Mấy ngày nay nghe xôn xao vụ 1 bạn bị đuổi khỏi cây “ATM gạo” trên TP.HCM vì lý do em mặc đồ tươm tất, mình cũng chẳng quan tâm lắm. Đến khi biết hoàn cảnh khó khăn của em trong căn phòng trọ nghèo nơi đất khách và gia cảnh ở quê nhà, mình mới mở mạng coi clip.
Nhìn gương mặt ngơ ngác của em trước sự xua đuổi của nhân viên cây “ATM gạo” mà ám ảnh không chịu nổi. Tay quay phim còn ác đến nỗi, lia máy theo em, thấy có 2 người đi xe máy chờ (thực ra là bạn cùng nhà trọ - PV), và như kết luận em định cùng “đồng bọn” ăn gian gạo miễn phí.
Càng xót lòng hơn khi biết em là người con của quê hương An Giang. Các bạn biết không, trong số tất cả các tỉnh thành nước ta, có thể nói An Giang là 1 tỉnh làm từ thiện nhiều, rộng rãi khắp và ít phô trương. Cái chuyện làm từ thiện dường như là một phần trong đời sống của mỗi người An Giang, bình thường như hơi thở.
Có lần, mình chở đứa bạn từ Sài Gòn xuống chơi. Đang chạy mà khát nước quá, mình dừng lại 1 thùng nước để ven đường, tự nhiên múc uống. Bạn hốt hoảng nói, sao mình tùy tiện thế, chủ nhà la rồi sao. Mình nói, dân An Giang để nước dọc khắp các con đường, ai khát cứ ghé uống, không cần xin phép hay cảm ơn. Chủ nhà cũng không cần biết có bao nhiêu người ghé uống mỗi ngày, cứ thấy nước vơi thì châm tiếp vào cho đầy, ngày này qua ngày khác.
Chùa có đội ngũ tình nguyện viên, làm bánh miễn phí đãi khách - Ảnh: Tô Văn
Bạn nghe xong có vẻ không tin, mình kêu bạn cứ để ý và đếm thử. Mình chạy đoạn đường từ Bình Thạnh Đông lên đến Phú Hiệp (H.Phú Tân), khoảng 20 cây số, bạn đếm được 46 cái thùng nước như thế. Bạn bảo, chắc không có nơi nào như An Giang. Mình nói với bạn, nhiều nơi ở miền Tây, bà con để nước như vậy, cho khách đi đường qua cơn khát. Trước kia ba mình có dặn, phải đặt lu nước uống trước hàng ba nhà, để có ai đi đồng đi bái ngang qua, người ta ghé uống cho tiện. Sau này sợ mọi người ngại, nên mình đặt thùng nước ra ven đường luôn.
Bạn mà về quê mình dịp lễ 18.5 (âm lịch), xuống khu vực chùa Hòa Hảo, chắc bạn không thể tin nổi đâu. Hàng trăm hàng ngàn quán ăn, quán nước miễn phí hết. Bạn cứ thoải mái đi chơi, còn chuyện ăn uống thì khỏi lo, dân ở đây đã lo hết. Không những miễn phí đâu, mà người phục vụ còn rất niềm nở, mang chén cơm bát nước cho bạn bằng tấm chân tình, như lo cho đứa con đứa cháu trong nhà mình, chứ không phải là cách “làm nổi” với khách thập phương. Ngày thường, buổi trưa ai muốn ăn cơm miễn phí cứ ghé chùa, người bán vé số, chạy xe lôi, ăn xin hay tiến sĩ, chủ tịch, tỉ phú, đều được đối đãi như nhau. Chan hòa và bác ái.
Chắc bạn có nghe nói về chùa Bánh Xèo chứ? Đấy, một ngôi chùa hàng ngày đổ mấy ngàn cái bánh xèo, đãi khách thập phương. Ai có công góp công, ai có của góp của, chẳng ai muốn phô trương sự đóng góp ấy, vì “cho đi” là điều quá đỗi bình thường ở cái xứ này rồi. Bởi vậy, mới có hàng trăm bếp ăn trong từ thiện trong các bệnh viện khắp miền Tây cho đến TP.HCM, bệnh nhân và thân nhân nhờ đó mà bớt đi nhiều gánh nặng.
Mình nhớ những lần mình bị bệnh, nằm viện mấy tuần, anh chị mình xuống nuôi bệnh, ngày nào cũng xin cơm từ thiện ăn. Anh chị nói, nếu không có cơm từ thiện này chắc ăn cơm tiệm tốn kém lắm. Rồi khi về, anh chị trồng được trái cà, trái bí, có mớ gạo mớ khoai, cũng nhín nhút gởi cho bếp ăn từ thiện. Nhận rồi cho, cho rồi nhận, mọi thứ đều nhẹ tênh nhưng đầy ắp yêu thương.
Các bạn có chạy xe dọc các con đường ở An Giang chưa? Thỉnh thoảng các bạn nghe tiếng còi xe cấp cứu hú vang. Bạn chịu khó nhìn dòng chữ trên xe, sẽ thấy đa số là “xe từ thiện”. Đúng vậy đó, An Giang mình thì xe chuyên dụng của các bệnh viện lưu thông bên ngoài có lẽ ít hơn các xe cấp cứu từ thiện. Bà con mỗi nơi cứ gom góp tiền nong lại, sắm chiếc xe để đó, lỡ có ai đau ốm thì chở đi cấp cứu giùm người ta.
Nói “chở giùm” nghĩa là chở miễn phí, tài xế cũng miễn phí, xăng dầu cũng miễn phí. Có lần chuyển bệnh lên Sài Gòn, mình mời tài xế ăn bữa cơm thay cho lòng biết ơn, tài xế đã khéo léo từ chối. Anh dừng xe lại 1 nhà ăn từ thiện, để mình khỏi phải tốn tiền. Mình chưa thống kê, nhưng đoán chừng ở An Giang hiện nay, số xe từ thiện nhiều hơn các tỉnh khác. Mà người An Giang cũng ít khi nhắc tới chuyện này.
Có bạn kể, đi ăn cơm mà một dĩa tới 5.000 đồng, bạn nói dì bán cơm bán cho bạn nửa dĩa thôi, vì bạn chỉ còn 2.500 đồng. Dì bán cơm chẳng nói chẳng rằng, bới cho bạn 1 dĩa cơm đầy, cá thịt có hết. Dì kêu bạn ăn đi, ăn 1 dĩa chứ nửa dĩa sao mà no. Ăn xong rồi dì không thèm lấy tiền. Bạn cảm ơn dì, dì cũng chẳng để ý lắm, cứ loay hoay bới cơm cho khách. Những bà dì ấy, chẳng có báo chí hay 1 youtuber nào đưa tin phản ánh đâu. Mà dì cũng không cần.
Về An Giang đi, dù bạn sang hay hèn, chùa Bánh Xèo vẫn đãi bánh không lấy tiền, không ai xua đuổi - Ảnh: Tô Văn
Mẹ của em Hà (người bị đuổi ở “ATM gạo”) ở dưới quê - An Giang, điện lên la em là phải. Tự nhiên em làm gì để bị người ta quay hình rồi tung lên mạng. Tự nhiên sao em lại đi xin gạo như thế để bị người ta làm nhục. Có khi người mẹ nghèo dưới quê không thấm thía được cái đói của Hà và mấy bạn trong phòng trọ. Người mẹ không biết con mình đã cố hết sức kéo cát phụ hồ nhưng bất lực. Mẹ không biết con đã đau khổ thế nào khi mong muốn có một bữa cơm no bụng từ tấm lòng thiện nguyện, nhưng cũng bất thành.
Có bao nhiêu bà mẹ quê như mẹ của Hà? Cứ nghĩ con mình đi làm trên thành phố, mỗi tháng gởi về ít tiền trang trải nợ nần, lo ăn lo mặc, lo cho các em học hành, là toại nguyện. Các bà mẹ nghèo đâu biết rằng, mỗi đồng bạc kiếm nơi đất khách, là bao nỗi đắng cay, xót xa và tủi nhục. Cũng có khi mẹ biết, mẹ cũng xa xót lắm, nhưng nghèo khổ quá đành nhìn con tha hương cầu thực chứ biết phải làm sao.
Mấy ngày nay, Hà chắc cũng ấm lòng hơn nhiều, khi cộng đồng đứng về phía em, giúp em cả về vật chất lẫn tinh thần. Hà cũng chỉ nhận đủ thứ mình cần, chứ không lấy nhiều hơn. Tôi cảm phục Hà đức tính đó. Trong số các comment cho Hà, tôi thật sự ấn tượng với 1 chị ở Hậu Giang.
Chị viết: “Thương em quá, về Vị Thanh (Hậu Giang) sống với chị đi em ơi”. Phải rồi, miền Tây mình đâu đâu cũng lúa gạo cá tôm đầy ắp, người dân thì hào sảng nhân ái, Hà mà về đâu thì cũng được bảo bọc yêu thương thôi Hà ơi. Nhưng tôi nghĩ, Hà không cần về Hậu Giang làm gì, cứ về An Giang đi em. Về với mẹ, với mấy đứa em nhỏ của em. Về sống với xóm giềng bà con quê mình đi em. Quê mình có thể nghèo khó chút đỉnh, nhưng tình người thì luôn đong đầy. Về An Giang đi, Hà ơi!
Trương Chí Hùng