Dân ăn mày còn tụng ca “Sài Gòn là đất ăn chơi. Cái bang ta cứ khắp nơi tung hoành”. Đội quân ăn xin hầu hết theo vùng miền, làng xã, chứ không đơn lẻ do nghèo đói. Nhiều người ăn xin khấm khá, dành dụm về quê xây được nhà chứ không phải để sống qua ngày.
Cuộc sống của người dân cả nước nói chung và thành phố nói riêng đã có nhiều cải thiện, dù chưa được như kỳ vọng. Kinh tế không ngừng tăng trưởng, khoảng cách thu nhập cách biệt khá lớn nhưng tỷ lệ đói nghèo ngày càng được giảm thiểu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2017, tỷ lệ người Việt đi du lịch nội địa là 78,5% (73 triệu lượt khách trong tổng số 93 triệu dân) và du lịch nước ngoài là 9%. Ngành du lịch là thước đo tương đối sự phát triển của đất nước. Ấy vậy mà có chuyện ngược đời, tệ nạn người ăn xin ở thành phố không hề giảm bớt mà gia tăng rất đáng ngại.
Cách đây hơn chục năm, khi Hội đồng Nhân dân TP.Đà Nẵng dùng biện pháp mạnh thu gom, phân loại để dứt điểm tình trang ăn xin; có đại biểu phản đối “Làm như vậy là thiếu tình người, không có quan điểm giai cấp, luật pháp không cho phép…”. Có người còn nói “Ăn mày là ai? Ăn mày là ta. Đói cơm, rách áo mới ra ăn mày” theo kiểu “Bần cùng sinh đạo tặc”. Tương tự là cách nghĩ “Trộm cướp là do nghèo đói”, “Tham nhũng là bởi lương quá thấp”… Thực tế không phải vậy. Chủ yếu là do pháp luật chưa nghiêm, kỷ cương phép nước chưa được tôn trọng. Tất cả đều do con người mà ra.
Lãnh đạo Đà Nẵng lúc đó quyết liệt “Luật pháp không cho phép nhưng cũng đâu có cấm. Làm sạch đẹp cho thành phố sao lại chần chừ. Ai có cách nào hay hơn thì hiến kế. Thành phố muốn phát triển du lịch phải dẹp được ăn xin”. Kết quả thì mọi người đều rõ. Đà Nẵng là thành phố tiên phong. Thật ra, trước đó mấy năm, khu vực núi Bà Đen (Tây Ninh) là nơi có nạn ăn xin nhức nhối nhất. Ăn xin có tổ chức, được “huấn luyện, chăn dăt và bảo kê”, giả bộ thương tật hơn cả thật. Giám đốc Công ty Du lịch Tây Ninh lúc đó, bằng cả tâm huyết và quyết đoán, vừa thuyết phục, tạo việc làm, vừa nhờ chính quyền dùng biện pháp mạnh, xử lý những kẻ đầu têu nên tệ nạn được xóa trắng. Đám đầu têu phải chạy qua tỉnh khác hành nghề vì ở Tây Ninh hết đất sống.
Nạn ăn xin ở các nơi khác ngày càng giảm, còn ở TP.HCM ngày càng tăng. Lượng người ăn xin khá lớn từ các tỉnh phía bắc kéo vào ngày càng đông vì “Tiếng lành đồn xa”. “Người Sài Gòn hào hiệp, đất Sài Gòn dễ sống”, ăn xin có thu nhập hơn gấp mấy lần làm nông ở quê. Dân ăn mày còn tụng ca “Sài Gòn là đất ăn chơi. Cái bang ta cứ khắp nơi tung hoành”. Đội quân ăn xin theo vùng miền và làng xã, chứ không đơn lẻ vì nghèo đói. Nhiều người ăn xin khấm khá, dành dụm về quê xây được nhà chứ không phải để sống qua ngày.
Đáng ngại hơn cả, là “Tiếng lành đồn xa” qua cả xứ bạn. Dân Campuchia ùn ùn kéo qua Sài Gòn để “rô xi”, nghĩa là kiếm sống. Họ cũng không đi đơn lẻ mà từng nhóm, từng đoàn để giúp nhau và đi từng đợt, tùy theo mùa. Người này kiếm ăn được, về quê rủ thêm người khác. Họ cũng nghèo thật nhưng không đến nỗi đói. Gần chục năm trước, tôi đã lân la tìm hiểu lý do “Sao không ăn xin ở Campuchia?” và té ngửa vì “Người ta không cho. Người Campuchia không tốt bụng như người Việt Nam”. À ra thế. Có năm trực chiều 30 Tết, trước cửa cơ quan thấy mấy em đen nhẻm, mặt mày lem luốc, biết ngay là trẻ em Campuchia. Tôi đến hỏi chuyện. Biết các em chưa ăn tối, tôi mua cho mỗi đứa một cái bánh bao. Chưa kịp trả tiền thì từ đâu ập tới cả đám đông gần 30 người lớn nhỏ, đành phải làm từ thiện luôn chớ biết sao bây giờ.
Trước đây, họ ngủ gầm cầu, tắm rửa thì ra sông quấy quá. Bây giờ thì thuê hẳn nhà trọ. Nhiều gia đình đi cả nhà, chia nhau mỗi người một góc và đông nhất là dịp tết, mùa cao điểm ăn xin của người Campuchia, kéo dài cả tháng. Ở Campuchia, ăn mày chỉ “Xum maroi tâu”, nghĩa là “cho 100 đi”, tính theo tiền Việt chưa được 600 đồng (1 USD = 4.000 riel). Còn ở Sài Gòn, ăn mày sẽ nói “Chú có tiền cho con vài ngàn lẻ”. “Chú không có sẵn tiền lẻ”. “Thì chú cứ đưa, con sẽ thối lại”. Cho 2.000đ, lập tức bị mắng “Chú keo thế!”. Có lần tôi gom cả xấp tiền lẻ, tự nguyện cho nhưng người ăn xin chỉ lấy mấy tờ 500 đồng, còn các tờ 200đ được trả lại “Chú giữ làm kỷ niệm, tụi con không xài được”.
Có loại ăn xin đơn thuần của người già, trẻ em, người khuyết tật, cả thật lẫn giả. Những người còn sức lao động thì lận lưng bán vài món đồ lặt vặt để che mắt quản lý, tránh bị thu gom khi có chiến dịch nhưng chủ yếu là để ăn xin. Ăn xin kiểu nào cũng tìm cách khai thác lòng thương hại, dùng khổ nhục kế, đánh vào tính nghĩa hiệp, hào phóng của người Sài Gòn một cách hiệu quả nhất. Bố thí cho người ăn xin, không ít người tự sướng vì ngỡ mình vừa làm việc thiện nhưng thật ra ngược lại. Thu nhập của người ăn xin có khi nhiều hơn của người vừa bố thí.
Ước tính, số lượng người Campuchia ăn xin ở Sài Gòn mà nhiều báo viết là “người nước ngoài”, đông hơn số ăn xin trên cả nước Campuchia. Họ tập trung đông nhất (khoảng vài chục người) ở núi Kulen, dọc tam cấp lên chùa Paang Thom (Phật Lớn). Toàn người già, tàn tật và một ít trẻ nhỏ. Tất cả ngồi một chỗ như làm dàn chào và liên tục cám ơn. Những nơi khác, chỉ lẻ tẻ. Đặc biệt là chỉ xin tiền của du khách Việt Nam. Nhiều em còn nhờ tôi, đổi tiền Việt ra đô la Mỹ dùm. Ở Sài Gòn, các em cũng chỉ xin tiền của người Việt. Từng đợt, chính quyền thành phố có thu gom trả về nước nhưng họ lại băng đồng nhập cảnh, đi xe buýt từ Mộc Bài về Sài Gòn ăn xin. Phần lớn người Campuchia ăn xin ở Sài Gòn đến từ tỉnh Svay Rieng, nơi có cửa khẩu Bavet với hàng chục sòng bài hoành tráng.
Có lần vào một trung tâm xã hội ở huyện Củ Chi thấy mấy chục người Campuchia nằm ngồi một góc. Có cả mấy bé sơ sinh vài tháng tuổi. Người lớn, trẻ con, vợ chồng xếp lớp, ngủ chung. Đây là số người Campuchia qua Việt Nam ăn xin, đang ở tạm, chờ làm thủ tục trở về nước. Đó là chuyện cả chục năm trước. Bây giờ không biết thế nào. Sài Gòn là trung tâm du lịch, chiếm hơn nửa lượng du khách cả nước, lẽ nào bó tay để tệ nạn này ngày càng sinh sôi. Không chỉ là an ninh trật tự xã hội mà còn làm xấu hình ảnh du lịch của thành phố. Đã có những trường hợp giả vờ ăn xin để móc túi, giật đồ.
Giải bài toán ăn xin không khó. Về phía chính quyền thành phố cần quyết liệt và liên tục hơn trong việc phân loại, thu gom, làm việc với các tỉnh, ưu tiên tỉnh Svay Rieng trước. Không đâu ăn xin dữ dằn bằng núi Bà Đen trước đây nhưng cuối cùng phải tháo chạy về tỉnh khác. Thành phố không xua ăn xin về các tỉnh mà phối hợp để giải quyết có tình, có lý nạn này. Thành phố Đà Nẵng, thành phố Hội An cũng đã làm rất hiệu quả, cớ gì TP.HCM lại bỏ mặc, buông xuôi??
Bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền, rất cần sự tham gia và tiếp sức của mỗi người dân. Cho tiền người ăn xin là thói quen hào hiệp nhưng đặt không đúng chỗ. Vô tình tiếp tay cho tệ nạn, khuyến khích người khác ăn xin. Như người bị bệnh nặng, cần phải tìm cách đưa họ đi cấp cứu chứ không chỉ xức chút dầu gió rồi thôi. Không thể mời người loét dạ dày ăn mấy món kích thích hay chua cay. Khi không kiếm sống được, chứ không chỉ kiếm ăn, lượng người ăn xin chắc chắn sẽ giảm. Đó là quy luật cung cầu của xã hội.
Thay đổi một thói quen không dễ. Nhất là thói quen làm ta ngộ nhận về sự hào hiệp, nghĩa tình. Có khi làm ta băn khoăn, áy náy vì những hình ảnh tội nghiệp đáng thương thường gặp dọc đường đi lại. Có người còn bao biện cho lòng từ bi của Phật pháp theo kiểu “Thà giúp lầm hơn bỏ sót”. Phật nào dạy như vậy? Phật muốn mọi người chung tay, góp sức với thành phố dẹp tình trạng ăn xin theo khả năng của mình.
Cách dễ nhất là không cho tiền người ăn xin, bởi cho tiền là một cách làm tưởng tốt đẹp nhưng “lợi bất cập hại”. Những trường hợp thật sự khốn khó, được kiểm chứng, hãy giới thiệu họ với các nhà hảo tâm hoặc tìm đến các cơ quan truyền thông. Cơ quan báo chí nào cũng có bộ phận tiếp bạn đọc và Ban Công tác xã hội.
Ý kiến bạn thế nào? Nếu chưa đồng lòng, ta có thể trao đổi, góp ý và hiến kế để giải quyết tệ nạn ăn xin một cách căn cơ, thấu tình và đạt lý, góp phần làm đẹp thêm bộ mặt thành phố.
Nguyễn Văn Mỹ