"Về Huế ăn cơm" với 70 câu chuyện thú vị quanh các món ăn xứ Huế. Tác giả Phi Tân đã đưa chúng ta về với bữa cơm xứ Huế thân thương.

Về Huế ăn cơm với Phi Tân

Dương Xuân Dũng - Tiểu Vũ | 02/11/2021, 13:10

"Về Huế ăn cơm" với 70 câu chuyện thú vị quanh các món ăn xứ Huế. Tác giả Phi Tân đã đưa chúng ta về với bữa cơm xứ Huế thân thương.

Nếu đã đọc Bên sông Ô Lâu thì nhất định bạn nên đọc thêm Về Huế ăn cơm để được thêm lần nữa cảm nhận về xứ Huế sâu đậm hơn từ những trang văn vừa mộc mạc gần gũi, vừa mênh mang da diết của tác giả Phi Tân.

Cuốn sách cũng được xem như "lời giới thiệu tỉ mẩn thật thà về các món ăn bình dân trong bữa cơm thường ngày của người Huế".

Về Huế ăn cơm (NXB Lao Động và Chibooks phát hành tháng 11.2021) với 70 câu chuyện thú vị quanh các món ăn xứ Huế. Mỗi trang sách, mỗi câu chuyện sẽ mang đến cho người đọc hiểu thế nào là "nỗi nhớ niềm thương" khi được thưởng thức những món ăn vừa lạ vừa quen trên đất thần kinh.  

Tác giả Phi Tân không chỉ viết về ẩm thực của Huế như bún bò, bánh bột lọc, dưa hường, chột môn, con hến, con giông, cá phá, cá biển, cá đồng… mà Phi Tân còn mang đến cho người đọc món đặc sản văn chương mang đậm "vị Huế" qua góc nhìn của một người yêu Huế đến thiết tha.  Vị Huế, hương Huế quyện cùng cái tình của người Huế, tạo thành những món ngon “thấm đậm” rất Huế chắc khó nơi nào có được. 

6-postcard-bia(1).jpeg
Tác giả Phi Tân và tác phẩm - Ảnh: T.V 

Về Huế ăn cơm cũng là lời tự tình yêu quê hương sâu đậm qua những món ăn chắt lọc từ thiên nhiên, đất trời và bàn tay khéo léo của những con người xứ Huế. Huế như một khu nghỉ dưỡng khổng lồ, có núi rừng, đồng bằng, sông nước, biển hồ và đặc biệt là hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trải dài hiếm nơi nào có được. Điều kiện tự nhiên nơi đây tạo nên nguồn sản vật vô cùng phong phú.

3-postcard-ve-hue-an-com.jpeg
Về Huế ăn cơm được họa sĩ Phan Vũ Tuấn vẽ bìa, minh họa và postcard 

Nếu đến Huế, người ta sẽ cảm nhận ở đây không chỉ có bốn mùa xuân-hạ-thu-đông mà Huế có dường như có hơn 8 mùa bởi những thời khắc chuyển giao rất đặc biệt.  Ví dụ như Huế còn có những mùa gọi là “ai ải”, đông không ra đông, xuân không ra xuân, thu không ra thu, nên hoa trái cũng theo mùa mà thuận với trời đất.

Một ngày ở Huế đôi khi có nhiều mùa. Buổi sáng là mùa xuân thanh khiết tỏa nắng vàng, đến trưa là đã mùa hè nắng rọi, rồi đến buổi chiều đã có gió heo may man mác của cuối thu để đêm về choàng thêm áo đầu đông. Đêm choàng thêm áo đi ra đường hưởng gió, để rồi chẳng biết nhớ ai, chợt nhớ điều gì, và lại ghé quán bình dân dưới ánh đèn vàng góc phố, bên người chưa quen mà tha thiết lạ.

Món ăn bình dân mộc mạc là vậy, mà người người cùng lúc tấm tắc bởi vì món bình dân còn thấm đẫm hương và vị của những câu chuyện đời thường. Món ngon bởi vì người ta thương nhớ, và người ta thương nhớ một món ăn chưa chắc do nó quá ngon mà bởi ký ức làm con người ta nhớ quay quắt.

4-postcard-ve-hue-an-com.jpeg
 Postcard  "Về Huế ăn cơm" của họa sĩ Phan  Vũ Tuấn

Ăn trong ký ức là vậy, người đi xa nhớ quê nhà, đôi khi nấu một món ăn gì hơi đậm đà một tý là xuýt xoa: Ước chi bây chừ ngồi dưới hiên mưa lành lạnh ở Huế thì hết rượu, hết cơm. Ăn trong hồi tưởng nhớ thương vì mới ngày nào bên mâm cơm bình dân với cá khoai, cá dét sum vầy cùng với ba mạ, với anh chị em, rộn tiếng cười trong ánh trăng treo đầu ngõ mà giờ xa vắng lạ.

Ăn trong tình thương vì vừa ăn vừa nhớ, món chột môn hay cá lệch chị vừa nấu thơm nồng, lại thương đứa em đứt ruột vì nó không về mà ăn. Ăn trong ngậm ngùi mà nhớ thuở hàn vi, miếng ăn khó kiếm. Đôi khi ăn mà còn thòm thèm mới ngon, mới tinh túy. Ăn còn để dành cho hôm sau hay để dành cho người thân yêu, ăn lấy thơm lấy thảo. Ăn trong thi vị thì các món bình dân dễ làm dễ kiếm, vị mặn mòi sứa biển dưới góc sân nhà đón gió nồm nam hay một chiều nao ta về nhà bạn ăn cúng đất thoảng mùi nhang khói, ấm nồng tiết trời tháng 2, tháng 8. Về đầm phá Tam Giang, qua bến đò Ca Cút, ghé bữa cơm chiều cuối mùa thương nhớ, vợi xa câu hát bolero mà thấm mưa rơi. Món ăn là mùi, là vị, là âm thanh, là màu sắc, là nỗi nhớ, là tình thân, là bóng hình xứ sở...

hoa-si-phan-vu-tuan-va-tac-gia-phi-tan.jpg
Họa sĩ Phan Vũ Tuấn (trái) và tác giả Phi Tân 

Phi Tân đã khéo léo diễn tả mỗi món ăn là mỗi đặc sản đúc kết từ những điều giản dị, bình dân, và đưa chúng ta về với bữa cơm xứ Huế thân thương.

Phi Tân miệt mài đi về từ một miền quê xa vắng đến ngoại ô thương nhớ rồi đến thị thành tấp nập, để thấm trong tình quê đậm đà như da như thịt. Vì vậy, đọc văn của Phi Tân dường như ta nghe được tiếng gọi thân thương của những bà mạ Huế: "Con ơi về ăn cơm" - Tiếng gọi trìu mến đó cứ vọng mãi với thời gian. 

Tác giả Phi Tân, sinh năm 1973 tại Điền Lộc, Phong Điền, Thừa Thiên Huế; hiện đang làm việc tại Đài phát thanh và truyền hình Huế.

Tác phẩm đã xuất bản: Ngoại ô thương nhớ (tạp văn, 2020); Bên sông Ô Lâu (tản văn, 2021), Về Huế ăn cơm (tản văn, 2021)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
3 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Về Huế ăn cơm với Phi Tân