Việc bán khu "đất vàng" 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP.HCM cho tư nhân với giá rẻ mạt được cho là có sự tiếp tay của cán bộ Nhà nước lúc bấy giờ. Liên quan đến dự án này, cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố ba cựu lãnh đạo Bộ Công Thương để điều tra, làm rõ vụ án.

Vì khu 'đất vàng' Sabeco, đã có 8 cựu quan chức vướng vòng lao lý

12/07/2020, 13:04

Việc bán khu "đất vàng" 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP.HCM cho tư nhân với giá rẻ mạt được cho là có sự tiếp tay của cán bộ Nhà nước lúc bấy giờ. Liên quan đến dự án này, cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố ba cựu lãnh đạo Bộ Công Thương để điều tra, làm rõ vụ án.

Từ trái qua, các ông bà Vũ Huy Hoàng, Hồ Thị Kim Thoa, Phan Chí Dũng. Ảnh: bocongan.gov.vn

Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C01) đang tiến hành điều tra vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và vi phạm các quy định về quản lý đất đai” liên quan đến dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP.HCM.

Quá trình điều tra mở rộng vụ án, trong 2 ngày qua (10-11.7), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã ra các quyết định khởi tố với hàng loạt bị can trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” liên quan đến dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM, theo quyết định khởi tố vụ án hình sự số 42/QĐ-C01-P4, ngày 8/11/2018 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Ba bị can này gồm: Ông Vũ Huy Hoàng, sinh năm 1953, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương; Bà Hồ Thị Kim Thoa, sinh năm 1960, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương và ông Phan Chí Dũng, sinh năm 1957, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương.

Lý do khiến ba cựu lãnh đạo Bộ Công Thương vướng vòng lao lý được cho là có liên quan đến việc tiếp tay bán rẻ khu "đất vàng" 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP.HCM cho tư nhân. Số phận "long đong" của khu đất vàng 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng được cán bộ nhà nước thời bấy giờ biến từ của công sang của tư như thế nào là điều mà dư luận đặc biệt quan tâm 2 ngày qua.

Cụ thể, khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng Quận 1, TP.HCM với bốn mặt tiền gồm Hai Bai Trưng - Đông Du - Thi Sách và Công trường Mê Linh có diện tích rộng đến 6.000m2. Ban đầu khu đất do Tổng Công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) trực tiếp sử dụng theo diện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của quyết định 09/2007/QĐ-TTg ban hành ngày 19.2.2007.

Năm 2004, Sabeco xin chủ trương đầu tư xây dựng nhà cao tầng tại khu đất này, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) đã có văn bản đồng ý. Năm 2006, UBND TP.HCM có quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời cho các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công nghiệp đang sử dụng đất để sản xuất kinh doanh trên địa bàn, trong đó có nhà, đất tại địa chỉ nói trên do Sabeco "là đơn vị sử dụng".

Bộ Tài chính cũng đã có văn bản trả lời cho phép chuyển mục đích sử dụng khu đất để xây dựng cao ốc phức hợp cùng các hạng mục nói trên và yêu cầu giá đất khi được UBND TP cho phép Sabeco chuyển mục đích sử dụng đất "là giá sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại điểm c, khoản 4, điều 6 của quyết định 09/2007/QĐ-TTg".

Đến ngày 3.2.2007, Sabeco thay thế đối tác đầu tư và thành lập Công ty cổ phần bất động sản Sabeco (Sabeco Land) có vốn điều lệ 480 tỉ đồng để thực hiện dự án trên. Tuy nhiên trong vòng 6 năm khi dự án chậm triển khai nên Bộ Công Thương đã có văn bản quyết định giải thể Sabeco Land, mở đường tìm kiếm nhà đầu tư mới.

Tháng 10.2014, Sabeco Land dừng hoạt động. Tháng 2.2015, dự án được tái khởi động thông qua việc thành lập Công ty cổ phần đầu tư Sabeco Pearl (gọi tắt Sabeco Pearl) với vốn điều lệ gần 566,7 tỉ đồng. Lúc này, Sabeco chỉ còn sở hữu 26% vốn tại liên doanh thực hiện dự án, mức sở hữu cổ phần giảm mạnh so với ở Sabeco Land trước đây. Theo đó, Sabeco sẽ nhận kết quả kinh doanh tương ứng với số vốn góp bằng 26% vốn điều lệ.

Căn cứ để Sabeco tham gia thành lập Sabeco Pearl được đơn vị này khẳng định "tuân thủ theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, không vi phạm Luật đất đai 2013, không vi phạm nghị định 94/NĐ-CP về đầu tư ngoài ngành".

3 cổ đông sáng lập Sabeco Pearl chia nhau số vốn điều lệ còn lạ, tương ứng 74% là Công ty CP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hà An (25,5%), Công ty CP Đầu tư Mê Linh (25,5%), Công ty CP Attland (23%)... Các cổ đông này có trách nhiệm góp vốn bằng tiền mặt và nộp tiền sử dụng khu đất khoảng 1.236 tỉ đồng.

Sau hơn một năm sau khi thành lập, tháng 6.2016, Sabeco đã thanh lý toàn bộ cổ phần sở hữu trong Sabeco Pearl cho Công ty CP Attland theo hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với giá bán 13.347 đồng/cổ phiếu và chỉ thu về được 195 tỉ đồng, mức giá "siêu rẻ" so với giá trị thực của khu đất vàng (theo nhận định khi ấy là 1 tỉ đồng/m2).

Vào tháng 10.2016, Sabeco Pearl thay tên thành Công ty cổ phần đầu tư Quảng trường Mê Linh. Kể từ đó, khu đất hơn 6.000m2 tại 2-4-6 Hai Bà Trưng chính thức không còn dính dáng đến Sabeco và chuyển về tay tư nhân.

Quý 4/2017, Kiểm toán Nhà nước đã vào cuộc và đã chỉ ra hàng loạt sai phạm về quản lý, sử dụng vốn của Sabeco, đặc biệt là ở vụ thoái vốn khỏi Sabeco Pearl. Cơ quan kiểm toán kết luận Sabeco đã chuyển nhượng khu đất trên cho tư nhân với mức giá quá rẻ mạt so với giá trị thực. Song, việc bán đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng cho tư nhân với giá rẻ được cho là sự tiếp tay của cán bộ Nhà nước thời bấy giờ.

Liên quan đến vụ án này, đã có 5 bị can bị khởi tố trước đó là: Nguyễn Hữu Tín (SN 1957, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM); Đào Anh Kiệt (SN 1957, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM); Trương Văn Út (SN 1970, Phó Trưởng Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM); Lê Văn Thanh (SN 1962, Phó Chánh Văn phòng UBND TP.HCM) và Nguyễn Thanh Chương (SN 1974, Trưởng phòng Đô thị, Văn Phòng UBND TP.HCM).

Hiện tại, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) tiếp tục điều tra vụ án bằng việc ra quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét... về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí đối với ba bị can là cựu lãnh đạo Bộ Công Thương - lãnh đạo thuộc cơ quan nhà nước quản lý trực tiếp Sabeco lúc bấy giờ, là ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương; bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương và ông Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương.

Đáng chú ý, ông Vũ Huy Hoàng và bà Hồ Thị Kim Thoa còn được cho là có trách nhiệm trong việc đồng ý với đề xuất tiếp nhận, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh từng cho biết sau khi rà soát quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm, luân chuyển ông Trịnh Xuân Thanh, sơ bộ thì có thể khẳng định vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh được điều động, bổ nhiệm có nhiều dấu hiệu cho thấy có sai phạm, vi phạm trong chính sách cán bộ của Đảng, Nhà nước.

Tuyết Nhung (T/H)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì khu 'đất vàng' Sabeco, đã có 8 cựu quan chức vướng vòng lao lý