Ông Võ Huy Cường (Cục Hàng không) cho biết chỉ các địa phương mới hiểu được năng lực y tế, hậu cần y tế, con người cụ thể. Việc Bộ GTVT đơn phương quyết định mở đường bay sẽ là phi lý, không đảm bảo chống dịch.

Vì sao Bộ GTVT không đơn phương quyết định mở đường bay?

Lam Thanh | 08/10/2021, 16:15

Ông Võ Huy Cường (Cục Hàng không) cho biết chỉ các địa phương mới hiểu được năng lực y tế, hậu cần y tế, con người cụ thể. Việc Bộ GTVT đơn phương quyết định mở đường bay sẽ là phi lý, không đảm bảo chống dịch.

3 địa phương vẫn chưa đồng ý mở đường bay

Bộ GTVT đã có hướng dẫn tạm thời vận tải hành khách đối với 5 lĩnh vực để áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Tuy nhiên, việc mở lại các đường bay còn không ít khó khăn, một số địa phương chưa đồng ý đón khách qua đường hàng không.

Tại cuộc tọa đàm trực tuyến "Điều kiện mở lại các chuyến bay an toàn" do báo Giao thông tổ chức ngày 8.10, ông Võ Huy Cường - Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết Bộ GTVT đã nhận được 19 văn bản của các tỉnh thành được hỏi ý kiến về mở lại đường bay; 2 tỉnh không ý kiến là Quảng Ninh và Quảng Ngãi; có 3 tỉnh thành chưa đồng tình là Hà Nội, Hải Phòng, Gia Lai.

Ông Cường cho hay riêng TP.Hà Nội nói giao nhiệm vụ cho UBND TP làm việc với Bộ GTVT về nội dung này và có văn bản nêu vấn đề đó. Ngày 29.9, Hà Nội có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề nghị chỉ đạo Bộ GTVT chưa mở lại đường bay nội địa. Vì vậy, trong giai đoạn đầu, Cục Hàng không chỉ xin ý kiến Hà Nội, không gây sức ép về việc mở đường bay.

“Chúng ta đều biết hiện việc phòng chống dịch bệnh ở nhiều địa phương đã có kết quả tích cực. Do vậy chúng ta xúc tiến nối lại hàng không nội địa là có căn cứ. Ngay từ đầu chúng tôi đã gấp rút nghiên cứu mở lại đường bay để xây dựng kế hoạch mở lại tại 22 cảng hàng không đang quản lý, với phương châm là ưu tiên phòng chống dịch, mở lại đường bay vừa an toàn chống dịch vừa tạo hiệu quả bền vững”, ông Cường nói.

vo-huy-cuong.jpg
Ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam phát biểu tại tọa đàm - Ảnh; Báo giao thông

Theo ông Cường, trước đây, để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch, từ ngày 22.7, chúng ta đóng lại hoạt động hàng không nội địa. Chỉ duy nhất đường bay Hà Nội - Sài Gòn duy trì một số chuyến bay. Tuy nhiên, Hà Nội không cho vận chuyển hành khách, nên phải có chỉ đạo từ Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia để khách công vụ, ngoại giao không phải cách ly tập trung.

“Về thẩm quyền, Bộ GTVT ban hành kế hoạch, còn ý kiến của địa phương là quan trọng bởi các địa phương mới hiểu được đang ở tâm thế nào trong chống dịch. Năng lực y tế, hậu cần y tế, con người cụ thể như thế nào… Theo đó, việc Bộ GTVT đơn phương quyết định mở đường bay sẽ là phi lý, không hiệu quả, không đảm bảo yêu cầu chống dịch, không bền vững nếu không có sự ủng hộ của các địa phương”, ông Cường chia sẻ.

Ngành hàng không thiệt hại 500 tỉ đồng/ngày

Đại diện Cục Hàng không cũng cho biết ngành hàng không mỗi ngày đang thiệt hại 500 tỉ đồng. Do đó, Bộ GTVT cần đề xuất, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các tỉnh có quyết định khôi phục lại hàng không nói riêng, GTVT nói chung để mở lại các đường bay nội địa.

Cũng theo ông Võ Huy Cường, Chính phủ rất quan tâm và ưu tiên kiểm soát dịch bệnh để tránh làn sóng dịch thứ 5, thứ 6 và nhiều hơn nữa. Song, Chính phủ cũng đã xác định, chúng ta bước sang tình hình mới, không còn khái niệm “Zero COVID” nữa.

Trong khi đó, việc mở cửa hàng không đang là đòi hỏi bức thiết của xã hội. Vì vậy, ông Cường mong các địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn để từng bước mở lại các đường bay; chủ động đề ra các biện pháp mở cửa trở lại, tạo hành lang an toàn để người dân, doanh nghiệp đi lại và hoạt động.

Cũng theo ông Cường, về mặt xã hội, ở phía nam, nếu người dân đi bộ ra ngoài bắc với 2.000km cũng mất vài tháng, nhưng liệu họ có thể đến nơi hay không? Còn đi xe máy, nhiều người rất vất vả, chống chọi với nhiều khó khăn, dù có sự hỗ trợ của các địa phương để về các tỉnh phía bắc.

Bởi vậy, khi có nhiều người mong muốn từ phía nam ra phía bắc để phòng tránh dịch, việc mở lại các chuyến bay đi và đến sân bay Nội Bài là vô cùng quan trọng.

Về khía cạnh an toàn, ông Cường nêu rằng ngành hàng không đang có các cơ sở hậu cần kỹ thuật lớn tập trung ở sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Nếu chỉ có Tân Sơn Nhất mở cửa, rõ ràng chỉ có một cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng hiệu quả trong hoạt động khai thác. Các đường bay khác sẽ phải về Nội Bài, nếu phải bay mà không có hành khách thì chắc chắn không có hiệu quả, mà không hiệu quả thì không thể bền vững.

Vừa khởi động hàng không, vừa kiểm soát dịch

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng cho rằng GTVT như mạch máu, tắc nghẽn hay đứt chỗ này, chỗ khác sẽ tổn thương. Càng những chỗ quan trọng, như các vùng kinh tế trọng điểm, khu vực giao thông đầu mối chính, thì tổn thương càng lớn.

Ông Phu cho biết Thủ tướng đã đưa quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. "Tôi cho rằng, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh là vấn đề rất khó khăn. Đặc biệt với ngành hàng không thì càng khó hơn bởi tỷ lệ tiêm vắc xin của Việt Nam còn thấp, không đồng đều", ông Phu nói.

san-bay.jpg
Nhiều ý kiến đề xuất nhanh chóng khôi phục đường bay

Theo đó, những người tiêm đủ vắc xin vẫn có khả năng nhiễm bệnh. Không ít người vừa rồi từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây Nam Bộ dù đã tiêm vắc xin vẫn nhiễm bệnh.

Ông Phu phân tích, khi những người đã tiêm đủ vắc xin mà nhiễm bệnh nếu đến các vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp, nguy cơ lây nhiễm cho người ở đó rất cao, có thể làm bùng phát dịch.

Nếu những người đã tiêm chủng rồi nhiễm bệnh, đến những vùng đã có tỷ lệ tiêm chủng cao, như Phú Quốc sắp tiêm đủ 2 mũi vắc xin, thì những người làm nhiễm bệnh đến những người ở Phú Quốc không quá nghiêm trọng, bởi người dân ở đó đã tiêm đủ 2 mũi rồi, có nhiễm bệnh cũng chỉ như cúm mùa thôi.

“Gánh nặng khi mở cửa đường bay nội địa sẽ dồn về các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Họ sợ bùng phát dịch, không có khu cách ly, sợ vỡ trận y tế”, ông Phu nói và cho hay, để kiểm soát dịch có hiệu quả, phải tính đến nguy cơ và tỷ lệ tiêm vắc xin.

Theo đó, cơ quan chức năng cần xác định vùng nào có nguy cơ. Những người đi từ vùng xanh không có ca bệnh thì thoải mái. Còn những vùng có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng cao như TP.HCM, Bình Dương, Long An, kể cả đã tiêm vắc xin nhưng nguy cơ mang mầm bệnh vẫn cao.

Vì vậy, theo ông Phu, kiểm soát dịch nên tập trung vào việc cách ly, tiêm chủng, nguy cơ vùng, chứ không phải kiểm soát hành chính. “Chúng ta cần có quy định để làm sao vừa khởi động lại hàng không mà vẫn kiểm soát được dịch bệnh”, ông Phu nói.

Bài liên quan
Cục Hàng không yêu cầu bảo đảm an toàn hệ thống, thiết bị CNS dịp cao điểm tết
Cục Hàng không yêu cầu tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn đối với hệ thống, thiết bị CNS dịp cao điểm Tết Ất Tỵ 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Bộ GTVT không đơn phương quyết định mở đường bay?