Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (phường 4, TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) còn nguyên vẹn và lớn bậc nhất miền Tây. Nơi đây hấp dẫn du khách bởi kiến trúc độc đáo kết hợp giữa văn hóa Đông - Tây. Đặc biệt, ngôi nhà còn là nơi ghi lại những kỷ niệm đẹp về mối tình đầy ngọt ngào giữa ông Huỳnh Thủy Lê và một cô gái Pháp.
Du lịch

Về Sa Đéc thăm nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, nghe chuyện tình xuyên biên giới

Tô Văn 17/09/2024 15:46

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (phường 4, TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) còn nguyên vẹn và lớn bậc nhất miền Tây. Nơi đây hấp dẫn du khách bởi kiến trúc độc đáo kết hợp giữa văn hóa Đông - Tây. Đặc biệt, ngôi nhà còn là nơi ghi lại những kỷ niệm đẹp về mối tình đầy ngọt ngào giữa ông Huỳnh Thủy Lê và một cô gái Pháp.

1-nha-co1.jpg
Ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được xây dựng năm 1895, trên khu đất hơn 2.000m2 (tại trung tâm TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) - Ảnh: Tô Văn
Về Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp xem nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, nghe chuyện tình xuyên biên giới - Clip: Tô Văn

Ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được xây dựng năm 1895, trên khu đất hơn 2.000m2 (tại trung tâm TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), có nền rộng 260m2 với kiến trúc gỗ truyền thống của người Hoa.

Năm 1917, ngôi nhà được trùng tu, xây dựng thêm tường bao, hành lang theo kiến trúc Pháp. Kiến trúc bên trong được thiết kế khá cầu kỳ: hành lang có mái vòm, phòng khách với đèn chùm, quạt trần...

Chính giữa nhà là gian thờ với các bức hoành phi, cột kèo được chạm nổi hoa văn cây cỏ, chim muông sinh động. Nhiều chi tiết được sơn son, thiếp vàng.

Phía sau phòng thờ là không gian chung rộng rãi, chính giữa đặt một sập gỗ khảm xà cừ. Hai phía của không gian chung là 2 phòng ngủ sang trọng có vách gỗ ghép kính màu với nhiều họa tiết. Ngoài ra, ngôi nhà còn có phòng chứa đồ, phòng trang điểm được sắp đặt nội thất giá trị.

Bên trong nhà cổ Huỳnh Thủy Lê còn lưu giữ rất nhiều đồ cổ có giá trị, đặc biệt là bộ đi văng chân quỳ được cẩn xà cừ ngọc trai hình cánh dơi có tuổi đời hơn 100 năm.

5-nha-co5.jpg
6-nha-co6.jpg
7-nha-co7.jpg
Ngôi nhà được xây dựng năm 1895 bằng vật liệu chính là gỗ và được chia thành 3 gian - Ảnh: Tô Văn

Chị Trần Tô Kim Phượng (du khách ngụ tỉnh An Giang) chia sẻ “Lần đầu tiên gia đình tôi đi du lịch Đồng Tháp. Sau khi tham quan làng hoa Sa Đéc, vợ chồng tôi cùng các con đến nhà cổ Huỳnh Thủy Lê. Trước đây, vợ chồng tôi cũng từng được nghe nhắc nhiều về ngôi nhà cổ này qua phim Người tình nên đến đây để tìm hiểu”.

Tương tự, một thuyết minh viên tại nhà cổ Huỳnh Thủy Lê cho biết, du khách đến đây thường rất thích thú nghe câu chuyện tình đầy cảm động và xem kiến trúc độc đáo của ngôi nhà cổ.

“Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nằm ở vị trí đắc địa ngay chợ Sa Đéc, cặp sông Sa Giang. Đây là một trong những điểm đến thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là du khách đến từ các nước châu Âu mỗi khi ghé thăm tỉnh Đồng Tháp”, người này nói.

8-nha-co8.jpg
Bộ đi văng chân quỳ được cẩn xà cừ ngọc trai hình cánh dơi có niên đại hơn 100 năm - Ảnh: Tô Văn
3-nha-co3.jpg
Phòng ngủ của gia đình ông Huỳnh Thủy Lê hiện nay được phục dựng dùng để phục vụ khách trải nghiệm lưu trú - Ảnh: Tô Văn

Trong khi đó, anh Huỳnh Tấn Phát, người bảo vệ lâu năm của nhà cổ, cho biết đến thời điểm này, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê có tuổi đời 126 năm và được xem là ngôi nhà cổ nhất tại TP.Sa Đéc.

“Sau nhiều biến cố thăng trầm của thời gian, hầu như ngôi nhà vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. Đặc biệt, từ sau tiểu thuyết Người tình và bộ phim cùng tên ra đời, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê lại càng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Họ đến đây tìm hiểu và gửi gắm một chút hoài niệm về câu chuyện tình đẹp nhưng đầy tiếc nuối”, anh Phát nói.

10-nha-co1.jpg
Ngôi nhà cổ là nơi bắt đầu cho câu chuyện tình giữa ông Huỳnh Thủy Lê, một gia đình giàu có bậc nhất ở Đồng Tháp vào những năm 30 của thế kỷ XX và nữ nhà văn Pháp Marguerite Duras - Ảnh: Tô Văn

Ngôi nhà cổ này là nơi bắt đầu cho một câu chuyện tình giữa ông Huỳnh Thủy Lê - gia đình giàu có bậc nhất ở Đồng Tháp thập niên 30 của thế kỷ XX - và nữ nhà văn Pháp Marguerite Duras.

Cuối năm 1929, trên chuyến phà Mỹ Thuận chạy ngang sông Tiền, ông Huỳnh Thủy Lê thấy một người phụ nữ có nước da trắng, tóc nâu vàng, dáng người cao ráo, đứng trên phà nhìn những đám lục bình trôi tản mạn trên sông.

Ông Lê đã chủ động đến làm quen với cô gái và cả hai đều trúng “tiếng sét ái tình”. Tình yêu ấy kéo dài gần hai năm trong bí mật và kết thúc trong nước mắt khi ông Lê phải cưới một cô gái đã được cha ông sắp đặt từ trước.

Nhìn tình nhân cưới người khác, Marguerite Duras đau khổ tột độ, quyết định cùng gia đình lên tàu trở về nước Pháp. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, Marguerite Duras vẫn ôm mối tình ấy.

Trong dòng hồi tưởng, nữ văn sĩ đã viết nên tiểu thuyết Người tình (tên tiếng Pháp là L’amant, xuất bản năm 1984) để kể về cuộc tình trắc trở của bà.

Đến nay, tiểu thuyết Người tình được dịch ra hơn 40 thứ tiếng. Năm 1992, đạo diễn người Pháp Jean Jacques Annaud cho ra đời bộ phim cùng tên dựa theo tiểu thuyết của bà. Bộ phim công chiếu đã nhận được nhiều sự tán thưởng của khán giả khắp nơi trên thế giới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Về Sa Đéc thăm nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, nghe chuyện tình xuyên biên giới