Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN vừa có cuộc đối thoại với chủ đầu tư các dự án điện chuyển tiếp nhằm chủ động bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc về hợp đồng mua bán điện.

Vì sao các nhà đầu tư chần chừ gửi hồ sơ bán điện tái tạo cho EVN?

Hồ Đông | 21/03/2023, 15:11

Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN vừa có cuộc đối thoại với chủ đầu tư các dự án điện chuyển tiếp nhằm chủ động bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc về hợp đồng mua bán điện.

Tại buổi làm việc, đại diện Công ty Mua bán điện (EPTC, thuộc EVN) cho biết công ty chỉ có thể đàm phán giá điện với nhà đầu tư khi có hướng dẫn của Bộ Công Thương theo điều 26 Nghị định 137. Trường hợp chưa thỏa thuận được về giá phát điện, Bộ Công Thương quyết định mức giá tạm thời để áp dụng cho đến khi bên mua điện và bên bán điện thỏa thuận được mức giá chính thức.

EPTC đã gửi văn bản cho 85 nhà đầu tư đề nghị gửi hồ sơ tài liệu xác định điều kiện nhà máy điện gió mặt trời là nhà máy chuyển tiếp và hồ sơ tài liệu liên quan đến các thông số đầu vào để tính toán phương án giá điện của dự án. Nhưng đến sáng 20.3, công ty mới nhận được 1 văn bản chính thức của nhà đầu tư Điện gió Nam Bình gửi, qua rà soát sơ bộ tương đối đầy đủ.

EPTC khẳng định các dự án phải đủ hồ sơ mới tiến hành đàm phán, để đảm bảo công khai, minh bạch. Như vậy mới rõ ràng ai nộp hồ sơ trước, ai nộp sau; ai được đàm phán trước, ai được đàm phán sau.

Đại diện Tập đoàn T&T Group nêu lý do khiến chủ đầu tư chậm trễ trong việc nộp hồ sơ, là do cảm thấy các đề xuất của EVN vẫn chưa rõ ràng, chưa thấy rõ được các định hướng cụ thể, khung giá điện được Bộ Công Thương ban hành có phần vội vàng.

Cụ thể, việc bãi bỏ 3 quy định: bãi bỏ áp dụng giá điện trong thời hạn 20 năm; bãi bỏ điều khoản chuyển tiền mua điện sang đô la Mỹ; bãi bỏ trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện của dự án điện nối lưới là không phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Các nhà đầu tư cũng kiến nghị EVN đề xuất cơ quan quản lý xem xét áp dụng cơ chế giá tạm tính bằng 90% giá điện nhập khẩu, 6,95 cent/kWh; khi nào có cơ chế giá chính thức, sẽ áp dụng hồi tố, tính toán lại.

EVN cho biết đã đề xuất Bộ Công Thương phương pháp xác định giá điện đối với nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp; giá điện của các dự án chuyển tiếp bao gồm 2 thành phần: giá cố định và giá vận hành, bảo dương (tương tự như các nhà máy thủy điện). Giá cố định xác định theo phương pháp dòng tiền với các thông số đầu vào.

Các thông số này bao gồm: tổng mức đầu tư là toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng của dự án được xác định theo quy định của pháp luật hiện hành, phù hợp với thiết kế cơ sở; các thông số tài chính xác định theo thực tế vay, đã giải ngân tại thời điểm hiện tại và có so sánh với cơ cấu vốn vay trong thiết kế cơ sở.

Đối với các nhà máy điện đã vận hành thương mại một phần nhà máy điện, EVN kiến nghị đàm phán và tính toán giá điện với các thông số đầu vào tính toán của cả nhà máy điện để áp dụng giá điện đối với phần nhà máy điện chưa có giá điện.

Hiện khung giá điện, phương pháp xác định giá điện đang chờ Bộ Công Thương thông qua. Trên cơ sở đó, EVN đề nghị các chủ đầu tư nhanh chóng nộp hồ sơ cho bên mua bán điện. Riêng vấn đề thỏa thuận đấu nối lưới điện, nếu thỏa thuận cũ đã ký hết hạn thì chủ đầu tư cần sớm làm việc với đơn vị vận hành lưới điện để rà soát, cập nhật lại các số liệu tính toán và tình trạng vận hành mới nhất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao các nhà đầu tư chần chừ gửi hồ sơ bán điện tái tạo cho EVN?