Trong 3 ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn, số người vi phạm nồng độ cồn có xu hướng tăng. Riêng ngày mùng 3 Tết (12.2), vi phạm nồng độ cồn tăng đột biến lên 5.589 trường hợp.
Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết ngày 12.2 cả nước xử lý 5.589 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trước đó, ngày mùng 2 Tết, con số này là 3.993 trường hợp, mùng 1 Tết, số người vi phạm nồng độ cồn là 2.835 trường hợp.
Theo Cục Cảnh sát giao thông, trong ngày mùng 3 Tết, toàn quốc xảy ra 60 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 67 người. So với ngày mùng 3 Tết Nguyên đán năm 2023 giảm 7 vụ, giảm 21 người chết.
Ngày mùng 3 Tết, lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ đã kiểm tra, xử lý 11.466 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; nộp Kho bạc Nhà nước hơn 30 tỉ đồng; tạm giữ 254 xe ô tô, 6.241 xe mô tô, 24 phương tiện khác; tước 3.032 giấy phép lái xe. Trong đó, ngoài vi phạm nồng độ cồn, số xe vi phạm về tốc độ là 2.691 trường hợp, vi phạm về ma túy là 11 trường hợp.
Con số về xử lý vi phạm nồng độ cồn những ngày Tết cao hơn rất nhiều mức trung bình toàn quốc xử lý vi phạm nồng độ cồn năm 2023.
Trước đó, Cục Cảnh sát tiao thông cho biết, để bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, lực lượng Cảnh sát giao thông tiếp tục duy trì tối đa quân số đảm bảo tốt nhất tình hình, triển khai tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khép kín 24/24 giờ, với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, xuyên đêm, xuyên Tết". Tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông, trong đó tiếp tục đẩy mạnh kiểm soát quyết liệt, xử lý kiên quyết vi phạm nồng độ cồn..., theo phương châm 3 không "không có vùng cấm - không ngoại lệ - không ngày nghỉ".
Mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn hiện nay được quy định tại Nghị định 100 cụ thể như sau:
Đối với người đi xe máy: nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng (Điểm c Khoản 6 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng (Điểm đ Khoản 10 Điều 6).
Nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng (Điểm c Khoản 7 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (Điểm e Khoản 10 Điều 6).
Nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng (Điểm e Khoản 8 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (Điểm g Khoản 10 Điều 6).
Đối với người điều khiển xe ô tô: nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng (Điểm c Khoản 6 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng (Điểm e Khoản 11 Điều 5).
Nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng (Điểm c Khoản 8 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (Điểm g Khoản 11 Điều 5).
Nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng (Điểm a Khoản 10 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (Điểm h Khoản 11 Điều 5).
Ngoài ra, người có thẩm quyền xử phạt nồng độ cồn có thể ra quyết định tạm giữ phương tiện tối đa đến 7 ngày.