Ngày càng nhiều quốc gia Đông Âu đang tiến tới cấm nhập khẩu nông sản của Ukraine vì lo ngại có thể làm suy yếu nền kinh tế.

Vì sao Đông Âu quay lưng với nông phẩm Ukraine khi cuộc chiến ngày càng cam go?

Hoàng Vũ (theo Newsweek) | 19/04/2023, 18:00

Ngày càng nhiều quốc gia Đông Âu đang tiến tới cấm nhập khẩu nông sản của Ukraine vì lo ngại có thể làm suy yếu nền kinh tế.

Theo Newsweek, Slovakia, Ba Lan và Hungary đã tuyên bố cấm nhập khẩu tạm thời ngũ cốc và một số loại nông sản khác của Ukraine. Những quốc gia Đông Âu khác cũng đang cân nhắc động thái tương tự bất chấp phản ứng dữ dội từ Liên minh châu Âu (EU) và cộng đồng quốc tế.

Các lệnh cấm được đưa ra trong bối cảnh Ukraine - nơi có những vùng đất màu mỡ được mệnh danh là vựa lúa mì của châu Âu - đã hứng chịu những đòn giáng kinh tế kể từ khi Nga gây chiến và làm gián đoạn hoạt động nông nghiệp, ngăn chặn các chuyến vận chuyển ngũ cốc. Trong suốt năm 2022, tổng sản phẩm quốc nội (GPD) của Ukraine đã giảm 30%.

mot-chiec-xe-tang-nga-bi-pha-huy-nam-tren-canh-dong-lua-mi-phu-day-tuyet-o-vung-kharkiv-vao-ngay-22-thang-2-nam-2023-giua-cuoc-xam-luoc-quan-su-cua-nga-vao-ukraine..png
Một chiếc xe tăng Nga bị phá hủy nằm trên cánh đồng lúa mì phủ đầy tuyết ở vùng Kharkiv - Ảnh: AFP

Bulgaria và Romania hôm 18.4 tuyên bố rằng họ có thể trở thành những quốc gia tiếp theo đưa ra lệnh cấm nhập khẩu nông sản của Ukraine, đe dọa sẽ gây thêm áp lực cho nền kinh tế Ukraine khi nước này đang vật lộn để tìm cách phục hồi sau suy thoái kinh tế gây ra bởi cuộc chiến.

Các chuyên gia nhận định tranh chấp giữa Kyiv và các quốc gia Đông Âu đang báo hiệu sự rạn nứt hiếm hoi giữa các đồng minh EU trong cuộc chiến tại Ukraine. Ngoại trừ Belarus, phần lớn châu Âu đã ủng hộ Ukraine, cung cấp hỗ trợ kinh tế và vũ khí to lớn để củng cố nỗ lực phòng thủ chống lại Nga.

Tuy nhiên, việc các nước Đông Âu chuyển sang cấm nhập khẩu nông sản Ukraine là để bảo vệ phúc lợi kinh tế cho nông dân của họ - những người gần đây đã gây lo ngại rằng việc nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn từ Ukraine tạo ra áp lực kinh tế mới.

Chiến tranh đã khiến các cảng Ukraine phải đóng cửa, bao gồm một số cảng quan trọng nhất như Mariupol và Mykolaiv, dọc biển Đen, buộc hàng hóa phải được vận chuyển bằng đường bộ qua Đông Âu. Theo nông dân địa phương, lượng lớn sản phẩm Ukraine có mặt ở Đông Âu đã buộc họ phải giảm giá nông sản khiến việc buôn bán gặp nhiều khó khăn.

Thủ tướng của Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia tháng trước đã gửi thư cho Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen, nói rằng thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Ukraine vốn tạm thời bị đình chỉ để hỗ trợ Kyiv trong cuộc chiến - cần phải được áp dụng lại để xoa dịu các vấn đề nội địa.

"Hãy ủng hộ Ukraine, nhưng hãy làm điều đó một cách khôn ngoan và trên hết, hãy đặt lợi ích của đất nước và nông dân Ba Lan lên hàng đầu”, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết.

Bulgaria hôm 19.4 sẽ đưa ra quyết định về việc cấm một số sản phẩm nông nghiệp của Ukraine. Bộ trưởng Nông nghiệp Bulgaria Yavor Gechev cho biết quyết định này sẽ "gửi một tín hiệu mạnh mẽ buộc Liên minh châu Âu phải "hành động" để xoa dịu tình hình.

"Nông dân Bulgaria nói rằng họ không muốn trợ cấp, họ muốn thị trường của họ. Cạnh tranh không lành mạnh đang được tạo ra từ phía Ukraine”, ông Gechev nói.

Những nỗ lực này đã vấp phải sự chỉ trích từ Ukraine. Trong một tuyên bố, Bộ Nông nghiệp Ukraine đã lên án quyết định trước đó của Ba Lan - một trong những quốc gia ủng hộ quốc tế nhiệt thành nhất của Ukraine.

“Quyết định đơn phương của Ba Lan đối với các sản phẩm của Ukraine sẽ không đẩy nhanh quá trình giải quyết tích cực tình hình. Chúng tôi hiểu rằng nông dân Ba Lan có hoàn cảnh khó khăn, nhưng chúng tôi nhấn mạnh rằng hiện nông dân Ukraine mới là những người gặp khó khăn nhất. Cuộc chiến đang diễn ra trên lãnh thổ Ukraine, chính những người nông dân Ukraine phải chịu tổn thất to lớn từ cuộc chiến”, Bộ Nông nghiệp Ukraine nhấn mạnh.

Trong khi đó, phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết: “Chính sách thương mại thuộc thẩm quyền của EU và các hành động đơn phương là không thể chấp nhận được. Trong những thời điểm khó khăn như hiện nay, điều quan trọng là phải phối hợp với EU để đưa ra quyết định hợp lý".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Đông Âu quay lưng với nông phẩm Ukraine khi cuộc chiến ngày càng cam go?