Việc cả hệ thống ngân hàng đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất huy động một cách bất ngờ khi không có hiệu lệnh chung của Ngân hàng Nhà nước được chuyên gia lý giải là do thanh khoản tiếp tục duy trì trạng thái dư thừa mạnh.

Vì sao đồng loạt ngân hàng bất ngờ giảm lãi suất tiết kiệm?

04/07/2020, 12:37

Việc cả hệ thống ngân hàng đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất huy động một cách bất ngờ khi không có hiệu lệnh chung của Ngân hàng Nhà nước được chuyên gia lý giải là do thanh khoản tiếp tục duy trì trạng thái dư thừa mạnh.

Ngân hàng giảm lãi suất tiết kiệm do đang thừa tiền - Ảnh: Internet

Ngân hàng lớn nhỏ đồng loạt giảm lãi suất

Những ngày đầu tháng 7, hàng loạt ngân hàng lớn đã quyết định giảm lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, ở khối ngân hàng quốc doanh, Vietcombank điều chỉnh giảm từ 0,4 - 0,5% so với mức lãi suất niêm yết trước đó, đưa mặt bằng lãi suất của nhà băng này chỉ còn thấp nhất từ 3,7%/năm ( với kỳ hạn 1 tháng) đến cao nhất là 6,1%/năm (cho kỳ hạn 12 tháng).

VietinBank và BIDV cũng điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,25 - 0,5%, thấp nhất chỉ còn 3,7%/năm và cao nhất là 6%/năm. Như vậy, đây là lần giảm lãi suất tiết kiệm thứ 3 liên tiếp chỉ trong vòng hơn 3 tháng trở lại đây của các ông lớn ngân hàng.

Không kém cạnh 3 nhà băng trên, các ngân hàng thương mại tư nhân khác cũng đồng loạt giảm lãi suất tiết kiệm. Tại VPBank, ngân hàng này thông báo giảm lãi suất đối với tất cả các sản phẩm tiết kiệm và tiền gửi kỳ hạn bằng VNĐ và AUD, cả giao dịch tại quầy lẫn trên kênh online, mức giảm từ 0,3 - 1,1%/năm.

Tại Techcombank, từ ngày 1.7, ngân hàng này đưa lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng xuống chỉ còn 3,4 - 3,6%/năm và lãi suất cao nhất là 6,2%/năm áp dụng cho các khoản tiền từ 3 tỉ trở lên và gửi 12 tháng. Riêng kỳ hạn ngắn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng lãi suất chỉ dao động từ 3,5 - 4,05%/năm. Tuy nhiên, sang ngày 2.7, nhà băng này lại thông báo giảm tiếp lãi suất, với kỳ hạn dưới 6 tháng cao nhất chỉ còn 3,95%/năm và thấp nhất vẫn là 3,4%/năm. Với sự điều chỉnh giảm lãi trong 2 ngày liên tục, Techcombank đang là ngân hàng có biểu lãi suất huy động kỳ hạn ngắn ở mức thấp nhất thị trường.

Sacombank cũng thông báo điều chỉnh lãi suất với kỳ hạn dưới 6 tháng chỉ còn 3,9 - 4,05%/năm, lãi suất cao nhất là 7,8%/năm cho khoản tiền 13 tháng kèm theo yêu cầu là số tiền gửi 100 tỉ trở lên.

Tương tự, các ngân hàng khác trong hệ thống như SCB, TP Bank, PVcombank, NamA Bank, KienLong Bank… cũng quyết định giảm lãi suất với mức giảm phổ biến 0,2 - 0,3%, một số nơi giảm hơn 0,5 %. Đây là sự điều chỉnh đồng loạt của cả hệ thống một cách khá bất ngờ khi không có hiệu lệnh chung của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất điều hành.

Ngân hàng giảm lãi do thừa tiền

Lý giải động thái giảm lãi suất tiết kiệm của nhiều ngân hàng từ đầu tháng 7, lãnh đạo một nhà băng cho biết dù Ngân hàng Nhà nước không giảm lãi suất điều hành song cơ quan quản lý yêu cầu các tổ chức tín dụng trong hệ thống tập trung tiết giảm chi phí, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. Vì vậy, việc giảm lãi suất huy động là một trong những hình thức được ngân hàng chọn lựa đầu tiên để giảm chi phí vốn đầu vào.

Chuyên gia phân tích vĩ mô của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) lại cho rằng do hệ thống ngân hàng đang "thừa tiền" nên việc giảm lãi suất tiết kiệm là cần thiết. Hiện tại, hệ thống có khoảng 147.000 tỉ đồng tín phiếu đáo hạn, không được Ngân hàng Nhà nước rút về. Ngoài ra, có một lượng vốn ròng lớn quay trở lại hệ thống ngân hàng, khiến các ngân hàng dư thừa thanh khoản. Trong khi đó, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp chững lại bởi khó khăn về dịch bệnh.

Đồng quan điểm, chuyên gia Công ty Chứng khoán KB (KBSV) nhìn nhận việc thanh khoản dư thừa và các ngân hàng muốn giảm mạnh chi phí vốn đầu vào là 2 lý do chính tạo nên sự điều chỉnh đồng loạt của cả hệ thống.

“Việc cả hệ thống điều chỉnh giảm lãi suất huy động một cách khá bất ngờ khi không có hiệu lệnh chung của Ngân hàng Nhà nước được lý giải là do thanh khoản tiếp tục duy trì trạng thái dư thừa mạnh. Vốn đầu ra bị tắc nghẽn do tín dụng trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng thấp dưới ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong khi có một lượng lớn tín phiếu Ngân hàng Nhà nước đáo hạn.

Do vậy, lãi suất liên ngân hàng trong tháng 6 đã giảm tiệm cận về 0%, còn dòng tiền chuyển hướng sang đầu tư trái phiếu chính phủ giúp lượng phát hành trái phiếu của Kho bạc Nhà nước trong tháng 6 lớn nhất trong 1 năm gần đây.

Động thái này cũng giúp cho ngân hàng cắt giảm chi phí vốn để hỗ trợ doanh thu, đồng thời bảo vệ biên lãi thuần (NIM) khỏi sự suy giảm mạnh khi lãi suất cho vay bị áp lực giảm để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19”, KBSV phân tích.

KBSV cũng đánh giá xu hướng mặt bằng lãi suất huy động trong thời gian tới sẽ phụ thuộc 3 yếu tố chính. Thứ nhất là tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm. Thứ hai là chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Thứ ba là lộ trình siết tỷ lệ huy động ngắn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10.2020.

“Trong kịch bản cơ sở, chúng tôi cho rằng lãi suất huy động vẫn sẽ tăng nhẹ trong quý 2/2020 khi tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng sẽ hồi phục và lộ trình siết tỷ lệ huy động ngắn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10.2020 có thể sẽ đẩy mạnh mức độ cạnh tranh về tiền gửi và làm đảo chiều xu hướng lãi suất tiền gửi đang giảm. Mức điều chỉnh sẽ kỳ vọng chỉ tăng nhẹ khoảng 0,3 – 0,5% do vẫn còn khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ lãi suất điều hành thêm một lần nữa trong bối cảnh lạm phát có thể hạ nhiệt vào nửa cuối năm”, chuyên gia của KBSV nói thêm.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
11 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao đồng loạt ngân hàng bất ngờ giảm lãi suất tiết kiệm?