Ông Đỗ Văn Đạo, phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, nói về việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính, bộ máy cho tinh gọn và hiệu quả.

Vì nền hành chính, đừng vì chia ghế

Theo Tuổi Trẻ | 26/12/2016, 10:46

Ông Đỗ Văn Đạo, phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, nói về việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính, bộ máy cho tinh gọn và hiệu quả.

“Tại sao không tính toán đến việc sáp nhập các phường, kể cả các quận ở nội thành cũ, có số dân rất ít, diện tích cũng rất nhỏ?” - phát biểu của phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Đỗ Văn Đạo mới đây về việc chia tách, sáp nhập các đơn vị hành chính được dư luận chú ý.

Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Đạo về vấn đề này.

Dừng cách làm “đông dân là chia tách”

* Trong khi nhiều nơi đang tính chuyện chia tách thì ông lại đề cập việc sáp nhập các đơn vị hành chính. Tại sao thưa ông?

Ông Đỗ Văn Đạo - Ảnh: Tự Trung

- Chủ trương tinh giản biên chế không mới, đã được nói đến cách đây 30 năm. Thế nhưng, theo thời gian, biên chế vẫn cứ tăng lên. Riêng câu chuyện sáp nhập, sắp xếp lại các quận huyện, phường xã, bản thân tôi đã trăn trở nhiều năm.

Hơn 10 năm trước, khi chia tách quận Tân Bình thành quận Tân Phú và quận Tân Bình như hiện nay, chúng tôi cũng có suy nghĩ đến một phương án khác: cắt hai phường của quận Tân Bình giáp quận 3 nhập vào quận 3; tương tự, cắt một số phường giáp quận Phú Nhuận, quận 10, quận 11 nhập vào các quận này.

Như vậy, nếu cắt 7 phường của quận Tân Bình nhập vào 4 quận giáp ranh - vốn có dân số ít - thì sẽ tránh được việc phải nở thêm quận mới. Trong khi thành lập quận mới phải nảy sinh thêm bao nhiêu chuyện phải lo: thêm văn phòng, trụ sở, thêm biên chế, thêm kinh phí, thêm tiền mua sắm xe cộ, trang bị cho các cơ quan hoạt động...

Tuy nhiên tại thời điểm đó, vì nhiều lý do nên phương án trên chưa có điều kiện thực hiện.

Giờ đây, đã 30 năm sau Đại hội Đảng toàn quốc lần VI (1986), tình hình, điều kiện thực tế đã có nhiều đổi khác. Nếu như xưa kia cán bộ chủ yếu đi xe đạp, xài máy đánh chữ cọc cạch thì bây giờ đã có xe máy, ôtô, máy vi tính và nhiều công cụ, công nghệ giúp việc thực thi nhiệm vụ nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Gần đây, Ban Chấp hành trung ương đã ban hành nghị quyết về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Tinh thần của 2 nghị quyết này là khuyến khích việc sáp nhập bộ máy và tinh giản biên chế.

Cả chủ trương chính sách và điều kiện thực tế đều cho thấy đã đến lúc chín muồi để sắp xếp lại bộ máy cho tinh gọn, hiệu quả hơn.

* Nhưng cũng có ý kiến cho rằng chia tách các đơn vị hành chính sẽ giảm quá tải cho bộ máy, giúp người dân được phục vụ tốt hơn?

- Tôi cho rằng nói như thế ít nhiều là ngụy biện. Vấn đề là cách quản lý, vận hành bộ máy như thế nào chứ không phải cứ có nhiều cán bộ, nhiều ban bệ là công việc sẽ chạy tốt. Nếu cải cách hành chính triệt để, người dân có thể ngồi nhà làm thủ tục, không cần bộ máy với quá nhiều nhân lực để phục vụ.

Cần thay đổi cách nghĩ: cứ thấy ở đâu đông dân là chia tách. Quỹ lương của Nhà nước chỉ có vậy. Nếu cứ thêm ghế, thêm người, thêm biên chế thì không thể cải cách nổi chế độ tiền lương, cũng không thể chăm lo tốt hơn cho đội ngũ.

Lương thấp, đời sống khó khăn nên người ta cứ làm việc kiểu xìu xìu. Cải cách hành chính do vậy cũng khó mà thực hiện.

Nhìn rộng ra cả nước, đi các tỉnh thành khác, gần đây tôi thấy cũng có tình trạng nhiều nơi chia tách huyện, xã... dù diện tích, dân số không tăng thêm, điều kiện sống của cư dân, cơ sở hạ tầng của các khu vực được chia tách cũng không có gì khác biệt.

Cho nên, thiết nghĩ cần làm rõ mục đích của việc chia tách: chia tách do quá tải, quản lý không nổi hay chia tách để chia ghế?

Bà Trần Thị Quế (41 tuổi), kinh doanh ở Q.4, cho biết: “Do Q.4 có số dân và diện tích nhỏ nhất trong thành phố nên chúng tôi đi làm giấy tờ, thủ tục nhanh chóng hơn các quận khác. Nếu sáp nhập Q.4 vào với quận khác, sẽ có nhiều xáo trộn và bất tiện khi cần làm việc với phường, với quận mới” - Ảnh: Hữu Thuận

“Nhạy cảm” nhưng phải quyết tâm làm

* Ông có nghĩ câu chuyện sáp nhập mà ông đề cập sẽ bị phản ứng hay không?

- Sáp nhập là chuyện hết sức nhạy cảm. Riêng chuyện hai anh đang làm chủ tịch phường, sáp nhập hai nơi lại thì có anh làm chủ tịch, anh kia phải xuống làm phó chủ tịch. Rồi thì các phòng ban: đang làm trưởng phòng phải xuống làm phó phòng cũng đã cảm thấy tâm tư rồi.

Chuyện này nói ra, ban đầu dĩ nhiên sẽ có người không thích. Nhưng chủ trương của Đảng và Nhà nước đã có, vấn đề là phải quyết tâm làm, xuất phát từ mục tiêu, lợi ích chung.

Suy cho cùng, điều khiến người ta tâm tư nhất là chuyện hậu sáp nhập, giải quyết số lượng người dôi dư ra như thế nào. Đó là cả một bài toán đòi hỏi có lộ trình giải quyết từng bước, khảo sát tìm hiểu tâm tư nguyện vọng xem người nào muốn làm tiếp, người nào không, người nào sắp nghỉ hưu...

Từ đó mới có phương án bố trí thích hợp. Việc bố trí sắp xếp lại đội ngũ phải đảm bảo nguyên tắc đúng chế độ chính sách, quan tâm đến cuộc sống gia đình, con cái của họ để giải quyết hợp tình, hợp lý.

* Theo ông, câu chuyện tách - nhập các cơ quan nhà nước có ảnh hưởng nhiều đến người dân hay không, hay đây chỉ là công việc nội bộ của tổ chức?

- Cái người dân quan tâm không phải là chuyện bộ máy có bao nhiêu chức vụ, bao nhiêu trụ sở, bao nhiêu cán bộ mà là chất lượng dịch vụ hành chính công phải được nâng lên, thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ, hiệu quả.

* Như ông đề cập, vậy TP.HCM có kế hoạch, đề án tách - nhập quận huyện, phường xã nào hay chưa?

- Mọi việc chỉ mới bắt đầu. TP đã lập tổ nghiên cứu, đang trong quá trình khảo sát thực tế tại các quận huyện, phường xã. Vừa rồi, tổ công tác có khảo sát ở một số phường có đông dân và ít dân. Chẳng hạn như phường 6, quận 3 (nơi có gần 20.000 dân), phường Bình Hưng Hòa A và phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân (những nơi có trên dưới 100.000 dân).

Ở phường Bình Hưng Hòa A, dù dân số lên đến 115.000 dân, số cán bộ không chuyên trách theo tiêu chuẩn được nhận là 47 người nhưng thực tế phường chỉ sử dụng 39 người để anh em có thêm thu nhập từ phần tiết kiệm biên chế. Chủ tịch phường cho biết bộ máy hiện tại vẫn đảm đương được công việc và điều hành, quản lý tốt.

Điều này cho thấy nếu trả lương xứng đáng, cán bộ vẫn có thể đảm trách khối lượng công việc nhiều hơn hiện nay.

Thực tế cũng có những phường dân số ít, công việc không nhiều nhưng bộ máy vẫn cồng kềnh. Tất cả đòi hỏi phải có sự điều chỉnh, sắp xếp lại. Việc điều chỉnh này không chỉ dừng lại ở cấp phường xã mà tiến tới phải tính đến cấp quận huyện.

Sau bước khảo sát, tổ công tác mới có các đề xuất cụ thể. Các bước thực hiện phải đảm bảo khoa học, công khai, dân chủ và đúng pháp luật, kể cả phải xin ý kiến của người dân trước khi lựa chọn giải pháp.

* Ông Diệp Văn Sơn(chuyên viên cao cấp):

Địa giới hành chính phải mang tính ổn định và kế thừa

Đề xuất về việc sáp nhập quận 4 vào quận 1 không phù hợp với bản chất của nền hành chính vốn phải mang tính ổn định và kế thừa. Những thay đổi chẳng đặng đừng như chuyện trước và sau năm 1975, một số tên đường ở Sài Gòn thay đổi đã đem lại rất nhiều phiền toái cho người dân đến tận bây giờ.

Ở Pháp, địa giới hành chính của họ giữ nguyên từ thời Napoléon đến giờ mặc dù tiêu chí phân chia địa giới hành chính lúc đó rất đơn giản và lạc hậu (địa giới xã phải đủ gần để người dân trong xã đi bộ đến và quay về trong ngày, địa giới tỉnh phải đủ gần để người dân đi ngựa đến và quay về trong ngày).

Điều này cho thấy tính ổn định, tính truyền thống của địa giới hành chính rất quan trọng.

Hãy đặt câu hỏi ngược lại: nếu sáp nhập quận 4 để giảm biên chế thì tần suất phục vụ của cán bộ, công chức của quận mới sẽ tăng lên rất nhiều. Liệu lúc đó người dân quận 4 cũ và người dân của quận mới sáp nhập có được phục vụ tốt hơn hay họ phải chờ đợi lâu hơn, gặp nhiều trục trặc hơn do quận mới quá đông dân?

Bên cạnh đó, quận 4 tuy nhỏ, dân số ít nhưng tình hình dân cư rất phức tạp, nếu chính quyền không sâu sát thì sẽ rất khó quản lý và nắm bắt cư dân.

Theo tôi, để giảm biên chế, giảm bộ máy cồng kềnh thì Nhà nước thực hiện những biện pháp như xác định vị trí việc làm (xuất phát từ công việc để bố trí người), đưa công nghệ thông tin vào quản lý hành chính, bố trí người làm việc phù hợp với khả năng và trình độ...

Muốn giữ bản sắc riêng

Nhiều người dân ở quận 4 cho biết họ không đồng tình với đề xuất sáp nhập quận 4 vào quận khác. Quận 4 tuy nhỏ nhưng có một lịch sử phát triển riêng, có địa hình, địa thế riêng. Diện tích 4km2 của quận 4 khác với 4km2 ở quận Bình Tân hay các quận khác.

Ông Đặng Công Bay - một người dân ở phường 4, quận 4 - cho biết nếu sáp nhập quận 4 vào quận 1 thì địa bàn quận 4 sẽ có được lợi thế của quận trung tâm TP. Tuy nhiên, hệ lụy kéo theo là những xáo trộn trong sinh hoạt, trong giao dịch.

Bên cạnh đó, quận 4 có một đặc điểm lịch sử riêng, có quá trình phát triển riêng so với quận 1 nên tính chất của xã hội, dân cư cũng khác. Vì vậy, phải cân nhắc để quyết định có sáp nhập quận 4 vào quận 1 hay không.

D.N.Hàghi

Mai Hương - Tuổi Trẻ
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì nền hành chính, đừng vì chia ghế