.

ĐBQH Trần Kim Yến (TP.HCM) cũng nêu, trong bối cảnh thiếu cát sông để thực hiện các dự án, nhất là các dự án đặc biệt quan trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long, phương án dùng cát biển để thay thế là một hướng tìm kiếm. Tuy nhiên, việc thay thế khi điều kiện chưa đáp ứng thì triển khai đại trà liệu có đánh cược với môi trường? Nhiều vấn đề đặt ra như hàm lượng muối trong cát biển có ảnh hưởng đến môi trường xung quanh hay không?

ĐBQH Phạm Văn Hòa cũng bày tỏ lo ngại việc sử dụng cát biển để làm đường nếu không khảo sát, đánh giá cụ thể có thể gây nhiễm mặn, ảnh hưởng đến đồng ruộng của người dân.

chat-van-2.jpeg
Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng việc sử dụng cát biển còn mang mặn vào giữa cánh đồng lũ trũng, nền đất yếu, nhất là tình trạng xâm nhập mặn đang ngày càng phức tạp. Bộ trưởng có giải pháp trước mắt và lâu dài như thế nào để có đủ nguyên vật liệu cho các dự án nhưng không làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đảm bảo được an ninh nguồn nước?

Trả lời câu hỏi của đại biểu về vật liệu san lấp, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, sự đồng lòng của các địa phương nên đến nay đã thực hiện cơ chế đặc thù về việc cấp vật liệu san lấp cho các dự án trọng điểm quốc gia, dự án cao tốc. Đến nay, tiến độ của các dự án này đạt yêu cầu đề ra.

Bộ trưởng khẳng định, cơ chế đặc thù của Quốc hội cho phép đã được triển khai rất hiệu quả. Để luật hóa nội dung này, theo luật hiện hành quy trình cấp mỏ giống như kim loại quý và chưa được phân loại, phân nhóm.

Để xử lý vấn đề này, Bộ TN-MT là cơ quan chủ trì soạn thảo trình Chính phủ trình Quốc hội Luật Địa chất và khoáng sản, trong đó đã phân loại 4 nhóm khoáng sản: kim loại quý, vật liệu xây dựng cao cấp, vật liệu xây dựng thông thường và vật liệu đất đá sỏi.

Trong đó, vật liệu đất đá sỏi sẽ được phân cấp cho các địa phương và không phải cấp phép mỏ nữa mà chỉ cần đăng ký, sau đó nộp nghĩa vụ thuế theo quy định.

Đối với chất vấn về phương án sử dụng cát biển, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết việc sử dụng vật liệu cát cho các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là đường cao tốc rất khó khăn. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bộ ngành liên quan nghiên cứu sử dụng cát biển. Hiện nay, dự án thí điểm của Bộ Giao thông vận tải trong tiến hành san lấp và xây dựng đường giao thông. Bộ TN-MT được giao nhiệm vụ đánh giá trữ lượng khu vực để lấy cát biển.

chat-van-3.jpeg
Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh

Thời gian qua, Bộ TN-MT đã hoàn thành đánh giá trữ lượng khu vực Sóc Trăng, với trữ lượng có thể lấy ngay là 145 triệu mét khối. Theo đó, trữ lượng rất lớn và hiện nay cát biển đã được sử dụng san lấp; sử dụng trong các khu kinh tế, khu công nghiệp và các dự án ven biển. "Chúng tôi đã tính toán, sẽ không ảnh hưởng đến môi trường", Bộ trưởng Khánh nêu.

Về lo ngại của đại biểu về nguy cơ nhiễm mặn, Bộ trưởng Bộ TN-MT khẳng định cần đánh giá tác động môi trường, tốt nhất sử dụng ở khu vực đã nhiễm mặn. Tùy theo công trình, dự án sẽ được đánh giá tác động với nguyên tắc không được để ảnh hưởng đến nước mặt. Bộ Xây dựng sẽ có quy trình cụ thể về từng công trình xây dựng.

Hướng tới chế biến sâu khoáng sản

Trả lời đại biểu về công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện hoạt động khai thác khoáng sản, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết theo Luật Khoáng sản năm 2010 và Nghị định hướng dẫn của các bộ ngành, hoạt động khai thác khoáng sản được phân cấp quản lý mạnh ở địa phương, đặc biệt là vật liệu xây dựng. Bộ phân luồng kiểm tra cùng các bộ ngành và địa phương.

Thời gian qua, Bộ TN-MT và các bộ ngành liên quan đã tăng cường kiểm tra, giám sát cùng các địa phương. Qua 5 năm, bộ đã có 12 cuộc thanh tra và 40 cuộc kiểm tra chấp hành về khoáng sản với tổng số 933 lượt giấy phép, phát hiện 258 tổ chức, cá nhân vi phạm, đã ban hành 258 quyết định xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền 30 tỉ đồng.

huan.jpeg
ĐBQH Lý Văn Huấn (Thái Nguyên)

Qua thanh tra, kiểm tra, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhận thấy, các chủ án mỏ đã sai phạm về vi phạm công suất cho phép, khai thác ra ngoài ranh giới, hoặc khai thác nhưng không đảm bảo điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT, bộ sẽ xử lý nghiêm các sai phạm này, nhất là sai phạm có tính liên tục, nối tiếp, sau đó sẽ chuyển sang cơ quan chức năng điều tra để xử lý nghiêm các vi phạm này.

Thời gian tới, dự thảo Luật Địa chất, khoáng sản sẽ phân cấp mạnh hơn nữa cho các địa phương. Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng cho biết, Bộ TN-MT sẽ tăng cường đội ngũ thanh tra, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành và địa phương, thanh tra, xử lý để phát hiện sớm, xử lý sớm việc khai thác khoáng sản, đảm bảo không thất thoát, khai thác trái phép nguồn tài nguyên này.

Bộ trưởng cũng cho biết thời gian cấp phép mỏ tối đa 30 năm và các mỏ được gia hạn, tổng thời gian không quá 50 năm. Trước khi hết hạn 45 ngày thì các chủ mỏ phải làm hồ sơ xin gia hạn và nếu đủ điều kiện thì cơ quan chức năng sẽ gia hạn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về chiến lược khai thác, chế biến khoáng sản Việt Nam, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu rõ, Việt Nam có trữ lượng tương đối lớn, Bộ TN-MT đang triển khai đề án điều tra cơ bản, sau khi hoàn thành sẽ báo cáo Thủ tướng.

Bộ trưởng khẳng định quan điểm, việc khai thác, chế biến cần tính đến chế biến sâu, chế biến tinh phục vụ cho các ngành công nghiệp Việt Nam, nhất là công nghiệp chíp bán dẫn, hướng tới xuất khẩu.

Bài liên quan
Bắt đầu khai thác cát biển đắp nền cao tốc ở ĐBSCL
Sáng 29.6, UBND tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Ban Quản lý Dự án (QLDA) Mỹ Thuận, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C tổ chức lễ khởi công khai thác cát biển trên vùng biển tỉnh Sóc Trăng, bắt đầu đưa cát về phục vụ các dự án theo kế hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế quý 2 tăng vượt kỳ vọng, mục tiêu GDP tăng đến 6,5% năm nay có đạt?
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng có khả năng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6 - 6,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vẫn còn băn khoăn việc dùng đại trà cát biển thay thế cát sông cho các dự án lớn