Vào khoảng 10h30 sáng ngày 9.5.2017, nhiều người dân xứ Huế rất tò mò lẫn háo hức khi nhìn thấy Mặt trời có quầng sáng như hào quang. Đặc biệt hiện tượng này lại trùng hợp với dịp Đại lễ Phật Đản (PL.2561 – DL.2017).
Cho rằng đây là hiện tượng hiếm thấy tại địa phương, người dân đã dùng điện thoại để lưu giữ những bức ảnh mặt trời vào thời khắc trên để chia sẻ với bạn bè, người thân, tạo “cơn sốt” trên mạng xã hội facebook.
Trước đó, hiện tượng này cũng từng được ghi nhận tại các khu vực Tây Nguyên – Gia Lai (17.3), Nghệ An (7.3) và các nước khác trên thế giới như nước Anh (11.4 – theo Telegraph.co.uk ).
Trong Thiên văn học, hiện tượng quầng sáng chung quanh Mặt trời (hoặc Mặt trăng) đều gọi chung là “Halo”. Đây là hiện tượng quang học tự nhiên, xảy ra do ánh sáng từ Mặt trời hoặc Mặt trăng (được Mặt trời chiếu sáng) khúc xạ khi đi qua khí quyển của Trái Đất chứ không phải là hào quang tồn tại thực xung quanh Mặt trời (Mặt trăng). Hiện tượng này thường xuất hiện vào mùa hạ và mùa thu hàng năm, rất phổ biến ở các nơi, thậm chí tần suất xuất hiện còn cao hơn cả hiện tượng cầu vồng.
Khi thời tiết rất khô, ít hơi nước, trên tầng cao khí quyển xuất hiện màn mây trong và trắng nhạt, dạng tơ sợi tơ (hoặc như tóc, có khi nhẵn lì) che cả bầu trời hay một phần, loại mây này có cấu trúc do vô vàn những tinh thể băng nhỏ (ice crystal) gọi là Mây ti tầng (tiếng Latin: “Cirrostratus”, viết tắt là Cs). Ánh sáng từ Mặt trời khi đi vào khí quyền xuyên qua các tinh thể băng có dạng lục giác này bị khúc xạ (giống như khi đi qua chiếc thấu kinh phân kì), với độ bẻ khoảng 22 độ (xem hình). Do đó, theo thuật ngữ khoa học, hiện tượng này gọi là quầng 22 độ (22 degree Halo). Trường hợp khuyết là nửa vòng tròn với tâm là Mặt trời hay Mặt trăng.
Khi quầng sinh ra do ánh sáng Mặt trời bị khúc xạ, phản xạ thì có 7 màu gồm đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Vành trong cùng màu đỏ, vành ngoài cùng màu tím (sự sắp xếp màu của quầng ngược lại với màu sắc của cầu vồng). Đối với quầng sáng ở Mặt trăng (trong dân gian gọi là “trăng quầng”), do ánh sáng yếu, khi gây ra hiện tượng quầng có màu sắc không rõ, mờ nhạt, thông thường quầng mặt trăng có màu trắng là chính; phần lớn chỉ quan sát được quầng nhỏ, có bán kính khoảng 22 độ (đây là góc từ vòng sáng đến tâm), đôi khi quan sát được quầng có góc tới 46 độ, gọi là quầng lớn, có độ sáng kém quầng nhỏ.
Kinh nghiệm dân gian cho rằng, khi quầng xuất hiện là điều báo trước một thời kỳ không mưa sẽ diễn ra tại địa phương. Nhiều khi gây ra thiếu nước, hạn hán kéo dài là một. (Ca dao: Mặt trời có quầng thì hạn, Mặt trăng có tán thì mưa, hoặc: Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa).
Tuy nhiên, theo quan điểm của các nhà Thiên văn học, hiện tượng này ít mang điềm báo về thời tiết. Trong một bài viết về hiện tượng này, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn (Chủ nhiệm Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam – VACA) cũng cho rằng kinh nghiệm dân gian đối với riêng hiện tượng này chỉ có tính tương đối: “Thực tế, chẳng hạn khi “Trăng quầng”, tức là trời oi bức, nếu quầng càng rõ tức là trời càng oi, thì bản thân việc trời oi lại cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới chênh lệch áp suất trong khí quyển, sinh ra gió, bão và mưa có thể tới rất sớm.” Và hiện tượng tán và quầng có thể xảy ra cùng một lúc chứ không phải là hoàn toàn là riêng biệt.
Dù hiện tượng chỉ xảy ra trong vong hơn 30 phút, nhưng thu hút được rất nhiều sự chú ý của người dân địa phương cũng như được sự chia sẻ của cộng đồng mạng. Đây không chỉ là dịp được ngắm hiện tượng quang học kỳ thú, mà còn là dịp để giới trẻ mặc sức thể hiện “ý tưởng” của mình.
Phương Nam tổng hợp.